Săn Tết miệt rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nơi rừng thiêng nước độc, vẫn có những người treo mình trên tầng cây cao bên vách núi chênh vênh vài chục mét để lấy được những nhánh lan rừng, hay những tổ ong rừng, săn những loài cá suối độc đáo.... cuộc sống trong rừng tách biệt với thế giới bên ngoài khiến những người thợ rừng có những câu chuyện kể để nhiều người thích thú.

Những con người ăn rừng, ngủ núi

Chiều cuối năm, nhóm thợ rừng ở Quảng Bình nai nịt để vào rừng. Họ săn “kỳ hoa dị thảo” để kiếm tiền lo Tết. Cái Tết cận kề, với những người thợ rừng là dịp lại cùng nhau vào rừng để tìm kiếm vật phẩm. Nguyễn Đình Phong, một thợ rừng với hơn 30 năm kinh nghiệm cùng nhóm bạn vào rừng sâu chuyên tìm những loại cây phong lan quý hiếm về bán cho các cửa hàng cây cảnh ở miền xuôi. Mỗi gốc phong lan hái được họ có thể bán được vài trăm hoặc vài triệu đồng, nhưng để kiếm được những đồng tiền này không phải là điều dễ dàng. So với các loại cây cảnh khác thì lan rừng rất có giá trị trên thị trường, bởi thế mà thời điểm cuối năm người dân trong vùng lại tập trung thành từng nhóm để đi hái về bán. Đã có nhiều trường hợp phải bỏ mạng trong những cuộc tìm kiếm phong lan rừng đầy hiểm nguy này, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bất chấp tất cả.

Nhóm thợ rừng nấu ăn tại chỗ.

Nhóm thợ rừng nấu ăn tại chỗ.

Chuyến đi bắt đầu từ sáng sớm, có khi phải đi vài ngày đường vào tận rừng sâu của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình). Dụng cụ của những tay săn lan rừng vô cùng đơn giản: Bao tải lớn, dao quắm, dây thừng, đinh mười phân, búa đóng đinh, đèn pin, lương thực và không thể thiếu rượu nhằm giữ ấm cơ thể trong cái rét đến cắt da cắt thịt của tiết trời miền núi những ngày mùa đông. Địa điểm có nhiều phong lan có khi phải đi bộ vài ngày mới đến. Gần trưa, từng tia nắng yếu ớt xuyên qua tán lá rừng ken dày sương rừng và khí núi vón thành từng mảng.

Bữa cơm trưa của cả nhóm chỉ là từng nắm cơm chấm muối tiêu nhai một cách ngon lành. Chiếc bạt được căng lên, lá cây rừng làm chiếu, thế là ngôi nhà dã chiến hoàn thành. Ai việc nấy, người kiếm củi, kẻ hái rau rừng rồi đánh một bữa qua loa. Mờ sáng, nhóm chúng tôi bắt đầu lần theo các cây cổ thụ, dùng dao quắm phát những dây cắng chi chít vướng ngang tầm mắt để quan sát xem phía trên có lan rừng hay không. Sau gần nửa giờ đồng hồ lần tìm, cả nhóm mới phát hiện thấy một gốc lan rừng bám trên một cây cổ thụ ở độ cao 15m. Dù chưa biết là giống lan gì nhưng ai nấy đều phấn khởi. Liền sau đó, Dinh – một thợ rừng trong nhóm lấy cuộn dây thừng khoác lên người rồi dùng đinh mười đóng lên thân cây cổ thụ từng cái một làm chỗ đặt chân để trèo, trèo đến đâu đóng đến đó. Leo đến nơi, Dinh dùng dây thừng buộc người vào thân cây kẻo ngã rồi hét lớn: “Một gốc lan Ninh Xuân to lắm!”. Nghe thế, cả nhóm mừng ra mặt. Xúm lại bên gốc lan rừng vừa được gỡ xuống từ thân cây mẹ, Dinh và những người trong nhóm cho biết: Trong các loại lan rừng thì lan Ninh Xuân là loại quý nhất, lá của chúng dày và to hơn các loại lan khác. Hơn nữa chúng thường nở đúng dịp Tết Âm lịch giống như loài hoa Thủy Tiên, nên giá thành càng cao hơn. Có được bao nhiêu thì chủ hàng đều lấy hết mà không bao giờ kỳ kèo giá cả.

Đinh Văn Dinh treo mình trên tầng cây cao cạnh giò lan rừng.

Đinh Văn Dinh treo mình trên tầng cây cao cạnh giò lan rừng.

Sau 3 ngày trong rừng sâu, thành quả của nhóm thợ rừng cũng đã được kha khá với gần chục tổ ong rừng. Cùng với đó là mấy gốc lan Ninh Xuân hái được. Bên cạnh đó còn có các loại lan khác cũng có giá thấp hơn một chút, một số loại nấm rừng có giá trị cao, hạt dổi, mắc khén... Một điều đặc biệt, gần như là một quy luật bất thành văn với các nhóm thợ rừng, đấy là không được săn bắt các loài thú, loài động vật quý hiếm. Nhiều khi đi săn trong rừng sâu, các nhóm thợ rừng bắt gặp nhiều loại thú quý hiếm như tê tê, kỳ đà, hoẵng... nhưng họ đều không bắt. Anh Phong bộc bạch, không chỉ là quy định của pháp luật cấm săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, mà ngay cả với những thợ rừng, việc săn bắt, tận diệt những loài thú này cũng vi phạm “quy luật” tự nhiên của thợ rừng. Bởi những loài thú ấy đang bên bờ vực bị tuyệt chủng, đang rất cần được bảo vệ và cứ để chúng sống trong môi trường tự nhiên, sinh diệt tự nhiên chứ không được can thiệp.

Anh Phong cũng chia sẻ, một số thợ rừng khi đi săn trong núi sâu vi phạm những quy định bất thành văn đó đều có những kết cục không mấy tốt đẹp. Người xưa vẫn nói, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” là thế. Những ngày ở rừng, nhóm thợ rừng cũng phát hiện nhiều loài thú, nhưng tất cả đều được xua đi để tránh bị con người làm hại.

Nhiều loại sản vật khác cũng được nhóm thợ rừng thu hoạch mang về.

Nhiều loại sản vật khác cũng được nhóm thợ rừng thu hoạch mang về.

Sinh nghề…

Đi săn sản vật trong rừng, những thợ rừng phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm. Các loài thú nguy hiểm, rồi những loài muỗi vắt, rắn độc, và khí đất khiến nhiều người không thể chịu đựng nổi nếu như không có sức khỏe. Không chỉ thế, đã từng có rất nhiều trường hợp đi săn thú rừng bị rắn cắn phải bỏ mạng, hoặc bị thú rừng tấn công phải mang thương tích, có khi leo rừng leo dốc ngã gãy chân, gãy tay.

Tâm sự những cơ cực trong nghề, anh Dinh bảo, có nhiều người đã bỏ mạng hay mang thương tật khi đi săn trong rừng sâu. Đó là trường hợp của một người bạn một mình đi lấy lan rừng về bán. Khi trèo lên cây cao thì rắn lục xanh nằm trong lan rừng, do trùng với màu lá cây nên anh không biết được. Thế là một vết cắn vào tay làm người bạn ngã từ trên cao xuống. Sau lần ấy, ai nấy đều khiếp sợ không dám làm nghề nữa. Bẵng đi một thời gian, đến khi những chủ hàng cây cảnh ráo riết tìm mua với giá cao ngất ngưởng thì họ lại không đừng được. Đinh Văn Khăm thêm vào câu chuyện bằng sự việc đã xảy ra với chính mình: “Hôm đó tôi cùng người anh em vào rừng tìm lan để biếu. Khi chặt nhánh cây có lan xuống thì chúng đã đập vào tổ ong bò vẽ. Thế là ba chân bốn cẳng chạy thục mạng, may mà có con suối gần đó để lặn hụp xuống. Về đến nhà thì sốt đến vài ngày, phải lên trạm y tế xã truyền dịch mới đỡ”.

Chính những hiểm nguy đó, là lý do mà trước mỗi chuyến đi những thợ rừng đều làm một cái lễ cúng thần rừng và các bạn bè. Một cái lễ rất đơn giản nhưng rất ý nghĩa. Người dân ở đây cho rằng lan rừng là loại cây rất thiêng, chúng là hóa thân của các vong hồn trinh nữ chết thảm trong rừng sâu. Nên không phải ai cũng làm được mà phải có duyên mới theo nghề được. Lấy chai rượu nhỏ trong túi, anh Phong đổ một chút xuống con suối. Trầm ngâm một chút, anh Phong mới trả lời: “Những năm trước, có mấy người đi hái lan tử nạn ở con suối này, vài ngày mới tìm thấy. Bây giờ mình cúng cho họ chút rượu cho họ bớt lạnh lẽo cũng là cầu mong cho chuyến đi của mình có được may mắn...”.

Một điều ít người biết, đó là những nhóm thợ rừng như anh Phong cũng là những người dân bảo vệ rừng tích cực. Đã từng có rất nhiều vụ khai thác gỗ quý, hay những nhóm người đào vàng trái phép trong rừng sâu, nơi mà lực lượng kiểm lâm mỏng và diện tích quản lý rộng lớn khó có thể kiểm soát hết. Chính những người thợ rừng khi phát hiện đã báo cáo tới lực lượng chức năng để xử lý kịp thời. Anh Phong, hay anh Dinh hoặc những nhóm thợ rừng khác đều bộc bạch rằng muốn sống được với rừng, trước tiên phải yêu rừng như chính gia đình mình vậy. Bởi nơi đó không chỉ có những sản vật cung cấp cho đời sống, mà còn là môi trường sống xanh cho loài người. Diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp, việc bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ nguồn sống mà còn là một cách để những nhóm thợ rừng trả ơn khi được rừng nuôi sống.

Với thành quả thu được, nhóm thợ rừng nhanh chóng xuống núi với hy vọng sẽ không phải ở trong rừng một thêm một đêm nữa. Đường đi đã khó, đường về cũng không hề dễ dàng. Với chừng đó sản vật, nhóm thợ rừng ước chừng bán cũng được mỗi người vài triệu, có thể đủ sắm cho mùa Tết đang cận kề. Về tới nơi, ai cũng cảm thấy mệt rã rời. Tạm biệt rừng, anh Phong tiễn tôi ra con dốc đầu làng rồi bảo: “Tặng anh một giỏ lan làm kỷ niệm đó, về gắng chăm sóc chứ lấy được nó phải trả bằng sự hiểm nguy mới có được!”. Tôi cầm chắc giỏ lan trong tay mà lòng nặng trĩu, khi nghĩ về những con người không tiếc thân mình để săn lan rừng đổi miếng cơm mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.