Số ca mắc bệnh ho gà gia tăng, không chủ quan với các triệu chứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Việt Nam, bệnh ho gà có xu hướng gia tăng từ đầu năm đến nay. Ở một số quốc gia, số ca trẻ tử vong do bệnh ho gà cũng đáng báo động khi các biểu hiện của bệnh này ở trẻ nhỏ khá giống với một số bệnh thông thường.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà. Riêng Hà Nội ghi nhận 39 trường hợp mắc ho gà tại 18 quận, huyện, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đánh giá số ca mắc ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Cụ thể, phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm 65%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).

Cách tốt nhất để phòng-chống bệnh ho gà là tiêm vắc xin ngay khi trẻ vừa đủ 2 tháng tuổi. Ảnh internet

Cách tốt nhất để phòng-chống bệnh ho gà là tiêm vắc xin ngay khi trẻ vừa đủ 2 tháng tuổi. Ảnh internet

Tại Philippines, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến ngày 30-3, đất nước này đã ghi nhận 1.112 ca bệnh ho gà, cao hơn gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, đã có 54 trường hợp tử vong, đều là trẻ dưới 5 tuổi. Cộng hòa Serbia ghi nhận 70 trẻ mắc ho gà, khoảng 40 trẻ phải nhập viện và 4 trẻ đã tử vong. Tại nước lân cận như Thái Lan, các ổ dịch ở miền Nam xuất hiện từ năm ngoái đến nay đã có hơn 1.000 ca mắc, 7 trường hợp đã tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc và tử vong đều ở nhóm nhỏ tuổi và chưa được tiêm vắc xin.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021.

Bệnh ho gà thường gặp ở trẻ nhỏ và đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc và tử vong lên đến 90% ở trẻ dưới 1 tuổi.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Bệnh này dễ lây lan từ người sang người, chủ yếu qua các giọt bắn trong lúc ho hay hắt xì. Ho gà thường khởi phát với các triệu chứng như cảm cúm thông thường là mệt mỏi, chán ăn, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ. Cơn ho sau đó ngày càng nặng và trở thành cơn ho kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Ho gà thường khiến trẻ ho rũ rượi, không thể kìm hãm kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà. Sau các cơn ho, trẻ thường chảy nhiều đờm đi kèm với nôn. Tình trạng ho, đờm, nôn kết hợp và kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột. Trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt, trẻ dễ tử vong do tắc đường thở, mất nước. Khả năng tử vong do ho gà còn đến từ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội… Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức.

Cách tốt nhất để phòng bệnh là thông qua tiêm phòng. Vắc xin là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí điều trị ho gà. Vắc xin có thành phần ho gà nay đã được kết hợp trong vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, chỉ định sớm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi. Đặc biệt, thành phần ho gà trong vaccine 6 trong 1 là ho gà vô bào, giúp vaccine có ít phản ứng phụ, giảm các phản ứng sau tiêm như sốt đau cũng như giảm cảm giác khó chịu khi tiêm.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?