Sài Gòn trong tôi: Màu áo xanh của dân quân tự vệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sài Gòn dịch, Sài Gòn ốm, Sài Gòn không khỏe. Sài Gòn đã và đang nhận viện trợ cả về sức người lẫn sức của từ rất nhiều nơi. Tấm lòng này của cả nước, người dân thành phố không thể nào quên. Nhưng hơn ai hết, con em Sài Gòn cũng hăng hái lên đường chống dịch.

Có một bạn trẻ tên Quốc. Công việc chính của Quốc là làm hướng dẫn viên du lịch. Nói thật, với công việc này, Quốc buộc phải chăm chút cho bản thân có một vẻ ngoài khá trau chuốt. Giày lúc nào cũng xịn, quần áo xanh đỏ tím vàng phải đúng thời trang, cái nón đội cùng cũng phải tông xuyệt tông. Nước hoa, gel vuốt tóc... không thể thiếu. Nhìn Quốc lúc hành nghề, chỉ có thể gói gọn trong mấy chữ: ăn nói ngọt ngào, quần áo bảnh bao.

Khi vãn tour, Quốc có thêm một nghề khác, đó là DJ trong những quán bar hay club... Với công việc này, Quốc cũng có khác. Mặc đồ ngầu hơn, khoe cơ bắp cuồn cuộn - bụng 6 múi nhờ tập gym, cùng những hình xăm nhìn rất chất, trang sức thêm cái bông tai. Thế là đứng sàn, làm "cơ trưởng" hướng dẫn cho khách vui chơi ăn uống, làm nóng không khí trong những cuộc vui với những giai điệu âm nhạc sôi động, hiện đại tại các vũ trường.


 

Công tác phân phối thực phẩm cho người dân. Ảnh: Hoàng Ba Đình.
Công tác phân phối thực phẩm cho người dân. Ảnh: Hoàng Ba Đình.



Cuộc sống hào nhoáng, bóng bẩy biến mất khi dịch đến. Gần như ngay lập tức, Quốc lao mình vào công tác cùng người dân thành phố chống dịch. Những người có chuyên môn hoặc chuyên trách như y tế, công an... lên tuyến đầu. Quốc xung phong ngay lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ cho địa phương và gia đình.

Thay cho những đôi giày hàng hiệu là đôi bốt dân quân. Thay cho những bộ quần áo sặc sỡ là đồng phục tự vệ. Bông tai cũng tháo ra. Nai nịt gọn gàng, Quốc đã trở thành người chiến sĩ dân quân tự vệ trong những ngày chống dịch căng thẳng.

Công việc hàng ngày rất vất vả. Nhiều người cứ tưởng dân quân chỉ đứng tại chốt bấm điện thoại là xong việc. Nhầm rồi. Có các nhóm công việc chính cho dân quân đảm trách: trực chốt, vận chuyển thực phẩm cho người dân, hỗ trợ công tác tiêm vaccine và giao nhận tro cốt cho những gia đình mất người thân trong dịch bệnh.

Thực sự, trong con mắt nhiều người, dân quân thuộc hàng có địa vị thấp nhất trong công tác chống dịch. Chuyên môn không bằng y tế, quyền hạn cũng không. Có quyền hạn chăng đó là "quyền rơm vạ đá". Nên khi trực chốt, phải năn nỉ ỉ ôi đến rát cổ bà con mới chịu nghe. Một số thành phần quá khích còn tỏ thái độ chống đối. Nếu lúc chống đối có công an gác chốt thì yên ổn. Không có công an quả phiền phức.


 

 Túp lều lý tưởng mỗi khi đêm về của Quốc. Ảnh: Hoàng Ba Đình.
Túp lều lý tưởng mỗi khi đêm về của Quốc. Ảnh: Hoàng Ba Đình.


Hãi hùng nhất là những phiên trực đêm, đêm khuya thanh vắng không một bóng người, các đối tượng chống đối ban ngày, đến đêm lại kéo ra đòi ăn thua đủ với dân quân. Bị dọa nạt, hành hung là chuyện bình thường. Với chuyện này, Quốc chỉ bảo: "Em không sợ bị đánh, em chỉ sợ lây nhiễm chéo khiến dịch bệnh càng khó khống chế".

Hành trình chống dịch là chuỗi 2 - 3 tháng liên tục không được về nhà. Nhà ở đâu xa, ngày nào đi ngang cũng thấy, nhưng không dám vào. Sợ bản thân lại đem bệnh cho người thân, dịch chưa chống xong họa đã đến nhà. Có khác gì vua Vũ ngày xưa đi hộ đê, ngang nhà nhiều lần không vào? Cơm nước cũng có người lo, ngày đủ ba bữa, ăn no để chống dịch. Đừng thấy ăn cơm miễn phí mà ham. Liệu mấy người dám đổi chuyện được ở nhà yên ổn để nhận 3 bữa cơm này?

Đến cái ngủ cũng không được đàng hoàng. Do trực chốt, nên tất cả đều phải ngủ ngoài mái hiên. Đúng là một tấc không đi một li không dời, kiên trì bám trụ vị trí chiến đấu. Bà con quanh chốt thấy thương, cảm được cái tình, nên chi viện mền gối.

 

Dân quân tự vệ đang thực hiện nhiệm vụ gác chốt. Ảnh: Hoàng Ba Đình.
Dân quân tự vệ đang thực hiện nhiệm vụ gác chốt. Ảnh: Hoàng Ba Đình.


Khổ nhất, vẫn là những đêm mưa, mà Sài Gòn mấy tháng qua đang là mùa mưa. Mưa xem như hết ngủ. Nhưng các anh dân quân tự vệ cũng không thể nào ngồi sát lại để truyền hơi ấm tinh thần cho nhau, bởi bản thân họ cũng phải tự tuân thủ nghiêm ngặt 5K, trong đó có giữ khoảng cách.

Vậy, mưa phải làm sao? Có ông qua quýt qua loa, thì trú đại trong hiên, đắp chăn cho ấm. Có ông tự trang bị được một cái lều dã chiến cho bản thân bằng những cái áo mưa ny lông, dây nhợ sẵn có.

Quốc nói: "Phải tự lo cho bản thân trước rồi mới có sức để lo cho mọi người". Đang định hỏi thêm chuyện, nó bảo: "Thôi, em phải lên chốt đây, bà con đang chờ, dân đang chờ, anh có viết bài thì cho em gửi lời chào toàn thắng". "Ừ thì thôi, em tiếp tục nhiệm vụ nhé".

Tuổi trẻ Sài Gòn, sao mà thương đến lạ. Những ký ức năm xưa, với những năm tháng chiến tranh là "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", là "Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn", "Sài Gòn quật khởi"... Đến những năm xây dựng hòa bình, tuổi trẻ Sài Gòn lại lên đường "Em ở nông trường, em ra biên giới"...

Lứa trẻ ngày hôm nay vẫn mang lòng quyết tâm và hăng hái đó, nối tiếp truyền thống cha anh, lên đường chống dịch. Màu áo xanh của các anh dân quân tự vệ đã góp phần xứng đáng trong công cuộc "thu hẹp vùng đỏ - lan tỏa vùng xanh" hiện nay.

Chắc chắn một ngày toàn thắng sẽ đến, mọi người lại được thấy Quốc trong vai trò hướng dẫn viên du lịch trên mọi miền đất nước với nụ cười rạng rỡ, hoặc DJ chất chơi trong những đêm vui bất tận.

https://danviet.vn/sai-gon-trong-toi-mau-ao-xanh-cua-dan-quan-tu-ve-20210911092952281.htm

Theo Hoàng Ba Đình (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.
Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.