Màu hoa giấy bên bến sông xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng nghề với hơn 300 năm tuổi vẫn tưng bừng mỗi năm một lần duy nhất vào mùa đông để phục vụ Tết. Từng qua nhiều thăng trầm, nhưng làng nghề ấy vẫn giữ được những tinh hoa của nhiều đời.

Thăng trầm làng nghề cổ

Nhiều người xứ cố đô Huế đều biết đến một làng nghề làm hoa giấy bên sông Hương, làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên[1]Huế) đã qua hơn 300 năm phát triển. Dẫu đã qua bao thăng trầm và những biến thiên của lịch sử, nhưng làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn hiện hữu đến tận hôm nay trong từng góc nhà, nhịp sống xứ Huế.

Không chỉ mang ý nghĩa văn hóa tinh thần, đây còn là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo nhất của người cố đô. Hơn 300 năm, cho đến tận bây giờ, tất cả công đoạn làm hoa giấy vẫn đều được làm thủ công hoàn toàn.

Nghề làm hoa giấy đã xuất hiện tại làng Thanh Tiên cách đây hơn 300 năm.

Nghề làm hoa giấy đã xuất hiện tại làng Thanh Tiên cách đây hơn 300 năm.

Với những sản phẩm thủ công, ắt hẳn những nghệ nhân từ nhiều đời qua của làng đã phải tốn rất nhiều thời gian kết hợp với sự khéo léo của đôi tay, sự tỉ mỉ của từng nếp gấp mới tạo thành một bông hoa đẹp. Để làm được những bông hoa giấy đẹp không khác gì hoa thật, người nghệ nhân của làng cũng đã phải học từ tấm bé, từ những động tác nhỏ nhất, cho tới những chi tiết cầu kỳ nhất... tất cả phải được trui rèn qua nhiều năm mới có thể đạt được độ chín của nghề.

Ông Nguyễn Hóa, một nghệ nhân cao tuổi của làng chia sẻ, người làm hoa ở Thanh Tiên đặc biệt không sử dụng phẩm màu hay hóa chất độc hại để nhuộm, tất cả màu sắc đều được chiết từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền. Công đoạn cuối mới là cắt cánh, làm nhụy hoa, tạo nếp nhăn cho hoa sống động như hoa thật rồi dùng hồ dán kết vào cành.

Rất nhiều công đoạn đòi hỏi đức tính tỉ mỉ và sự chăm chỉ, cái tâm của người làm nên một ngày mỗi nghệ nhân chỉ làm được tối đa 15-20 bông hoa giấy. Chưa kể các công đoạn còn phải được chuẩn bị từ trước, thậm chí từ mấy tháng trước chứ không phải ngày một ngày hai mà thành. Dẫu vậy, làng hoa giấy từng một thời lận đận, khi sự đổ xô của các loại hoa nhựa, hoa lụa... chiếm lĩnh thị trường.

Người làm hoa giấy thủ công không thể cạnh tranh được với công nghệ sản xuất hoa nhựa, hoa lụa với tốc độ cao và giá bán rẻ được. Làng hoa giấy đã một thời im vắng đáng buồn. Những chiều cuối năm không còn thấy từng chùm hoa giấy theo thuyền trôi lững lờ bên sông Hương về phố nữa. Chỉ đến Festival Nghề truyền thống Huế 2009, hoa giấy của làng Thanh Tiên mới được để ý đến. Và rồi, một cô gái trẻ cựu sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) tên Phan Thị Nguyệt Minh với đề án “Không gian văn hóa Thanh Tiên” đã làm sống dậy làng nghề. Cô gái trẻ ấp ủ đề án bảo tồn, phát triển không gian văn hóa nằm ở hạ nguồn sông Hương, đã đem tất cả tâm huyết với hy vọng làng nghề truyền thống nổi tiếng Huế sẽ đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt, nghệ nhân cao tuổi Thân Văn Huy đã dành gần như tất cả thời gian để cố gắng khôi phục lại làng nghề.

100 bông hoa giấy được cắm vào mỗi chông và người bán sẽ vác trên vai đi bán dạo khắp các phố phường, khu chợ.

100 bông hoa giấy được cắm vào mỗi chông và người bán sẽ vác trên vai đi bán dạo khắp các phố phường, khu chợ.

Không chỉ khôi phục làng nghề, nghệ nhân Thân Văn Huy đã cùng những người tâm huyết trong làng áp dụng công nghệ mới để làm nên những đóa sen tinh tế, mềm mại và có hồn hơn so với cách làm truyền thống. Từ đó, làng nghề làm hoa và cả những loại hoa với kỹ thuật khó vốn đã thất truyền hơn 50 năm được hồi sinh.

Bên sông còn lại làng nghề

Không khí những ngày cuối năm càng đến gần, Tết Nguyên Đán càng đến gần thì những nghệ nhân ở làng Thanh Tiên lại càng tất bật với công việc làm hoa giấy phục vụ cho thị trường ngày Tết. Trong làng, đâu đâu cũng tràn ngập không khí rộn ràng của người mua kẻ bán. Trong các ngôi nhà, những sắc màu hoa giấy như muốn mời gọi người mua. Trên nhiều nẻo đường, những bó hoa giấy của làng Thanh Tiên được chở bằng xe đạp, xe máy, hay bằng những con thuyền nhỏ vượt dòng nước sông Hương lên phố bán cho người phố thị. Trong căn nhà nhỏ ngập tràn màu sắc, cũng là cơ sở sản xuất của bà Phan Thị Thanh là một trong những cơ sở lâu đời và truyền thống nhất ở làng. Bà Thanh, người gần 40 năm làm hoa giấy chia sẻ: “Thường thì hằng ngày chỉ cần 1- 2 người là duy trì làm hoa, ngày rằm, mùng một, lễ tết mới huy động anh em họ hàng, thuê thêm người trong làng cùng làm. Hầu như người dân trong làng đều rất thành thạo, cả người lớn, trẻ nhỏ, các công đoạn chia ra đều có thể làm được hết”.

Tương tự, ông Nguyễn Hóa cũng khôi phục được cách làm hoa sen giấy đã thất truyền. Quá trình tái hiện lại loại hoa này không dễ dàng bởi không hề có mẫu mã và ông chỉ mày mò làm lại từ những câu truyền miệng của người già trong làng. Anh Nguyễn Hiếu, 34 tuổi, là truyền nhân thứ năm của gia đình làm hoa họ Nguyễn này cho biết khâu quan trọng nhất và khó nhất là nhuộm giấy và tạo nếp. Màu phải nhuộm sau cho có phần đậm nhạt và phải bền màu. Nếu hoa được đặt ở vị trí khô ráo, ít bị tác động thì màu có thể giữ tới 2 hoặc 3 năm. Công đoạn khó tiếp theo là tạo nếp cho cánh sen. Nếu quấn chỉ không đều tay thì không những thẩm mỹ kém mà có khi sẽ làm cánh hoa bị méo mó. Ông Nguyễn Văn Hiến, một hộ dân làm hoa ở làng cho biết: “Làm hoa giấy phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ từng cái một. Vì nó không mang hương thơm nên đòi hỏi phải khéo tay, hoa phải thật bắt mắt thì mới bán được”.

Nghệ nhân cao tuổi Thân Văn Huy đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng khôi phục làng nghề.

Nghệ nhân cao tuổi Thân Văn Huy đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng khôi phục làng nghề.

Trong làng, nhiều năm qua, dẫu rằng thanh niên vào phố làm việc, lao động chính chủ yếu là người đã cao tuổi, thâm niên với nghề lâu, không nỡ bỏ nghề. Nhưng, thời gian gần đây, khi làng hoa giấy “sống lại” nhờ du lịch thì nhiều người trẻ tuổi đã về làng để làm hoa cung ứng cho thị trường trong mùa Tết. Ngoài các loại hoa lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ, tường vi... vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, làng Thanh Tiên còn làm thêm hoa sen giấy. Thỉnh thoảng, hoa giấy còn được dùng để trang trí cho các sân khấu lớn, hay các lễ hội ở xứ cố đô. Hằng năm, vào dịp lễ tế Nam Giao, các đơn vị chức năng đều đặt dân làng Thanh Tiên làm hàng ngàn bông sen màu trắng và màu hồng để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ.

Có được cái tên làng hoa giấy Thanh Tiên ngày nay chính là sự sáng tạo của nhiều người dân trong làng qua bao đời làm hoa. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như: Hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.

Dù kỳ công là thế, tỉ mỉ có thừa, thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5-7 ngàn đồng/cặp hoa cúng (hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan...). Còn với hoa sen, vừa để cúng, vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn, 20.000 đồng/bông.

Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông Địa, Táo quân, thần bếp... Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị.

Nhưng, bây giờ, nghề làm hoa giấy ở làng không chỉ bán buôn, bán lẻ, mà đây còn là một điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước bởi sự độc đáo và nghệ thuật từ những đôi bàn tay khéo léo. Vài năm trở lại đây, tour thăm làng hoa giấy Thanh Tiên đã thu hút đông du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.

Đến đây, du khách không chỉ được xem, mà còn được trực tiếp trải nghiệm làm hoa giấy dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Cả làng hiện chỉ còn chục hộ sản xuất hoa giấy nhưng đây cũng là những cơ sở vừa sản xuất, vừa duy trì hoạt động trải nghiệm làm hoa dành cho du khách.

Ông Lê Thái Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Phú Vang cho biết, làng hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Qua thành công của các kỳ Festival, những loại hoa giấy đã hồi sinh và trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về. Theo thời gian, những loại hoa giấy này đã vượt qua làng quê thanh bình để đến những chân trời mới, trở thành mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của cố đô.

Theo Tiêu Dao

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.