Sài Gòn sau 18 giờ: 'Giao liên' mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ba bị tật ở chân, mẹ bại liệt sau một cơn đột quỵ, nhà lại bị phong tỏa, nên gia đình 6 người của Châu hết cách phải 'chia đôi lực lượng' tìm đường sống qua mùa dịch.

Ngay sau khi gặp ba nằm bên hiên nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Châu sà tới ôm ba, kể chuyện nhà sắp bị cắt điện
Ngay sau khi gặp ba nằm bên hiên nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Châu sà tới ôm ba, kể chuyện nhà sắp bị cắt điện
Châu là chị lớn theo ba ra đường ở để kiếm đồ từ thiện. Cuối ngày, cô bé vừa lên 10 tuổi làm “giao liên” mang gạo nước, đồ ăn về cho mẹ và 3 đứa em thơ đang chờ nơi nhà trọ.
Tìm ba trong đêm
Đêm Sài Gòn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12 (Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM ban hành cuối tháng 7 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng), ngoại trừ những người thực hiện công vụ, không người dân nào ra đường. Vậy mà tại ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ, tiếng khóc nỉ non của cô bé Nguyễn Ngọc Bích Châu, 10 tuổi, khiến những người có nhiệm vụ ra đường giờ đó đều dừng lại.

Trong đêm, Châu khóc một mực đòi đi tìm gặp ba. Ảnh: Lam Ngọc
Trong đêm, Châu khóc một mực đòi đi tìm gặp ba. Ảnh: Lam Ngọc
Mặc một bộ quần áo ngắn tay, đi đôi dép kẹp với thân hình nhỏ thó gầy guộc, đen đúa, Châu không ngừng nài nỉ: “Cho con tới chỗ ba con”. Nhưng ba con là ai? Ba con ở đâu? Tại sao con lại ra đường giờ này một mình?... Những câu hỏi được những người dừng lại lúc đó đặt ra nhằm giúp Châu tìm cách giải quyết nhưng cô bé không thể trả lời rành mạch. Em kể tiếng được, tiếng mất: “Nhà con ở hẻm đường sắt, ba con đi chở xe ba bánh nhưng xe hư rồi, mẹ con bệnh, con mang thuốc về cho mẹ rồi ra chỗ ba…”. Nhưng, địa chỉ nhà ở đâu thì Châu không nhớ, ba tên gì em cũng không nói được…
Chúng tôi nghe câu chuyện của Châu lõm bõm và phải tự xâu chuỗi: Nhà em ở khu phong tỏa, mẹ bị bệnh, ba không ở cùng. Vậy có khả năng em là F1 hoặc F0, em ra đường nếu vô tình mang theo vi rút thì rất nguy hiểm... Chạnh lòng trước cảnh bé gái một mình lang thang tìm ba trong đêm, hai đồng chí kiểm soát quân sự Q.10 có mặt lúc ấy cùng chúng tôi thống nhất sẽ để em mặc đồ bảo hộ và tự mình đi bộ tới chỗ ba em. Chúng tôi sẽ đi bộ cùng.

Một mình Châu lững thững đi bộ từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ tới đường Trần Hưng Đạo tìm ba
Một mình Châu lững thững đi bộ từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ tới đường Trần Hưng Đạo tìm ba
21 giờ, đường không một bóng người, cô bé nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần áo bảo hộ thùng thình ghì chặt tờ 20.000 đồng và một bịch sữa được một anh công an cho trên đường từ nhà đi. Đoạn đường từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ đến Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (nơi ba Châu đang đợi) không quá dài nhưng chúng tôi phải trình báo qua gần chục lượt kiểm tra. Nhìn cảnh một cô bé lang thang trong đêm, tất cả người chứng kiến đều lo ngại. Trên đường đi, anh kiểm soát quân sự không ngừng nhắc tôi đi song song với cô bé để không bị hơi thở của em tạt theo hướng gió vướng vào. (Còn tôi nhìn bước chân nhỏ xíu trong đêm chỉ nghĩ: Giờ này còn ở ngoài đường, không biết em đã có gì bỏ bụng?).
Mất hơn 30 phút qua chốt và đi bộ mới tới ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, đã quen thuộc nên Châu sà ngay vào hiên ngôi nhà có bóng đèn sáng nhất. Nơi đó, ba em đang nằm.
Vòng tay qua cổ, câu nói đầu tiên của cô bé với ba khiến chúng tôi bất chợt cay xè mắt: “Nhà mình chắc sắp bị cắt điện đó ba. Người ta còn đòi tiền nhà nữa. Mẹ bảo ra báo ba gấp để không kịp”. Anh Nguyễn Thượng Huân (52 tuổi, ba bé Châu) mặt méo xệch ôm con mếu máo. Người cha gầy gò có đôi chân teo nhỏ dường như không chú ý đến lời con gái nói mà chỉ siết chặt cô bé vào lòng, mắt ngân ngấn: “Ba đã nói đi phải về liền. Sao con đi đâu, nay mới về, ba tìm con khắp”..
Nhà chia hai nửa tìm đường sống
Ba của Châu bị tật ở chân đi lại rất khó khăn. Anh chỉ có thể lết từng bước nhỏ nên việc mua bán thuốc men chữa bệnh cho mẹ đều phụ thuộc vào Châu. Hai ngày trước, khi gom được ít gạo, bánh và một ít xúc xích, anh nói Châu mang về cho mẹ và các em. Về tới nhà mới hay bệnh của mẹ trở nặng, Châu lại chạy ra chỗ ba xin tiền mua thuốc. Vét sạch trong túi được hơn 300.000 đồng, anh Huân chỉ tiệm thuốc, dặn dò con kỹ lưỡng mua thuốc mang về cho mẹ.
Trước khi con đi, anh dặn con mang thuốc về cho mẹ xong phải về lại chỗ ba ngay để lỡ có gì còn chạy đi chạy lại cho kịp. Thế nhưng, khi về nhà rồi, Châu mới biết hẻm nhà mình đã bị phong tỏa. Người ngoài không được vào, người trong không được ra. Châu ở nhà từ tối hôm trước tới tối hôm sau thì nóng ruột: “Con cứ nghĩ đến lời ba dặn mang thuốc về thì phải ra ngay. Con sợ ba chờ không thấy, ba mong”. Quanh quẩn hơn một ngày trong nhà trọ, đợi lúc không có người Châu lẻn chạy ra ngoài. Lúc này đã hơn 20 giờ, đường đã vắng hoe. Châu kể: “Con đi trên đường, đang sợ ma thì nghe tiếng gọi hỏi đi đâu? Thấy người hỏi là chú công an, con sợ bị bắt trước khi gặp được ba nên con khóc”.
Châu không nhớ số nhà mình ở vì đó là nhà trọ, ở thuê. Tên ba em cũng không dám nói vì sợ người ta bắt luôn. Trên tất cả, Châu còn sợ phải quay về nhà, vào lại hẻm đã bị cách ly vì em sợ Covid-19. (Ngay lúc đó, chúng tôi đã nhờ các anh công an trực chốt trên đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ liên hệ y tế phường để giúp em xét nghiệm Covid-19 sớm).
Anh Huân tâm sự, vợ anh bị tai biến giờ nằm liệt giường. Trước dịch anh vẫn chạy xe ba bánh và cùng con bán vé số trang trải cuộc sống. Khi có dịch, xe bị hư, không còn người mướn chạy xe, người mua vé số ít, chủ yếu người qua đường thương cảnh gia đình giúp đỡ nên vợ chồng, con cái có tiền ăn.
Từ khi chính thức thực hiện giãn cách, gia đình anh hoàn toàn kiệt quệ. Vợ bệnh không có tiền thuốc thang. Sáu miệng ăn trút hẳn lên vai một người khuyết tật. Lúc đó, anh nghĩ nếu cứ ở nhà trọ thì chưa chết dịch cũng sẽ chết đói nên tính cách để lại vợ và 3 đứa con nhỏ ở nhà. Còn anh và Châu (con gái lớn) ra đường kiếm ăn. Những ngày này hai cha con chia nhau ra hai điểm xin cứu trợ. Xin xong, buổi tối gom lại rồi chia ra đồ nào ăn ngay, đồ nào dự trữ. Châu có nhiệm vụ mang đồ về nhà nhờ hàng xóm nấu cho mẹ và các em ăn rồi lại chạy ra chỗ ba. Từ khi thực hiện Chỉ thị 12 thì buổi tối không người, việc di chuyển của Châu khó khăn không khác gì “giao liên” trong thời chiến.
(còn tiếp)

Ngủ chỗ sáng để người đi từ thiện dễ thấy

Gần một tháng nay, hiên nhà bán xe máy trên đường Trần Hưng Đạo là nơi cha con Châu ngủ đêm. Anh ngủ chỗ sáng để người đi từ thiện dễ thấy mà dừng lại. Nhìn anh co quắp trong tấm bìa carton, tôi hỏi sao anh không mang mền ra đắp cho đỡ lạnh? Anh Huân thật thà: “Đắp mền ấm quá, tôi sợ lúc người ta tới tặng đồ lại ngủ quên, không biết để thức dậy nhận và cảm ơn họ”.

Thời gian này, nhà anh sống được là nhờ đồ từ thiện. Người cho gạo, người cho mắm muối, người cho rau nên bữa ăn của các con và vợ ở nhà cũng tạm ổn. Ngoài ra, anh chia sẻ buổi tối người đi từ thiện thường cho tiền. Anh muốn canh thức để trực tiếp được nhận tiền và cảm ơn. Có số tiền ấy, vợ anh có thuốc uống, may ra qua được đợt dịch này.

Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.