Sài Gòn đêm của Tám Bánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vóc người nhỏ thó chưa quá 50 kg nhưng khuân đống bánh còn nặng hơn, cuốc bộ từ khi trời nhá nhem, bán hết bánh cũng là khi trời mờ sáng… Đó là Tám Bánh - người đàn bà hơn 30 năm lấy đêm làm ngày, cõng bánh mưu sinh.

Là con thứ 8, chuyên bán bánh nên có luôn tên gọi dễ nhớ là Tám Bánh. Ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đèn lên, thế giới riêng của Tám Bánh thực sự bắt đầu. Với dân ăn đêm của Sài Gòn từ hơn 30 năm qua, Tám Bánh là một “thương hiệu” với những món bánh truyền thống như bánh chuối, bánh da lợn, bánh bò…


 

Bà Tám Bánh bán gần chục loại bánh khác nhau
Bà Tám Bánh bán gần chục loại bánh khác nhau.


Cõng bánh mưu sinh

Không cửa tiệm, không vị trí cố định, dụng cụ hành nghề của Tám Bánh là cái mẹt bánh to cặp hông và một xô nhựa bánh xách tay, tổng cộng hơn 50 kg (Tôi vác thử mà muốn “lè lưỡi”). Các loại bánh này được mấy anh chị em ở nhà chung tay làm vào ban ngày, để chiều sẩm tối, Tám xách đi bán.

Tám bảo từ hồi con gái, mới 15 - 16 tuổi là quẩy bánh đi bán đêm cho đến giờ đã U.60. Hỏi sao không làm chiếc xe đỡ phải khuân vác cực khổ, Tám cười: “Đi riết quen rồi, xe cộ chi mất công”.

Gần nửa thế kỷ lăn lộn Sài Gòn đêm, Tám kể: “Giờ bán cho Việt kiều nhiều, người Hà Nội có khi gọi điện coi Tám đang ở đâu, chạy xe tới mua rồi mang ra sân bay đi về Hà Nội làm quà”.

Mâm bánh của Tám có bánh da lợn, xu xê, xôi vị, khoai mì, bánh bò, khoai môn, xu kem, bánh chuối, bánh quy… Tám cho biết trước đây còn nhiều hơn, nhưng nay sức khỏe ngày càng yếu, phải bớt đi mấy loại vì bưng không nổi nữa.


 

Tám Bánh trở thành “thương hiệu” bánh không tên rất đời trong thế giới đêm ở Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Đình
Tám Bánh trở thành “thương hiệu” bánh không tên rất đời trong thế giới đêm ở Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Đình



Gương mặt Tám, có lạnh lùng, có dữ dội, ánh mắt sắc lẹm của một người từng trải. Đêm Sài Gòn bây giờ bình yên, chứ độ 20 - 30 năm về trước, một thân Tám lầm lũi đi đêm, phải bản lĩnh lắm mới trụ được trước đám ma cô, đầu gấu đầu mèo. Tám đằm hơn xưa nhiều, mỗi năm gặp lại, Tám cũng ít nói hơn, nhỏ nhẹ mời: “Mới về hả? Mua bánh cho chị đi cưng!”. Với Tám, hình như ai lâu không gặp, đều nghĩ đó là Việt kiều. Cũng phải thôi, khách của Tám xưa nay là vậy mà. Những năm 1990, Việt kiều trẻ về nhiều lắm, đi chơi đêm, vào bar, xong ra các phố ăn đêm kiểu gì cũng gặp Tám, có khi một tối đi hết quán này quán khác, gặp Tám đôi ba lần là thường nên ai cũng nhớ. Tám bảo: “Mấy em trai mua bánh cho ghệ ăn chứ tụi nó ít khi ăn lắm, lo nhậu thôi”. Nhưng nhờ cái sự ga lăng ấy, Tám sống được, sống khỏe nữa là khác.

 

Người mua bánh của Tám đa phần là khách quen lâu năm
Người mua bánh của Tám đa phần là khách quen lâu năm



Trong khi những “đồng nghiệp” của Tám ở các nghề khác trong thế giới đêm gần như giải nghệ hết, từ các cây đàn rong như Hùng thọt, Phong cho đến đám “con nít quỷ” bán vé số, hoa hồng, kẹo cao su, thuốc lá… chỉ có Tám bền bỉ với nghề, vẫn món bánh ấy, vẫn cái mẹt ấy, tự thân định hình luôn thành một “thương hiệu” bánh không tên rất đời trong thế giới đêm ở Sài Gòn.

Người bán kỷ niệm

Anh Đặng Việt Hùng, định cư Úc từ năm 2010, trong lần về lại TP.HCM mới đây, lang thang ra phố ăn đêm Nguyễn Trãi, gặp lại Tám Bánh. Hùng cho biết mình không thích ăn bánh nhưng ngày trước hay ăn khuya, hình ảnh người phụ nữ vất vả đem bánh đi bán đêm in trong đầu. Bao năm nay, tưởng chị đã bỏ nghề, vậy mà gặp lại. Hùng bảo: “Mình mua ủng hộ, mua để gánh bánh của chị ấy vơi dần, cho đỡ cơ cực. Bao năm rồi, chỉ thấy chị già đi, rổ bánh cũng không đầy như ngày xưa”.

Hỏi sao không mở tiệm bán, Tám cũng “đổ thừa” tại thói quen, đi nhiều quen rồi, không đi là bệnh liền. Mỗi tối, ước tính trung bình Tám cuốc bộ qua các phố ăn đêm Sài Gòn cũng trên dưới 20 cây số. Hôm nào ế khách phải đi nhiều hơn, lại mang trọng lượng khủng trên người, nhưng được cái trời thương, Tám vẫn khỏe, xương cốt dẻo dai, chẳng sao cả.

Bánh của Tám không hề rẻ, nhoằng một túi là đôi ba trăm ngàn, nhưng phải công nhận bánh ngon thật. Những dòng truyền thống như bánh da lợn, bánh chuối… được Tám làm y như hương vị xưa. Cái thơm, hòa với giòn mà mềm của bánh da lợn, cùng cảm giác êm êm vòm miệng khi nhai. Độ ngọt vừa đủ, ngọt êm chứ không gắt, mang lại ngay cảm xúc trở về thời tuổi thơ của bao người. Tám Bánh thành công trong thế giới đêm, hẳn cũng vì bán cho người mua không chỉ cái bánh, mà còn là kỷ niệm.

Nhật Duy, Việt kiều ngụ tiểu bang California (Mỹ), nói về món bánh da lợn của Tám: “Tôi quê Cần Thơ, hồi nhỏ đi học ngày nào được ăn bánh da lợn là huy hoàng lắm. Lớn lên Sài Gòn đi học, những năm 1990 ăn khuya là biết Tám Bánh rồi, hồi đó cũng hay ăn bánh da lợn của Tám. Sau định cư ở Mỹ, lần nào về đi ăn đêm vỉa hè Sài Gòn, kiểu gì cũng gặp lại Tám và món bánh tôi mua ăn đầu tiên của lần gặp luôn là bánh da lợn. Cái hay là hương vị bánh Tám làm từ lần đầu tôi ăn cách đây hơn 20 năm giờ vẫn nguyên như thế”.

Vẫn cái dáng xiêu xiêu nghiêng người đi trong ánh đèn đêm, mẹt bánh của Tám cùng những món bánh truyền thống rặt kiểu Nam Bộ đã khiến bao người phải lòng. Tám cứ lặng lẽ, thậm chí có phần lạnh lùng, chẳng hẹn, chẳng đợi, cứ ngày ngày đi qua các khu ăn đêm như một bản năng, gặp lại người cũ thì vui cười dăm ba câu, bán vài chiếc bánh, rồi lại tìm đến một khu ăn đêm khác. Tám từng tâm sự: “Bán bánh cho đến khi hết bưng nổi cái mẹt thì thôi”.

Nhìn Tám khiêng bánh đi bộ bán thật vất vả nhưng với Tám, chuyện đó nhẹ tênh: “Đi bán tới khi nào hết bánh thì về, sớm 2 - 3 giờ, muộn tới 5 - 6 giờ”. Tám Bánh mưu sinh, giản đơn chỉ vậy thôi!

 


“Bí kíp” làm bánh ngon

Khác các hệ sống đêm “nửa xin nửa hành nghề” như bán vé số, múa lửa, hát kẹo kéo, đàn dạo… Tám bán chứ không xin. Tám bán rất mắc, xứng với công sức và hương vị của bánh chứ không chặt chém. Khách ăn kêu mắc nhưng chấp nhận vì hiếm gặp hương vị bánh tương tự ở thời bây giờ.

Tám bảo: “Nhiều đứa em ăn hoài, nói ăn mấy chỗ khác không giống, rồi hỏi Tám bí kíp sao bánh ngon? Thiệt tình Tám chỉ biết thời xưa mẹ truyền lại, rồi cứ thế làm. Biết làm rồi nên thấy cái nào cũng dễ. Còn trong mấy bánh Tám bán, phức tạp, kỳ công nhất là bánh bò vì phải có cách ủ bột, nhồi bột bằng tay. Ngày trước dùng men, giờ toàn men công nghiệp hóa học nên thay bằng cơm rượu. Món này cũng kiêng cữ dữ lắm, việc nhồi bột phải để đàn ông. Gia đình Tám làm bánh này thì đàn bà tuyệt đối không cho bén mảng, bởi kiêng, gặp “ngày dơ” (kinh nguyệt - PV) là bột nhồi không lên được”.

Người khỏe nhất trong giới hàng rong đêm

Dân ăn khuya hay gọi đùa Tám là người đàn bà khỏe nhất trong thế giới đêm Sài Gòn, bởi thói quen mang vác siêu phàm không dễ có người thứ hai làm theo được.

“Hồi xưa mấy lần mua bánh, mình có thử bê cái mẹt. Mình cũng trai tráng mà đứng thõng lưng nhấc không lên nổi luôn, vậy mà Tám quẩy cái nhẹ, rổ bánh nhảy lên eo, tay còn lại với cái xô, vậy là đi phăng phăng trên phố đêm Sài Gòn. Hình ảnh ấy làm mình ấn tượng hoài”, anh Đặng Việt Hùng cho biết.

Theo Nguyễn Đình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.