Sinh tồn hậu chấn thương tủy sống: Đi ra từ bóng tối tuyệt vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả nước hiện có hàng ngàn bệnh nhân tổn thương tủy sống, chủ yếu do tai nạn. Đa số các ca vốn là lao động trụ cột, thu nhập chính của gia đình. Loại chấn thương nghiêm trọng này để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.

Nhiều tháng liền, chị Hồng (39 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) túc trực chăm sóc chồng (anh Tấn, 44 tuổi) bị chấn thương tủy sống do tai nạn giao thông. Hôm tôi gặp anh Tấn tại Khoa Tổn thương tủy sống (TTTS), Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, anh buồn rầu kể: "Tui bị tai nạn cận Tết Nguyên đán vừa rồi. Bữa đó, tui chạy xe máy đi làm thì người phía trước thắng xe đột ngột khiến tui hết hồn bóp thắng và bị văng vô dải phân cách. Bác sĩ nói tui bị dập tủy sống cổ, phải điều trị lâu dài".

Biến cố lớn trong đời

Giống như anh Tấn, anh Lâm Khánh Hưng (27 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng bị chấn thương tủy sống do tai nạn giao thông. Hưng bị liệt hai chân, thân hình vạm vỡ còn lượng sượng trên chiếc xe lăn người bạn cho mượn. Bệnh nhân gần phòng Hưng góp lời: "Hưng mới bị tai nạn nên nó buồn lắm. Thấy Hưng vịn tường tập đi, em động viên nó ráng tập đi lại cho được để về cưới vợ, vì nghe đâu Hưng có người yêu rồi". Nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi, Hưng gượng cười, đôi mắt đỏ hoe.

Bác sĩ Đinh Quang Thanh thông tin về mô hình cột sống. Ảnh: NHƯ LỊCH

Bác sĩ Đinh Quang Thanh thông tin về mô hình cột sống. Ảnh: NHƯ LỊCH

Bác sĩ (BS) Lê Hoàng Dũng, Trưởng khoa TTTS, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho hay nguyên nhân gây nên TTTS là tai nạn lao động, tai nạn giao thông, u tủy sống, lao tủy sống hoặc lao cột sống, nhồi máu tủy. Mức độ TTTS gồm: loại tổn thương hoàn toàn (A) và loại tổn thương không hoàn toàn, tức là chỉ liệt một phần (B, C, D, E). TTTS có thể ảnh hưởng rất nhiều bộ phận, chức năng trong cơ thể như hô hấp, tứ chi, hệ tiêu hóa, hệ thống tiết niệu (không tiểu được hoặc không tự chủ tiểu tiện), gây loét tì đè... Đặc biệt, TTTS làm mất nhân lực lao động và mất thêm nhân lực để nuôi bệnh, ảnh hưởng kinh tế và hạnh phúc gia đình bệnh nhân.

Theo BS Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn của BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, kiêm phụ trách Khoa Phục hồi chức năng, cột sống là khung xương để bảo vệ tủy sống - cơ quan thuộc hệ thần kinh trung ương phụ trách chức năng vận động, cảm giác và hệ thần kinh giao cảm. Nếu chấn thương cột sống dẫn đến TTTS sẽ gây nên các rối loạn về vận động, về cảm giác, về các chức năng của hệ thần kinh giao cảm.

"TTTS là một trong những tổn thương phải nói là nặng nề nhất. Người bệnh bị sốc tâm lý kinh khủng, đặc biệt là những người bị TTTS sau chấn thương", BS Thanh lưu ý.

Vì sao ? BS Đinh Quang Thanh giải thích: Đa số những người bị TTTS sau chấn thương là những người đang làm việc bình thường, khỏe mạnh lành lặn, thậm chí là những người có địa vị xã hội, có đời sống kinh tế tốt, là chủ gia đình. Nhưng đột ngột do tai nạn rủi ro, họ bị TTTS và trở thành người tàn tật khiến họ stress nặng, có thể dẫn đến trầm cảm.

Điều này cũng lý giải vì sao tại BV này, bệnh nhân ở tất cả các khoa được tư vấn tâm lý do Đơn vị tư vấn lâm sàng thực hiện. Riêng bệnh nhân TTTS còn được tư vấn đồng đẳng - tức là nhân viên tư vấn cũng bị TTTS, sau đó có cuộc sống và công việc tương đối ổn định, nên thấu hiểu và có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, tư vấn cho những người đồng bệnh.

Bệnh nhân tổn thương tủy sống điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM

Bệnh nhân tổn thương tủy sống điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM

"Cuộc chiến" lâu dài

Gần 4 năm nay, anh Đức Thuận (47 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) nhiều lần khăn gói vào điều trị tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. Anh Thuận làm chăn nuôi trang trại. Trong một lần chạy xe máy bất cẩn, anh ngã xuống ruộng và bị TTTS cổ, liệt tứ chi.

Sau mỗi đợt anh Thuận tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, vợ chồng anh về nhà gom góp tiền chuẩn bị cho đợt vào viện tiếp theo. Anh Thuận tâm sự: "Tui vô đây, vợ tui nhiều hôm cũng phải đi cùng để chăm sóc, trong khi ở nhà còn 3 đứa con. Nên cứ vài tháng là tui lo về nhà, sợ bỏ bê tụi nó hư hỏng. Khổ vậy đó, cứ chạy ra chạy vô hoài à".

BS Đinh Quang Thanh cho hay khoảng trước năm 2000, đa số bệnh nhân TTTS bị nhiều biến chứng đưa đến tử vong và một số bệnh nhân tự sát do bế tắc, trầm cảm. Năm 2003, Tổ chức Handicap International của Bỉ ký kết với BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM thành lập Khoa TTTS đầu tiên trên toàn quốc. Nhờ đó, bệnh nhân được tư vấn đồng đẳng, tập vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, kiểm soát gồng cứng, phòng ngừa loét và biến chứng về niệu, chăm sóc và điều trị loét, hướng nghiệp...

Bệnh nhân tổn thương tủy sống điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM

Bệnh nhân tổn thương tủy sống điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM

Đề cập vấn đề phục hồi chức năng tủy sống, BS Lê Hoàng Dũng nêu 3 mục đích chính: Thứ nhất, làm cho bệnh nhân phục hồi tất cả các chức năng có thể phục hồi được. Thứ hai, những gì bệnh nhân chưa làm được thì tập cho họ làm được để đỡ một gánh nặng chăm sóc. Thứ ba, bệnh nhân đó có thể tái hòa nhập cộng đồng, làm một số việc như người khác, phù hợp với bệnh cảnh của họ để giảm được một gánh nặng cho gia đình.

Dẫn chứng một người bị tổn thương đoạn tủy cổ ở mức độ A xem như liệt hoàn toàn không thể phục hồi, BS Dũng cho biết họ vẫn có thể đánh răng, tự múc cơm ăn, ngồi xe lăn; và nếu phục hồi tốt nữa thì họ có thể tự đẩy xe lăn. Hoặc một người tổn thương tủy lưng, tuy bị liệt nhưng họ vẫn tự đẩy xe lăn, tự đi tiêu tiểu, có thể đi bán vé số hay ngồi làm việc với máy vi tính. Thậm chí một số người vẫn đi đánh cầu lông, tham gia những giải thể thao...

TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chia sẻ: "Điều trị cho những người bị chấn thương tủy sống là cuộc chiến lâu dài, với lộ trình và kế hoạch cụ thể. Thời điểm đầu, đối với bệnh nhân, đó là đường cùng, là ngõ cụt, chỉ có bóng tối, những nhân viên y tế chúng tôi sẽ cùng bệnh nhân mò mẫm và đưa họ ra với ánh sáng, mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân sau quá trình điều trị phục hồi". BS Hoàng khẳng định chính bệnh nhân phải tự mở cánh cửa tâm hồn bằng nghị lực vươn lên, còn nhân viên y tế chỉ là người hỗ trợ.

(còn tiếp)

76,25% bệnh nhân bị tổn thương tủy sống là do tai nạn

Số liệu công bố tại hội thảo "Phục hồi chức năng TTTS và ký kết MOU (biên bản ghi nhớ) phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng" ngày 7.4.2023 cho thấy: Từ năm 2018 đến đầu năm 2023, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM đã điều trị 5.926 bệnh nhân TTTS. Trong đó, 76,25% là do tai nạn, 23,75% là do bệnh lý; hơn 76% bệnh nhân là nam giới, 23% là nữ giới.

Tại hội thảo, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM (hiện là đơn vị duy nhất có khoa điều trị chuyên sâu về phục hồi chức năng sau tổn thương tủy sống) đã ký kết MOU về việc hỗ trợ chỉ đạo tuyến cho toàn miền Đông và Tây Nam bộ trong lĩnh vực phục hồi chức năng.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.