Sau lũ, nông dân Gia Lai bán tháo mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong đợt mưa lũ vừa qua, gần 1.500 ha mì tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bị ngập úng và nguy cơ bị thối rữa. Nông dân đang phải nhổ mì bán thốc bán tháo, chấp nhận tổn thất nặng nề.

Hàng ngàn ha mì chìm trong nước lũ

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa, từ ngày 1 đến 4-11, trên địa bàn huyện liên tục có mưa lớn với lượng mưa lên đến 500 mm. Ở các địa phương lân cận như Ia Pa, Ayun Pa cũng có mưa với lượng tương tự hoặc cao hơn nên mực nước ở các sông, suối trong khu vực đột ngột tăng nhanh. Bên cạnh đó, Thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ với lượng nước có thời điểm lên đến 1.000 m3/s. Bởi vậy, khu vực ven sông Ba và các vùng trũng bị úng ngập từ 3 đến 7 ngày. Theo báo cáo sơ bộ, tại huyện Krông Pa có đến hơn 2.000 ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó có 1.498,6 ha mì. Diện tích mì đang trong quá trình tạo củ này khi bị úng nước sẽ thối rữa chỉ sau vài ngày.

 

Gần 1.500 ha mì tại Krông Pa bị ngập trong nước. Ảnh: Văn Ngọc
Gần 1.500 ha mì tại Krông Pa bị ngập trong nước. Ảnh: Văn Ngọc

Những ngày vừa qua, anh Ksor Luyêt (buôn Blak, xã Ia Rmok) như ngồi trên đống lửa khi 8 sào mì nhà anh vẫn đang chìm trong nước. Theo anh Luyêt, rẫy mì của anh nằm ở một vùng trũng. Khi thi công đường Trường Sơn Đông cách đây vài năm, nhà thầu đã lấp luôn lối thoát nước từ khu vực này về hướng sông Ba. Nhưng suốt gần chục năm qua, rẫy mì chưa bao giờ chịu cảnh ngập úng như hiện nay. Trong đợt mưa lớn vừa rồi, 8 sào mì của gia đình anh đều bị ngập. Sau một tuần, dù mưa đã ngớt nhưng nước vẫn chỉ rút được một phần nên phần lớn rẫy mì vẫn chìm trong nước.

“Mì mới trồng hồi tháng 5, nhanh cũng phải gần 3 tháng nữa mới nhổ bán được. Nhưng giờ phải gấp rút nhổ thôi vì để nữa là củ thối hết thì trắng tay. Mọi năm, trừ chi phí tôi cũng thu được hơn 20 triệu đồng nhưng năm nay thì chắc chắn là bị lỗ vì củ còn nhỏ lắm, giá lại chỉ có 700 đồng/kg…”-anh Luyêt ngậm ngùi. Nói rồi, anh vội vã lội bì bõm vào rẫy bốc những đống mì củ chỉ nhỏ như ngón chân cái đưa lên xe. Sáng 7-11, anh Luyêt kêu được gần 20 nhân công để nhổ mì nhưng nhẩm đi tính lại, anh buồn bã cho hay tiền bán mì không đủ trả tiền công.

 

Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho hay, huyện đã gửi văn bản đề nghị nhà máy mì thu mua tất cả mì tươi của nông dân và đặc biệt ưu tiên những hộ có diện tích mì bị ngập nước do mưa lũ.

Thiệt hại hơn 20 tỷ đồng

Cũng như anh Luyêt, chiều 7-11, tại rẫy mì thuộc buôn Phùm, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, anh Lê Văn Thanh (trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) cay đắng nhìn những củ mì nhổ lên đã bốc mùi hôi thối. Trong 3 ha mì anh trồng thì hơn 1,5 ha bị ngập trong nước. Dù nước đã rút, mì chỉ bị ngập 3 ngày nhưng như vậy cũng đủ để loại củ này bắt đầu hư hỏng. Anh buồn bã: “Vùng đất này không bị hạn như những nơi khác nên tôi mạnh dạn đầu tư vào đây mỗi ha gần 24 triệu đồng. Giờ nhổ sớm năng suất giảm gần một nửa, chưa kể sẽ bị trừ tạp chất cao hơn và trữ bột cũng thấp hơn. Hy vọng còn đủ tiền trả công nhổ và tiền xe chứ thu hồi vốn thì chịu rồi”.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, toàn huyện có khoảng 700 ha cây trồng thuộc phần đất mà Thủy điện sông Ba Hạ đã đền bù nhưng người dân vẫn tranh thủ canh tác, tập trung ở các xã Ia Rmok, Ia Hdreh và Krông Năng cũng bị úng ngập. Nhưng trong báo cáo thiệt hại do mưa lũ, huyện không đưa diện tích này vào vì đây là phần đất đã được đền bù.

“Sau khi có báo cáo sơ bộ, chúng tôi vẫn đang tiến hành xác minh cụ thể từng hộ, từng diện tích bị thiệt hại để đề nghị các cấp hỗ trợ người dân. Cây mì là cây trồng chủ lực, chịu được hạn ở vùng Krông Pa này nhưng dính nước là lại thối rữa. Bởi vậy, các diện tích mì bị ngập đều thiệt hại trên 70%”-ông Duyên cho biết. Theo ông Duyên, mỗi ha mì người dân bị tổn thất trung bình 14 triệu đồng do mưa lũ. Vì vậy, trong đợt lũ vừa qua, riêng các hộ trồng mì trên địa bàn huyện đã bị thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.