Và xuân vượt sóng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua những cơn sóng quăng quật, những món quà tết gói bằng yêu thương từ đất liền được đưa đến những hòn đảo tiền tiêu. Bao khắc khoải ngóng vọng của mùa biển động trong mắt chiến sĩ và những cư dân đảo hẳn đã nguôi đi nhiều sau tiếng còi tàu báo tin xuân sớm đang về.
 

Bánh chưng, quật chưng tết được chuẩn bị để mang tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Ảnh: T.C
Bánh chưng, quật chưng tết được chuẩn bị để mang tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Ảnh: T.C


Cồn Cỏ đợi xuân

Như một chấm xanh trên nền trời xám xịt, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) hiện ra dưới cái nắng hiếm hoi rớt xuống của ngày đông. Lá cờ Tổ quốc vẫn sừng sững tung bay, hiên ngang dẫu đã nhiều ngày đảo nhỏ bị vây lấy bởi sóng gió mùa biển động, vắng bóng những con tàu.

Từ hôm trước, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (đóng tại Đà Nẵng) đã chộn rộn chuyển hàng lên tàu. Bánh chưng, quật tết cùng rất nhiều hàng quà đã được chuẩn bị cho chuyến thăm, chúc tết sớm ở hai hòn đảo tiền tiêu: Cồn Cỏ và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Biển động, cán bộ, chiến sĩ trên tàu tìm đủ mọi cách để che chắn, giữ an toàn cho những cây quật chưng tết trước bao cơn sóng quăng quật lắc lư suốt hải trình dài. Vất vả nhất là lúc chuyển xuống tàu hàng để vào đảo. Sóng dữ dội, nước biển liên tục hắt lên sàn tàu, nhiều cán bộ chiến sĩ ướt đầm bởi sóng nước nhưng quyết không để hàng bị ướt...

 

Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã trao tổng cộng 280 suất quà, 100 tấm chăn, 400 đầu sách với tổng giá trị gần 500 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở hai huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn.

Tôi vẫn còn lơ mơ sau đêm dài không thể chợp mắt vì say sóng. Nhìn cách các chiến sĩ đánh vật với sóng gió để chuyển hàng quà, nhìn anh lính trẻ lấy cả thân mình để che chắn cho cành quật không bị sóng tạt, lại rưng rưng xúc động.

Hôm trước, chàng lính trẻ ấy đã tỉ mẩn gói từng cái bánh chưng đặt vào thùng hàng, đi lại cả đêm trên boong tàu chao đảo, chằng buộc thêm hàng hóa đặt sau tàu như trân quý một món quà tết về cho gia đình của chính mình.

Biển động kéo dài, đã hơn mười ngày không có tàu vào ra, những phần quà xuống đảo như đánh thức chuỗi ngày dài vắng lặng ở Cồn Cỏ. Những nhọc mệt từ chuyến hải hành như dịu hẳn đi khi bước chân đặt xuống cầu cảng.

Đoàn công tác thẳng hướng đài tưởng niệm liệt sĩ, thành kính dâng hương trước tượng đài. Mùi nhang trầm lẩn khuất trong gió, ấm lại ngày đông, vọng niềm tri ân trước bia đá khắc tên bao người ngã xuống nơi đảo tiền tiêu đầu sóng...

Ông Phạm Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ nói, tết ở huyện đảo năm nào cũng rất thiêng liêng. “Ở nơi còn nhiều gian khó, cán bộ, chiến sĩ và người dân sống với nhau như một gia đình. Những ngày này, anh em mong lắm tiếng còi tàu, tiếng của đất liền thân thuộc và thương mến.

Công tác chuẩn bị, chăm lo tết cho chiến sĩ, nhân dân đã được chính quyền huyện đảo triển khai từ sớm, bởi mùa cuối năm khi nào cũng là mùa biển động. Những chuyến tàu thăm, chúc tết luôn gợi lên nhiều cảm xúc cho quân dân đảo, trân quý lắm tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đất liền luôn sẻ chia, hướng về đảo tiền tiêu” - ông Tuấn chia sẻ.


 

Đại úy Đào Quang Hiển đặt bánh chưng từ đất liền lên bàn thờ đón xuân ở đơn vị trạm Ra-đa 540 ở đảo Cồn Cỏ. Ảnh: T.C
Đại úy Đào Quang Hiển đặt bánh chưng từ đất liền lên bàn thờ đón xuân ở đơn vị trạm Ra-đa 540 ở đảo Cồn Cỏ. Ảnh: T.C


Một ban thờ đón xuân, cùng nhánh hoa đào lớn đã được chuẩn bị sẵn ở trạm ra-đa 540 trên Cồn Cỏ. Hoa giả, nhưng không khí đón xuân luôn là thật.

Đại úy Đào Quang Hiển - Phó Trưởng trạm ra-đa nhận những gói bánh chưng từ đoàn công tác, mang vào đặt lên ban thờ. Đã nhiều cái tết trôi qua cùng đơn vị trên đảo, năm này, Đại úy Đào Quang Hiển đón xuân với một niềm vui mới: anh vừa kết duyên với cô giáo mầm non công tác ngay trên đảo.

“Tết ở đảo bao giờ cũng nhiều cảm xúc. Năm nay, không chỉ được đón tết cùng anh em đơn vị, cùng cán bộ chiến sĩ và bà con ở đảo, tôi may mắn có thêm gia đình ấm áp của riêng mình. Và thêm vui khi được đón đoàn thăm, chúc tết, tặng quà từ Vùng 3 Hải quân, từ đoàn công tác của đất liền. Chúng tôi như đang đón một cái tết sớm” - Đại úy Hiển xúc động.

Tôi ghé thăm cửa hàng nhỏ của chị Bùi Thị Sao ngay bên cột cờ Cồn Cỏ, chợt rưng rưng trước những dòng chữ nơi biển hiệu gắn ở phía trước cửa hàng: Đi ra Cồn Cỏ, Hoàng Sa thêm gần. Phải rồi, không xa nơi hòn đảo nhỏ ấy là Hoàng Sa, là thiêng liêng chủ quyền vẫn luôn thao thức trong lòng bao con dân nước Việt. Họ đã ở đó, để gìn giữ từng tấc chủ quyền của dân tộc trước bao sóng gió.

“Gia đình tôi, và bao gia đình khác trên đảo sống trong tình cảm và sự chở che của anh em cán bộ chiến sĩ. Bão lớn, dân đảo được đưa vào hầm trú ẩn, chiến sĩ băng qua ngoài kia, chằng chống nhà cửa cho dân. Những phần quà tết cũng được chia đều cho dân đảo. Tết nơi này cũng ấm áp như đất liền, khi chúng tôi luôn được sống trong cái tình ấm áp, mến thương của một gia đình lớn” - chị Sao nói.

Tết ở đảo tiền tiêu

Tôi đã đứng lặng một lúc lâu ở âu thuyền nơi đảo Lý Sơn, điểm đến thứ hai của hải trình. Những lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay trong mưa, kiên cường như cái cách mà cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo đã vượt qua bao khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió. Đảo giờ đã vơi đi nhiều khốn khó, nhờ những quan tâm, nhờ tấm lòng của đất liền luôn hướng về phía biển, lặng lẽ vun đầy cho bình yên nơi này.


 

Đoàn công tác dâng hoa, viếng hương tại nhà bia ghi danh Liệt sĩ đảo Cồn Cỏ. Ảnh: T.C
Đoàn công tác dâng hoa, viếng hương tại nhà bia ghi danh Liệt sĩ đảo Cồn Cỏ. Ảnh: T.C


 

Ông Nguyễn Minh Trí - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn nói, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với Lý Sơn, với lực lượng đóng chân trên đảo luôn là niềm cổ vũ, là tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo suốt nhiều năm qua.

“Cán bộ, chiến sĩ và bà con trên đảo luôn biết ơn tình cảm của Hải quân Vùng 3, của đồng bào, chiến sĩ cả nước luôn hướng về đảo Lý Sơn. Đó là chỗ dựa cho chúng tôi thực hiện thắng lợi từng nhiệm vụ chính trị - xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền. Huyện sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quân dân, nêu cao quyết tâm bảo đảm quốc phòng - an ninh, vì một đảo Lý Sơn yên bình, xanh và đẹp” - ông Trí chia sẻ.

Chuyến hải hành mang tết sớm đến với đảo Lý Sơn. Đại tá Nguyễn Quốc Quảng - Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân chia sẻ, chuyến thăm này là một hoạt động lớn có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, khơi dậy tình cảm, nhận thức, trách nhiệm của các tỉnh thành, cơ quan, ban ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, góp phần khẳng định mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa đảng bộ, chính quyền, quân và dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

“Không dừng lại ở một chương trình dân vận thông thường, hoạt động thăm, tặng quà tết tại các đảo đã được duy trì nhiều năm qua như gìn giữ mối tình cảm thiêng liêng giữa Vùng 3 Hải quân và các đảo, cũng như giữa đất liền với tiền tiêu.

Cuối năm, dẫu thời tiết liên tục diễn biến bất lợi, sóng gió, song Bộ Tư lệnh Vùng đã nỗ lực thực hiện việc thăm, chúc tết, tặng quà các đảo để kịp thời động viên, sẻ chia, mang không khí tết về với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ” - Đại tá Nguyễn Quốc Quảng thông tin.

Một nhịp cầu bắc bằng chuyến hải hành, để những thương yêu luôn trọn, để vạn tấm lòng hướng về đảo xa, ngay trước thềm xuân Quý Mão.



https://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/va-xuan-vuot-song-137564.html

Theo THÀNH CÔNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.