Siêu Ủy ban xử lý 12 dự án thua lỗ thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông  tin dự án công khai là cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận, đánh giá đúng thực lực, tiềm năng để quyết định đúng đắn nhất với dự án...
ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi với PV báo Đất Việt về việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp quản 12 đại dự án thua lỗ ngành Công thương.
 
Một dự án thua lỗ của PVTex. Ảnh VnEconomy
PV:- Thưa ông, ngày 9/7, Bộ Công thương đã bàn giao việc xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công thương về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban). Việc bàn giao được kỳ vọng sẽ giải quyết nốt các tồn tại, hạn chế để "vực dậy" các dự án này.
Ông bình luận thế nào về mục tiêu trên? Theo ông, việc chuyển giao các dự án này từ Bộ Công thương sang Siêu ủy ban sẽ giúp quá trình xử lý những tồn tại nói trên thuận lợi hơn như thế nào?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Trước hết, theo tôi cần phải nhấn mạnh rằng vai trò chính của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban) là: “đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, không phải là một tổ chức đi kinh doanh như các tập đoàn, tổng công ty”.
Với vai trò, nhiệm vụ trên, việc chuyển giao 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương nói riêng và các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ ngành nói chung về Siêu ủy ban sẽ giúp tách bạch được hai chức năng:  quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều này rất quan trọng, giúp xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách quản lý nhà nước, đồng thời lại trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý. Đồng thời cũng giúp quá trình xử lý hạn chế, tồn tại, yếu kém tại các dự án thua lỗ thuận lợi hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết không cho sử dụng ngân sách để cứu các dự án thua lỗ. Việc tiếp tục để 12 dự án này ở Bộ Công thương là khó chồng thêm khó, vừa nhùng nhằng mất thời gian, vừa làm mất đi cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm năng, lại vừa tăng thêm gánh nặng cho ngân sách và xã hội.
Bản thân Bộ Công thương không thể có đủ nguồn lực để vực dậy các dự án, trong khi, các doanh nghiệp đã không còn đủ uy tín để tự kêu gọi vốn đầu tư hoặc tự đứng ra vay vốn từ ngân hàng.
Vì thế, khi chuyển giao 12 đại dự án thua lỗ cho Siêu ủy ban sẽ đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề.
Trước tiên là chấm dứt được tình trạng bao bọc, tạo ra những lợi thế cạnh tranh không bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, dẫn tới tâm lý ỷ lại, không cần và không có sức ép phải cạnh tranh để phát triển. Thay vào đó, buộc các doanh nghiệp này phải tự chứng minh thực lực, nội lực, muốn tồn tại phải cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với nhau và phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thuộc các khu vực khác.
Đây là thời điểm, là cơ hội cho các dự án thật sự có tiềm năng bộc lộ hết thế mạnh, ưu thế của mình mà trước đây vì lý do này, lý do khác chưa thể phát triển được. 
Thứ hai, cơ chế cạnh tranh cũng sẽ làm lộ ra những dự án không có tiềm năng, không có khả năng phục hồi, tồn tại chỉ nhờ dựa vào lợi thế được “ban phát” từ cơ quan chủ quản, những dự án này sớm muộn cũng phải phá sản, không thể tồn tại được.
Như vậy, mục tiêu tiếp theo là giải quyết dứt điểm được tình trạng ngân sách phải nuôi mãi dự án không có tiềm năng, càng giữ dự án càng lỗ, càng đổ thêm tiền càng mang nợ; giải quyết dứt điểm các dự án này để không chịu thêm thiệt hại về kinh tế.
Dù chưa thể khẳng định ngay kết quả nhưng với tiềm lực tài chính rất mạnh (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty với trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng), trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) với tổng vốn điều lệ là 50.000 tỷ đồng) sẽ là cơ sở đề giúp các cơ quan quản lý tìm được con đường giải quyết các hạn chế, tồn tại tại các dự án này nhanh hơn, sớm hơn, hiệu quả hơn.
Nên nhớ, một trong chức năng quan trọng của Siêu uỷ ban là tái cấu trúc, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, một phần nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa sẽ được nộp về ngân sách, một phần sẽ được SCIC giữ lại. Khi quá trình cổ phần hóa diễn ra càng nhanh, càng hiệu quả, càng dễ thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, củng cố thêm nguồn lực tài chính cho SCIC cũng như Siêu ủy ban.
Vấn đề của SCIC cũng như Siêu ủy ban là phải đánh giá cho đúng tiềm năng của từng dự án, đi cùng với đó là một chiến lược, một phương án xử lý cụ thể, công khai trước khi quyết định rót vốn vực dậy hay cho phá sản một dự án nào đó.
PV:- Vậy theo ông, phương án xử lý các dự án này nên tiếp cận theo quan điểm như thế nào? Khi nhìn vào thực trạng của các dự án này đang là: 2/12 dự án được cho là có tín hiệu tích cực (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt – Trung). Hầu hết các dự án còn lại vẫn trong tình trạng "vô vọng" như: Đạm Ninh Bình không có đủ khả năng thu xếp nguồn tiền để trả nợ các khoản vay đến hạn trong năm 2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng nhà đầu tư nào mặn mà.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, vì chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc và các nhà thầu phụ, mỗi tháng vẫn phải trả khoản lãi lên tới gần 50 tỷ đồng...
Chưa nói tới những dự án trên đa số đều sử dụng công nghệ Trung Quốc, máy móc lạc hậu, qua thời gian dài đắp chiếu, mọi thứ hạ tầng, máy móc đều đã bị ảnh hưởng, hư hại, khả năng hồi sinh đã khó, khả năng sinh lợi nhuận còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Ở đây cần chia rõ hai nhóm dự án.
Một, với những dự án được cho là đã cắt được lỗ, tức là dự án có tương lai, có khả năng phục hồi, Nhà nước không bắt buộc phải nắm giữ. Cần tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh việc cổ phần hóa, kêu gọi đầu tư tư nhân cùng tham gia, thậm chí có thể bán thẳng dự án cho các nhà đầu tư có tiềm năng, quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Chắc chắn nếu chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị của tư nhân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Như vậy, khả năng nộp ngân sách và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.
Hơn nữa, với những dự án đang có khả năng phục hồi, nếu có bán thẳng hay tiến hành thực hiện cổ phần hóa nhà nước cũng không sợ mất vốn, ngược lại còn thu được một nguồn lực lớn phục vụ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tái đầu tư vào những dự án khác có tiềm năng nhưng đang thiếu vốn.
Hai, với những dự án vẫn đang thua lỗ, cần được đánh giá dựa trên nguyên tắc thị trường, thông qua các nhà đầu tư xã hội, không thể kết luận dự án có tiềm năng hay không nếu chỉ dựa trên báo cáo của cơ quan quản lý mà phải nhìn vào khả năng chấp nhận của thị trường.
Như vậy, khi các dự án được chuyển sang Siêu ủy ban, phương án xử lý tốt nhất nên tiếp cận theo hướng mở cửa, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân được tham gia góp vốn, đầu tư vào các dự án này.
Khi đó, bản thân các nhà đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính phải bỏ tiền ra chính là những người có đánh giá khách quan, chính xác nhất về tiềm năng phát triển cũng như khả năng phục hồi của từng dự án.
Tuy nhiên, cũng không nên thụ động, chỉ ngồi đợi nhà đầu tư xã hội, trong trường hợp sự tham gia của nhà đầu tư xã hội là chưa đủ, Siêu ủy ban hoặc SCIC phải cùng tham gia, đẩy nhanh quá trình xử lý dự án, vực dậy dự án đó nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tôi nhắc lại, việc đánh giá tiềm năng của từng dự án phải do từng cá nhân, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước thật sự muốn tham gia cùng đánh giá, không phải cơ quan quản lý. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thực tế, trong danh sách hàng loạt những dự án đang thua lỗ, vẫn nhìn thấy những dự án thuộc các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, điển hình như ngành xơ sợi.
Dệt may được đánh giá là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…. Lợi thế nhìn thấy được là sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ cần nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Úc, Canada, Chile…, trong đó có nhiều thị trường hiện nay Việt Nam chưa có FTA.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất chính là nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Bởi sản phẩm dệt may muốn được hưởng các chính sách thuế ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường trong CPTPP, phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi là nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước nội khối CPTPP.
Song tại Việt Nam, ngành dệt may hiện đang nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc,... Số lượng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP chưa đến 10%. Do đó, sản phẩm không được hưởng đầy đủ các ưu đãi của thị trường các nước trong Khối.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài, nên phần giá trị gia tăng cho phần sản xuất trong nước rất thấp làm cho năng suất lao động của nước ta thấp. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn từ khía cạnh này, rõ ràng xơ sợi có tiềm năng để phát triển. Nếu đây là dự án có công nghệ tốt, có quản trị tốt, khi mở rộng cơ hội tiếp cận chắc chắn có nhiều nhà đầu tư xã hội sẵn sàng mua lại hoặc đổ vốn tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển dự án.
Ngược lại, nếu đã mở ra tất cả, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy rõ nhưng không ai muốn quan tâm tới dự án đó, doanh nghiệp đó thì chứng tỏ đó là dự án không có khả năng phục hồi, không thể phục hồi được. Điển hình như dự án Bột giấy Phương Nam, ba lần hạ giá vẫn không bán được, những dự án này không nên tiếp tục giữ mà cần nhanh chóng cho đóng cửa, xử lý càng nhanh, càng sớm càng giảm thiệt hại cho ngân sách. 
PV:- Ông đã nhìn thấy những tín hiệu từ phía Siêu Ủy ban về cách thức tiếp cận này hay chưa? Liệu có xảy ra khả năng Siêu Ủy ban sau khi nhận những 'đứa con hư' lại tìm cách cứu chúng, như cách thức đã từng được ngành Công thương đề xuất hay không?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Tôi đặt vấn đề trên quan điểm kỳ vọng chúng ta sẽ làm được như vậy, còn về phía Siêu ủy ban là đơn vị mới tiếp nhận lại các dự án này, để có phương án xử lý phù hợp với từng dự án cũng cần có thời gian để thực hiện việc đánh giá lại các dự án thua lỗ nói trên.
Nhưng nếu phương án xử lý tiếp cận theo hướng vừa phân tích, có thể sẽ giúp Siêu ủy ban giải được nhiều bài toàn cùng một lúc. Trước tiên, là giúp xử lý dứt điểm được thực trạng của các dự án hiện nay. Việc này không những hạn chế được những tổn thất từ chuyện càng để càng lỗ mà cũng dứt điểm được cả về mặt tổ chức cán bộ, ai vi phạm phải xử lý cho xong.
Còn với những dự án không vi phạm tới mức trầm trọng cũng được giải tỏa tâm lý, cởi bỏ khỏi vòng kim cô, yên tâm tập trung cho nhiệm vụ phát triển mới.
Với những cái lợi đang nhìn thấy, Siêu ủy ban sẽ không mạo hiểm lựa chọn một phương án nhiều rủi ro, hay tìm cách “ôm” các dự án cho mình.
Khả năng Siêu ủy ban muốn ôm dự án chỉ xảy ra với hai trường hợp: Một là, nếu Siêu ủy ban nhìn thấy đây là những mảnh đất vô cùng màu mỡ, là vàng nhưng đang bị lẫn sỏi, cát, bùn đen mà Bộ Công thương trước đây đã không nhìn ra, không thể khai thác được. Bây giờ Siêu ủy ban nhìn thấy, muốn phát lộ, gột rửa và chế tác lại thì đây sẽ là tiềm năng không chỉ giúp mang lại một nguồn lực lớn cho Siêu ủy ban mà còn sẽ giúp Siêu ủy ban xây dựng được danh tiếng, vị thế rất tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, Siêu ủy ban không phải là một tập đoàn hay một doanh nghiệp, chức năng chính của Siêu ủy ban không phải “ôm” các dự án thua lỗ để tự mình quản lý, tự kinh doanh. Vai trò của Siêu ủy ban là giúp Chính phủ giám sát khối tài sản tại các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý các dự án yếu kém thua lỗ, tập trung tái cơ cấu toàn diện về chiến lược, tài chính, quản trị, đầu tư của các doanh nghiệp nhận bàn giao. Vì thế, phương án nào được đưa ra cũng phải hướng tới mục tiêu này.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp những dự án trên có là vàng hay kim cương thì Siêu ủy ban cũng chỉ nên gột rửa, giúp dự án phát lộ những lợi thế, tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn sau đó phải chuyển giao lại cho xã hội với giá cao hơn, thu về nguồn lợi lớn hơn, chứ không phải giữ lại để kinh doanh.
Quan điểm trên không chỉ đúng với 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương mà đúng với tất cả các dự án, tổng công ty, doanh nghiệp khác trực thuộc các bộ ngành được bàn giao cho Siêu ủy ban tiếp quản.
Ở trường hợp thứ hai, nếu Siêu ủy ban cũng không nhìn thấy tiềm năng phát triển của các dự án và chỉ xem việc xử lý dự án là công việc, là trách nhiệm, chắc chắn Siêu ủy ban không mạo hiểm giữ lại các dự án này vì còn liên quan tới sự an toàn của chính mình.
Trong trường hợp này, vai trò của Siêu ủy ban là tạo ra cơ chế giúp việc chuyển giao các doanh nghiệp này đạt hiệu quả cao nhất. Hiệu quả ở đây không chỉ là tạo ra nguồn thu mà còn phải tạo ra cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất.
Vì thế, phương án xử lý nên tiếp cận theo hướng mở cửa, kêu gọi đầu tư xã hội là khả thi nhất.
 
ĐBQH Hoàng Văn Cường
PV:- Trên thực tế, các đại dự án thua lỗ càng để lâu sẽ càng phát sinh thêm nợ nần và khó khôi phục. Liệu có cần đưa ra một lộ trình cứng để xử lý dứt điểm các dự án này, đồng thời xử lý trách nhiệm của những người gây ra tình trạng kém hiệu quả, thua lỗ của các dự án này hay không? Với vai trò là ĐBQH, ông sẽ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Hoàng Văn Cường:- Đúng vậy, nếu không có một lộ trình, không có bước đi rõ ràng, dự án thua lỗ càng để lâu sẽ càng phát sinh thêm nợ và khó khôi phục. Bên cạnh đó, việc chậm trễ đưa ra phương án xử lý cũng có thể làm mất đi cơ hội phát triển của các dự án thật sự có tiềm năng và lợi thế.
Lấy ví dụ, dự án xơ sợi được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng phải đắp chiếu do chưa tìm được phương án xử lý trong khi đó nếu lại có một nhà đầu tư mới đổ tiền xây dựng dự án khác, như vậy vừa làm mất cơ hội của dự án cũ, vừa gây lãng phí về nguồn lực tài chính, cơ hội phục hồi cho dự án ngày càng khó khăn hơn.
Còn với những dự án đã không có tiềm năng, không có khả năng phục hồi mà cứ cố giữ lại thì càng thiệt hại thêm. Vì vậy, việc đưa ra lộ trình xử lý sớm, nhanh với các dự án thua lỗ là cần thiết nhằm giảm bớt những thiệt hại do việc phải tiếp tục kéo dài thời gian duy trì.
Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm cũng phải được xem xét và xử lý nghiêm túc. Đây là trách nhiệm thuộc về phía các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Công thương trước đây, vì vậy, khi chuyển giao những dự án này sang Siêu ủy ban, trước hết phải thực hiện theo một cơ chế rất công khai, minh bạch, thông tin về dự án phải cụ thể, rõ ràng, để xã hội tự đánh giá. Như vậy, việc xem xét trách nhiệm sẽ tùy thuộc vào đánh giá của xã hội và khả năng phục hồi của dự án.
Một dự án có tiềm năng, có khả năng phục hồi tốt sẽ được xem xét trách nhiệm ở mức độ khác. Ngược lại, với những dự án mà đưa ra thị trường, xã hội không thể chấp nhận được, đó là dự án chết thì trách nhiệm cũng phải xem xét ở mức độ cao hơn.
Tôi nhấn mạnh, người quyết định dự án nào có thể phục hồi, có khả năng phát triển cũng chính là người giúp việc xử lý trách nhiệm của những người liên quan tới dự án công bằng hơn, chính xác hơn.
Lâu nay có chuyện lo ngại, việc cho phá sản doanh nghiệp này hay giúp đỡ doanh nghiệp khác còn nhờ vào mối quan hệ thân hữu, sân sau, thậm chí có chuyện tiêu cực, đi đêm, bây giờ không có chuyện đó nữa. Thị trường là người đánh giá, khi đó, cứu ai, bỏ ai cũng là do thị trường quyết định. Không phải Siêu ủy ban, cũng không phải cơ quan quản lý nhà nước hay bộ, ngành chủ quản như trước đây.
Cứu một dự án không có khả năng tồn tại là tự hại mình, tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn của cơ chế cũ, Siêu ủy ban chắc chắn không mạo hiểm lựa chọn theo hướng đi này.
Ngược lại, quyết định đóng cửa hay cho phá sản một dự án có tiềm năng nhưng không phát triển được do vướng mắc về cơ chế hoặc thiếu vốn, tức là quyết định của Siêu ủy ban là không chính xác. Nếu để dự án bị bán rẻ cho nhà đầu tư hoặc tổ chức tài chính nào đó mà sau đó dự án được phục hồi và phát triển tốt, Siêu ủy ban cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định không mang tính thị trường, có khả năng gây thất thoát vốn và tài sản của nhà nước.
Tóm lại, với vai trò của Siêu ủy ban hiện tại, phương án xử lý tốt nhất là để thị trường và xã hội quyết định, không nên mang các mệnh lệnh hành chính áp dụng một cách cứng nhắc, quan liêu như trước đây.
Với vai trò là ĐBQH, tôi sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình xử lý, phương án xử lý của Siêu ủy ban có bảo đảm công khai, minh bạch hay không, các thông tin có rõ ràng hay không. Khi xử lý rõ ràng, minh bạch, thông tin công khai, rõ ràng thì sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án dễ dàng hơn, có cơ hội đánh giá đúng thực lực, tiềm năng cũng như đưa ra được quyết định đúng đắn nhất với dự án.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Vũ Lan (Đất Việt/thực hiện)

Có thể bạn quan tâm