Sản phẩm gây ung thư, Johnson & Johnson phải chi gần 9 tỉ USD để xử lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tập đoàn Johnson & Johnson (Mỹ) đồng ý trả 8,9 tỉ USD để giải quyết tất cả các vụ kiện liên quan đến phấn rôm chứa bột talc gây ung thư và nỗ lực ngăn trách nhiệm pháp lý trong đơn xin phá sản lần 2 của công ty con.

Nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới này hôm 4-4 cho biết hy vọng sẽ giải quyết các khiếu nại của khoảng 60.000 người yêu cầu bồi thường và tài trợ cho một quỹ ủy thác được thành lập tại Tòa án Phá sản Mỹ ở Trenton, bang New Jersey để chi trả cho các khiếu nại trong tương lai.

Johnson & Johnson (J&J) đã thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em và các sản phẩm khác, bao gồm cả Shower to Shower, trên thị trường.

Đơn vị LTL Management của J&J, công ty con của J&J, đã nộp đơn xin phá sản lần 2 theo Chương 11, trong đó đưa ra các điều khoản để giải quyết vụ kiện tụng kéo dài hàng thập kỷ. Hồ sơ xin phá sản trước đó, không bao gồm thỏa thuận dàn xếp, đã bị từ chối vào tháng 1 sau khi tòa phúc thẩm phát hiện J&J đã sai phạm khi sử dụng quy trình phá sản để ngăn bồi thẩm đoàn xét xử các vụ kiện và yêu cầu bồi thường. J&J muốn lên kế hoạch tổ chức lại LTL Management để hạn chế tất cả trách nhiệm pháp lý liên quan đến những vụ kiện về bột talc.

Johnson & Johnson (J&J) đã thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em và các sản phẩm khác. Ảnh: Reuters

Johnson & Johnson (J&J) đã thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em và các sản phẩm khác. Ảnh: Reuters

Ông Erik Haas, người đứng đầu bộ phận tranh tụng toàn cầu của J&J, cho biết trong một thông cáo: "Việc giải quyết vấn đề này thông qua kế hoạch tổ chức lại như đề xuất vừa công bằng vừa hiệu quả hơn, cho phép những người khiếu nại được bồi thường kịp thời". Các khoản tiền trong thỏa thuận dàn xếp sẽ được chi trả trong vòng 25 năm.

Theo Reuters, Johnson & Johnson đang thực hiện ý tưởng đặt một công ty con chịu trách nhiệm xử lý hàng chục ngàn vụ kiện về bột talc trong thủ tục phá sản lần thứ hai bất chấp quyết định của tòa phúc thẩm liên bang hồi tháng 1 vô hiệu hóa cái gọi là thủ tục pháp lý hai bước của bang Texas.

J&J khai phá sản hai bước ở Texas vào tháng 10-2021. Chiến thuật này liên quan đến việc sử dụng luật của bang Texas để chia công ty bị kiện thành hai công ty, sau đó chuyển trách nhiệm pháp lý sang một trong những công ty con mới thành lập. Công ty con của J&J chịu trách nhiệm pháp lý là LTL Management đã tuyên bố phá sản gần như ngay lập tức sau khi nó được thành lập. LTL Management ban đầu đề xuất trả 2 tỉ USD để giải quyết vụ kiện và có thể hơn thế nữa. J&J đã đồng ý tài trợ cho bất kỳ thỏa thuận dàn xếp nào nếu phiên tòa phá sản thông qua.

Nhiều luật sư của các nguyên đơn đã chỉ trích quy trình phá sản hai bước của J&J, mô tả đây là hành vi lạm dụng hệ thống phá sản của một tập đoàn đa quốc gia với giá trị vốn hóa thị trường vượt quá 400 tỉ USD và ít có nguy cơ hết tiền để trả cho các nguyên đơn.

Ông Andy Birchfield, luật sư của nguyên đơn tại Công ty luật Beasley Allen, cho rằng các khiếu nại có thể dễ dàng được giải quyết nếu Johnson & Johnson ngừng "trò đùa" và lạm dụng quy trình phá sản.

Theo Bloomberg, J&J lập luận rằng các vụ kiện liên quan đến bột talc gây ra mối đe dọa tài chính cho công ty mặc dù họ có giá trị vốn hóa thị trường hơn 478 tỉ USD. Các luật sư J&J cho rằng đó là bởi các bồi thẩm đoàn có thể liên tục giáng cho J&J những phán quyết trị giá hàng tỉ USD đe dọa sức khỏe tài chính của hãng này. Công ty cũng đã bị tổn hại về mặt uy tín liên quan đến những vụ kiện về bột talc.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.