"Sập bẫy" việc nhẹ lương cao bên kia biên giới: Cái giá của sự cả tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người đã hồi hương sau khi bị lừa xuất ngoại tìm kiếm việc nhẹ lương cao. Nhưng ký ức hãi hùng về những trận đòn “thừa sống thiếu chết” vẫn ám ảnh tâm trí mỗi người. Họ mong những người trẻ xem đây là bài học xương máu, đừng vì thiếu hiểu biết mà sa bẫy kẻ buôn người.

Trọn vẹn niềm vui

Thương bố mẹ già tảo tần nuôi 2 chị em, anh Ksor Gum (SN 1999, trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) nghỉ học sớm để đi làm thuê kiếm sống. Tình cờ trong cuộc nhậu, nghe tin ở Tây Ninh có việc làm nhẹ nhàng với mức lương cao, Gum cùng 6 thanh niên khác trong làng rủ nhau đi làm. Không muốn bị gia đình ngăn cản, anh và các bạn chia làm 2 đợt lặng lẽ khăn gói vào miền Nam, rồi theo những chuyến xe nối tiếp sang bên kia biên giới nhận việc.

Các nạn nhân cuối cùng ở xã Ia O (huyện Ia Grai) đã trở về nhà an toàn. Ảnh: Hoành Sơn
Các nạn nhân cuối cùng ở xã Ia O (huyện Ia Grai) đã trở về nhà an toàn. Ảnh: Hoành Sơn


Anh Gum rùng mình nhớ lại: “Khi mới sang, nghe lời ngon ngọt, cứ nghĩ công việc máy tính đơn giản, bọn em hồ hởi chụp ảnh lưu niệm. Niềm vui chưa dứt thì buồn khổ ập đến. Đó là những trận đòn bầm dập, bỏ đói, bị chích điện ngất lên ngất xuống. Em sợ nhất là trận đòn nhừ tử sau khi bạn đi cùng nhóm là Puih Phú (SN 2006) trốn thoát ra ngoài sòng bạc và được lực lượng chức năng Việt Nam đưa về nước. Bọn nó đánh rất dã man, nhiều người hộc cả máu miệng. Tiếp đó, chúng nó bán bọn em cho một công ty khác cũng do người Trung Quốc quản lý. May mắn là bọn em được các ngành chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu kịp thời. Từ nay, em ở nhà phụ gia đình thôi, không đi đâu nữa”.

Chiếc xe ô tô của Đồn Biên phòng Ia O đỗ xịch ở một con đường bê tông, 5 thanh niên trong đợt 2 được giải cứu vừa bước xuống xe, người thân cùng xóm làng chạy đến chúc mừng. Họ dành cho 5 chàng trai những cái ôm mừng mừng tủi tủi. Trong khi bà Ksor Sam sấp ngửa từ nhà ra ôm chầm lấy anh Gum khóc nức nở thì ông Rơ Lan Lươk đứng lặng nhìn. Nhớ lại những bước đi liêu xiêu, lầm lũi mấy bữa trước khi chưa rõ con trai sống chết thế nào, chúng tôi nghĩ chỉ có nước hồ sâu thăm thẳm mới đo được nỗi lòng người đàn ông Jrai này. “Hay tin nó được giải cứu về, già đứng trước cổng Đồn cả đêm trông ngóng. Các chú bộ đội thấy đứng giữa mưa đợi ra bảo về nhà đi, nó về đến nơi sẽ gọi ra đón mà già không về nổi. Đến gần sáng, thấy nó lành lặn bước xuống xe, vẫy tay chào, già đi thẳng lên rẫy bắt con heo để chiều làm cơm ăn mừng. Già biết ơn bộ đội, biết ơn các cơ quan chức năng nhiều lắm”-ông Lươk rủ rỉ.

 

5 Gia đình ông Rơ Lan Lươk nhẹ lòng khi con trai Ksor Gum được giải cứu trở về an toàn
Gia đình ông Rơ Lan Lươk nhẹ lòng khi con trai Ksor Gum được giải cứu trở về an toàn. Ảnh: Hoành Sơn


Gió vẫn đua nhau lùa qua khoảng vách trống ngôi nhà sàn xiêu vẹo của bà Puih Phyăn. Có điều, tiếng cười nói rộn ràng khiến không gian vơi nỗi cô quạnh hơn trước. Siết chặt tay Puih Đại (SN 1998) vào tay mình, bà Phyăn rớm lệ: “Bữa trước, Thái được giải cứu về nhưng tôi vẫn rối bời bởi lo cho tính mạng thằng này. Còn nay thì vui quá rồi. Chút nữa gia đình sẽ tạ Yàng bằng một con heo nhỏ, mừng 2 đứa trở về, cũng là để cảm ơn làng xóm đã cho mượn tiền gửi sang chuộc thằng Thái”.

Ở làng Bía Ngó (xã Ia Chía), cô gái Jrai Siu Blý (SN 1993) rất vui khi được đoàn tụ với gia đình. Sau một thời gian lưu lạc trong “động quỷ” ở đất nước Chùa tháp, chị Blý được ngành chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu, đưa về huyện Ia Grai trong sáng 7-7. Những bữa cơm mừng của người thân ở ngôi làng gần đường biên giúp chị vơi đi tủi hổ vì mắc bẫy việc nhẹ lương cao. Bởi lẽ, sống trên đời, “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Gióng thêm hồi chuông cảnh báo

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại, có 9 nạn nhân ở 2 huyện Chư Prông và Ia Grai bị lừa đảo qua Campuchia đã hồi hương an toàn bằng nhiều cách khác nhau như: người nhà gửi tiền chuộc, ngành chức năng giải cứu, Mạnh Thường Quân hỗ trợ tiền. Riêng số tiền chuộc là từ 50 đến 150 triệu đồng. Tiếp chuyện chúng tôi, các nạn nhân không ngần ngại kể về “bẫy” lừa đảo để mọi người biết mà né tránh. Điểm chung của cả 9 nạn nhân đều do cả tin, thiếu hiểu biết lúc tìm việc trên mạng xã hội.

7 nạn nhân ở làng Kloong đều kể lại: Một người dân trong làng quen đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) qua Zalo. Biết Quyết tìm người vào tỉnh Tây Ninh làm việc với mức lương 18-20 triệu đồng/tháng và có xe ô tô chở vào tận nơi miễn phí, người đó chia sẻ với thanh niên trong làng. Khi có 7 người đồng ý, Quyết còn hào phóng chi tiền hoa hồng môi giới tìm người, trả tiền thuê xe ô tô. Vào đến TP. Hồ Chí Minh, nạn nhân được chở đi ăn uống, rồi mới dụ dỗ vượt biên sang Campuchia. Đến nơi, chủ sòng bạc yêu cầu ký hợp đồng lao động kèm điều khoản đền tiền nếu vi phạm. Công việc chính mà các nạn nhân làm là ngồi máy tính “đào” bitcoin hoặc gọi điện thoại về nước lừa đảo. Với mục đích chính là bắt người thân gửi tiền sang chuộc do vi phạm hợp đồng, nạn nhân bị ép làm việc với cường độ cao, đánh đập, bỏ đói. Khi ra đầu thú ở Đồn Biên phòng Ia O, đối tượng chủ mưu Trần Quang Quyết cũng khai nhận phương thức lừa đảo nói trên.

4 Sau khi được lực lượng chức năng Việt Nam giải cứu, 5 nạn nhân được thăm khám sức khỏe trước khi bàn giao cho địa phương
Sau khi được lực lượng chức năng Việt Nam giải cứu, 5 nạn nhân được thăm khám sức khỏe trước khi bàn giao cho địa phương. Ảnh: Hoành Sơn



Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Nạn nhân Siu Blý cũng sa bẫy theo phương thức đó. Hiện đối tượng lừa đảo đã hủy kết bạn Zalo với nạn nhân. Lúc biết bị lừa, từ Campuchia, Blý đã tìm cách liên hệ với cơ quan chức năng nước ta kêu cứu. Dù đã định vị được vị trí nhưng lúc tiếp cận, đối tượng lừa đảo đã đưa em sang một nơi khác, khiến việc giải cứu gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau, lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia đã cứu được cô gái này. “Thông qua khai thác thông tin và xác minh từ một số đối tượng, chúng tôi nhận thấy việc lừa đảo người dân vào phía Nam hoặc sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao còn tiếp diễn. Vì vậy, chúng tôi đã triển khai các hoạt động tuyên truyền tại khu vực biên giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức người dân, giúp họ không sa bẫy lừa đảo. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tục đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Qua đây, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng trước thông tin tuyển lao động trên mạng xã hội, cần tham khảo ý kiến người thân, chính quyền địa phương để được hướng dẫn cụ thể”-Đại tá Bình khuyến cáo.

Để ngăn chặn các vụ lừa đảo lao động tiếp diễn trên địa bàn, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các huyện chủ động nắm bắt tình hình lao động tại địa phương, tăng cường hoạt động tuyên truyền; giao Công an tỉnh nắm tình hình, tham mưu biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động sang nước ngoài làm việc, vấn đề mua bán người trên địa bàn, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề lừa đảo người lao động trên địa bàn sang Campuchia làm việc trái phép; đồng thời đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa loại tội phạm này.

 

 HOÀNH SƠN

 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.