Sinh tồn hậu chấn thương tủy sống: Những giấc mơ trong căn nhà đầy gió

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đang làm công nhân may bên Trung Quốc, tai nạn đột ngột xảy đến khiến người phụ nữ trẻ Nguyễn Thị Kiều Phương bị tổn thương tủy sống, liệt từ ngực trở xuống.

Đã 6 năm sau biến cố, chị Kiều Phương (hiện 31 tuổi) và đứa con gái 8 tuổi nương tựa cha mẹ chị trong căn nhà lá cất tạm trên bờ kênh thủy lợi ấp Thôn Rôn, xã Vinh Kim, H.Cầu Ngang, Trà Vinh.

Sau tai nạn, cuộc sống của chị Phương thu hẹp trong căn nhà lá. Ảnh: NHƯ LỊCH

Sau tai nạn, cuộc sống của chị Phương thu hẹp trong căn nhà lá. Ảnh: NHƯ LỊCH

Ngại ánh mắt người đời

Con đường dẫn vào nhà chị Phương ngoằn ngoèo với nhiều ổ gà, chạy dọc cánh đồng nuôi tôm. Từ sau tai nạn, chị chưa một lần tự lăn xe ra khỏi nhà. Bà Trần Thị Tách (63 tuổi), mẹ chị Phương, giải thích: "Đường gồ ghề, lộc cộc, mùa mưa thì sình lầy, nên nó không tự đẩy xe lăn được". Bà kể thêm: "Hồi đó, nền nhà này cũng là nền đất lồi lõm. Thấy xe lăn hư hoài, tui mới ráng tráng cái nền cho nó lăn tới lăn lui trong nhà, chứ hổng lẽ để nó ngồi một chỗ".

Kiều Phương có khuôn mặt xinh xắn, làn da trắng và mái tóc dài. Nếu Phương không ngồi xe lăn thì ít ai biết chị bị liệt, bởi đôi chân chị có vẻ bình thường chứ không teo tóp. Phương tâm sự: "Em sợ người ta nhìn mình, mình mặc cảm đó chị, nên em ở trong nhà không à. Phải chi bị khuyết tật từ nhỏ thì mình có thể chấp nhận. Còn đây tự nhiên đang đi đứng khỏe mạnh, có một sự cố làm mình phải ngồi xe lăn".

Phương cho biết năm 24 tuổi, sau khi chia tay người chồng không hôn thú, chị ôm đứa con gần một tuổi từ TP.HCM trở về Trà Vinh sống cùng cha mẹ ruột. Một năm sau, vào tháng 4.2017, Phương đi xuất khẩu lao động "chui" và làm công nhân may ở tỉnh An Huy (Trung Quốc), định kiếm tiền gửi về nuôi con. Nhưng chưa đầy tháng, trong một buổi tối tăng ca trở về, Phương lên gác trọ thì bị chóng mặt và té từ cầu thang xuống đất. "Họ báo giá ca phẫu thuật chấn thương cột sống của em hơn 170 triệu đồng. Nếu có tiền mổ sớm bên đó, có lẽ em không đến nỗi bị liệt", Phương nghẹn ngào.

Chị Phương làm việc nhà. Ảnh: Như Lịch

Chị Phương làm việc nhà. Ảnh: Như Lịch

Trong khi Phương nằm chịu trận một tuần bên Trung Quốc, cha mẹ chị bán hết gia sản lớn nhất là mấy con bò và chạy vạy xin tiền từ thiện của người dân địa phương, để đưa Phương về VN điều trị.

Với hy vọng "đi lại được bình thường", Phương và gia đình dốc cạn túi trong 3 tháng lên TP.HCM tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Hết tiền, người thân cũng không thể tiếp tục chăm nuôi vì còn nặng gánh mưu sinh, Phương đành về nhà với bệnh trạng không thể tránh né: tổn thương tủy sống, liệt từ ngực trở xuống, không tự chủ tiểu tiện... Khi đó, Phương mới 25 tuổi. Chị nhớ lại: "Thời gian đầu bị liệt, em suy sụp tinh thần, khóc dữ lắm. Mình là người đi làm nuôi con, mà nay mình không đi được, con cái ai lo? Bây giờ em cũng còn khóc nhưng sợ mẹ em thấy thì buồn theo, nên chỉ khóc thầm".

Căn nhà thừa… gió

Bé Mèo là niềm an ủi lớn của chị Phương. Ảnh: Như Lịch

Bé Mèo là niềm an ủi lớn của chị Phương. Ảnh: Như Lịch

Vợ chồng bà Tách có 3 con, gồm 2 con gái và 1 con trai đã lập gia đình ở riêng. Người con gái út (Phương) bị liệt, còn người con gái đầu mất vì Covid-19 vào năm 2021, để lại 3 đứa trẻ mồ côi đang tuổi ăn học.

Ông Đạt (63 tuổi, chồng bà Tách) làm thuê cuốc mướn và nuôi bò rẽ cho người ta. Những năm gần đây, ông bị bệnh tim, đau bao tử và đường ruột nên sức khỏe sa sút. Hoàn cảnh khiến bà Tách bất đắc dĩ phải gánh vai trụ cột lo cho 7 miệng ăn bằng việc đi bán vé số và chạy xe ôm, dù bà cũng bị bệnh thấp khớp, viêm phế quản mãn tính.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ bà Tách từ lâu cư ngụ tại ấp Thôn Rôn. Cách đây hơn 5 năm, mảnh đất gia đình bà sử dụng nằm trong diện đền bù giải tỏa để làm kênh thủy lợi. Ruộng đất không còn, vợ chồng bà đành dựng mái lá tá túc trên bờ kênh thủy lợi này.

Trong căn nhà lợp bằng lá dừa nước có rất ít đồ đạc, theo cách gọi của bà Tách là "trống lỏng trống lơ", nên đi đâu tôi cũng gặp… gió. Gió đập ràn rạt vô vách lá. Gió mải miết rượt nhau loạt xoạt như muốn bứt tung những miếng ni lông dặm vá các chỗ thủng trên mái nhà. Gió thổi hoang hoải qua những phận người nghèo khó... Bà Tách lo lắng: "Nhà tui mưa xuống, chỗ nào cũng dột ướt hết cô à".

Chị Phương và con gái. Ảnh: Như Lịch

Chị Phương và con gái. Ảnh: Như Lịch

Hôm chúng tôi đến thăm, bà nghỉ bán vé số buổi sáng để đi lãnh mì tôm và gạo từ thiện trong xóm. 11 giờ, bếp vẫn lạnh tanh. Mấy đứa cháu ngoại đi học về đói cong người, đi tới đi lui dòm vô cái bếp. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, Phương thật thà: "Bữa nay hết gạo hết mì, em chờ mẹ đi lãnh về".

Bà Tách về, Phương vội bắc ấm nước chế mì tôm. Gió thổi tơi bời, ngọn lửa nghiêng ngả khiến ấm nước lâu sôi, Phương lấy nắp vung chắn gió. Hì hụi một hồi, Phương chế được hai tô mì rồi sớt vô 4 cái chén cho mấy đứa trẻ ăn lót dạ.

Níu những giấc mơ

Hiện nay, Phương được nhận trợ cấp xã hội 540.000 đồng/tháng. Chị thổ lộ: "Em ngồi vậy chứ phải mặc tã. Tháng nào đi lãnh tiền trợ cấp xã hội cho em, mẹ mua mấy bịch tã là coi như không còn đồng nào. Thường thì buổi tối, em mới mang tã chứ mặc suốt ngày thì tiền đâu chịu nổi". Nhiều lúc bức bí tiền bạc, Phương cầu mong những người khuyết tật mất tự chủ tiểu tiện như chị được tăng thêm chút tiền trợ cấp.

Hằng ngày, Phương đẩy xe lăn làm việc nhà và phụ cha mẹ chăm sóc đám con cháu. Tới mùa ớt chín, bà Tách nhận ớt về cho Phương lặt cuống, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng (tiền công 1.500 đồng/kg). Trước đó, chị nhận đan thảm cỏ lác... "Bây giờ mình không còn hai cái chân thì còn hai tay, nên có việc gì làm được là làm", Phương bày tỏ. Chị ao ước thường xuyên kiếm được việc làm tại nhà, nhưng thực tế có ít việc và bấp bênh theo thời vụ.

Con gái Phương (ở nhà bé tên là Mèo) đang học lớp 2. Chiều chiều, bà Tách lãnh vé số về, Mèo phụ bà ngoại đi bán dọc dài trong xóm. Chị Phương kể có đôi lần Mèo bóp chân cho mẹ đỡ nhức xương, bé phụng phịu nói: "Hai cái chưn (chân) liệt này nè, sao mày hổng đi đi, để mẹ ngồi xe lăn hoài à".

Bà Trần Thị Tách (mẹ chị Phương) chạy xe ôm và bán vé số, bất đắc dĩ thành trụ cột gia đình khi tuổi đã cao. Ảnh: Như Lịch

Bà Trần Thị Tách (mẹ chị Phương) chạy xe ôm và bán vé số, bất đắc dĩ thành trụ cột gia đình khi tuổi đã cao. Ảnh: Như Lịch

Thấy bà ngoại suốt mấy năm nay đưa đón mình đi học, bé Mèo thủ thỉ với mẹ: "Mẹ! Chừng nào mẹ hết què, mẹ chở con đi học nha". Những lời nói ngây thơ của đứa con ám ảnh tâm khảm người mẹ. Một lần, chị nằm mơ chạy xe chở con đến trường. Đường hơi xa, hai mẹ con nói cười vui vẻ. Tới nơi, bé Mèo kêu: "Mẹ ơi! Dắt con vô lớp!". Giật mình tỉnh dậy, chị nhéo đôi chân và bẽ bàng nhận ra chúng đã mất cảm giác từ lâu.

Vậy mà đêm đêm, chị ngóng giấc mơ đó trở về… (còn tiếp)

Ông Nguyễn Minh Điền, Trưởng ban Nhân dân ấp Thôn Rôn, xã Vinh Kim, H.Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết hoàn cảnh nhà bà Tách rất khó khăn. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, không có ruộng đất, không có việc làm ổn định, đông nhân khẩu gồm 2 người già, 3 đứa cháu mồ côi, chị Phương tàn tật cùng đứa con nhỏ. Chính quyền địa phương và một số người dân quan tâm, giúp đỡ gia đình bà Tách, song cũng chỉ hỗ trợ được phần nào.

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.