Theo nghiên cứu do Viện nghiên cứu Riken và Đại học Kobe của Nhật Bản công bố ngày 13-10, độ ẩm có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát tán của các hạt virus. Việc sử dụng máy tạo ẩm không khí có thể giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong những lúc không thể thông gió bằng cửa sổ.
Hình ảnh mô phỏng Betacoronavirus. |
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để mô phỏng sự phát tán và dòng chuyển động của các hạt giống virus SARS-CoV-2 từ những người bị nhiễm virus này khi ở trong nhà.
Kết quả cho thấy, lượng hạt virus có trong không khí trong điều kiện độ ẩm không khí dưới 30% nhiều gấp hơn hai lần so với trong điều kiện độ ẩm không khí từ 60% trở lên.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, tấm chắn mặt trong suốt không hiệu quả bằng khẩu trang trong việc ngăn chặn virus lây lan trong không khí.
Các nhà khoa học còn phát hiện rằng, những người cùng dự một bữa ăn có nhiều nguy cơ bị nhiễm virus từ người bên cạnh họ hơn so với từ người ngồi đối diện cùng bàn ăn. Ngoài ra, số lượng ca sĩ trong dàn hợp xướng nên được giới hạn và đứng cách xa nhau.
Các chuyên gia y tế ngày càng ủng hộ quan điểm cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể lan truyền trong không khí. Tháng 10 này, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cập nhật tài liệu về Covid-19, thừa nhận mầm bệnh có thể tồn tại nhiều giờ trong không khí.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Riken do nhà khoa học Makoto Tsubokura dẫn đầu cũng đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để mô phỏng các điều kiện lây nhiễm virus trên tàu, công sở và lớp học. Đáng chú ý, các mô phỏng cho thấy việc mở cửa sổ trên tàu có thể làm tăng sự thông thoáng lên 2-3 lần và làm giảm sự tập trung của các vi khuẩn chung quanh.
Theo H.H (NDO)