Giá trị sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam ngày càng cao với lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, kẻ gian lấy sâm giả trà trộn vào sâm Ngọc Linh thật để kiếm lợi là điều không tránh khỏi. Đã có nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý nhưng việc rao bán sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên mạng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát.
Để mua được những củ sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nên đến phiên chợ sâm hàng tháng của huyện Nam Trà My
Sâm giả tràn lan
Không khó để tìm thông tin về việc rao bán sâm Ngọc Linh thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tuy nhiên, chất lượng thì không phải ai cũng có thể kiểm chứng. Thông qua lời rao bán sâm Ngọc Linh trên Facebook, chúng tôi đã liên hệ và tiếp cận được một facebooker là H.Tr. Theo người này, cô là cộng tác viên bán hàng của một công ty tại tỉnh Quảng Nam chuyên rao bán sâm Ngọc Linh.
“Mình cũng không biết đó là những củ tam thất hay sâm Trung Quốc. Họ nói sao thì cũng nghe vậy, vì trước nay có rành về sâm Ngọc Linh gì đâu? Nghe bảo là hàng chất lượng, có kiểm định nên mình cũng nói với khách như thế”, người này nói.
Cũng theo người này, cô bán sâm đã được 2 năm và công ty có nhiều cộng tác viên bán hàng. Mới đây, khi phát hiện những củ mà công ty đưa ra không phải sâm Ngọc Linh nên người này đã nghỉ việc.
Như vậy, trong 2 năm đó, không ai biết được số lượng hàng giả được tuồn ra ngoài thị trường và đến với người tiêu dùng như thế nào. Vì vậy, việc thắt chặt quản lý trong việc bán sâm Ngọc Linh là cần thiết vì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu nổi tiếng của sâm Ngọc Linh (một trong 5 loại sâm quý của thế giới).
“Việc bán hàng giả ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Có rất nhiều người đã gửi ảnh cho tôi, nhờ xác nhận có phải là sâm thật hay giả. Hầu hết những hình ảnh đó cho thấy đều là tam thất, sâm Lai Châu hoặc Trung Quốc. Khi mua sâm Ngọc Linh, nhất thiết phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, cầm tận tay mới biết được sâm thật hay giả”, ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sâm Ngọc Linh, cho hay.
Gìn giữ thương hiệu sâm quý
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, để gìn giữ thương hiệu của sâm Ngọc Linh, huyện cùng với các cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để tránh tình trạng sâm giả trà trộn vào phiên chợ hàng tháng của huyện. “Tôi dám khẳng định là chưa hề có 1 củ sâm giả nào lọt vào phiên chợ hàng tháng của huyện Nam Trà My. Bởi, 1 củ sâm khi vào tới các gian hàng ở phiên chợ thì phải trải qua 2 lần kiểm tra gắt gao của tổ kiểm định ngay ở cổng ra vào. Lần một là từ khi người dân tập kết sâm để chuẩn bị đưa xuống phiên chợ, xã sẽ kiểm định. Khi đưa vào sẽ trải qua một lần kiểm tra gắt gao nữa. Cuối cùng, khi khách mua xong, đưa ra để tổ kiểm định kiểm tra lại một lần nữa. Vậy nên rất đảm bảo”, ông Bửu thông tin.
Cũng theo ông Bửu, để siết chặt quản lý trong việc buôn bán sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện đã buộc các công ty, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải cam kết bằng văn bản sẽ bán hàng thật. “Chỉ cần phát hiện một lần bán hàng giả, lập tức sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, còn bị cấm tuyệt đối không được buôn bán hay ra vào phiên chợ nữa”, ông Bửu nói thêm.
Ông Trịnh Minh Quý khuyến cáo, hãy đến phiên chợ sâm để hoàn toàn yên tâm là 100% sâm Ngọc Linh thật. Còn nếu giao dịch mặt hàng này, cần kiểm tra kỹ từng củ để tránh bị trà trộn. Sâm Ngọc Linh với các mắt thể hiện các năm tuổi; rễ thường là rễ cọc chứ không theo chùm như củ tam thất. Trường hợp muốn chắc chắn thì nên cắt 1 lát để thử vì sâm Ngọc Linh màu vàng, có vân tròn và không có nước, mủ chảy ra, khác với các loại khác. |
Chị Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm, cho biết, việc buôn bán sâm Ngọc Linh luôn được chính quyền giám sát chặt chẽ. Chính vì vậy, phía công ty luôn phải cẩn trọng trong việc mua sâm từ các đầu mối. “Dù là người bán mặt hàng này lâu năm nhưng vẫn có người đưa sâm giả đến cho mình. Đôi khi trong cả mấy chục củ sâm thật, họ trộn vài ba củ sâm giả, nếu không cẩn thận thì mình sẽ dính ngay”, chị Huỳnh cho biết.
Chị Huỳnh đã từng phát hiện và báo cho công an thu giữ và xử lý một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan Anh (38 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) khi người này mang một lô hàng giả sâm Ngọc Linh để bán cho chị. Công an huyện đã thu giữ 134 củ tam thất có trọng lượng 13,2kg và 6,1kg thân lá tam thất. Qua làm việc, đối tượng khai nhận đã sử dụng mạng xã hội lừa bán cho khách hàng những củ tam thất đánh tráo là sâm Ngọc Linh được trồng tại thôn 2 xã Trà Linh.
Theo ông Trịnh Minh Quý, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, tổ kiểm định đã phát hiện 2 trường hợp cố tình đưa sâm giả vào phiên chợ. Hai trường hợp đã bị công an xử lý, cấm vĩnh viễn không được buôn bán, vào phiên chợ. Trước đây, tam thất hoang thường được sử dụng để giả sâm Ngọc Linh bởi vì nó giống đến hơn 90% so với sâm Ngọc Linh nên người mua thường bị nhầm lẫn.
“Vì bây giờ người tiêu dùng biết cách phân biệt nên các đối tượng đã tinh vi hơn. Thay vì dùng tam thất, họ lấy những củ sâm Trung Quốc, Lai Châu trà trộn. Những loại này rất khó phân biệt”, ông Quý nói.
Nguyễn Dương (SGGP)