Không gì là đồ bỏ
Cô Kim quyết định cho thuê tầng trệt trong căn nhà mặt tiền ở cư xá để người ta bán cà phê. Chủ quán cà phê chỉ thuê với điều kiện nhận mặt bằng trống, khiến cô phải bán đi tất cả đồ dùng tầng trệt. Hay tin, chẳng biết từ đâu ra mà rất nhiều người tới để mua đồ cũ.
Người bán đồ cũ từ trước năm 1975 vẫn đam mê nghề nghiệp |
Khách xịn xò nhất là một thầy giáo dạy nhạc, đánh cả ô tô tới để mua chiếc piano cũ âm thanh còn rất hay. Tiếp nữa là một nhóm tới mua bộ bàn ghế bọc da đã sờn. Tiếp nữa là một vài người săn đồ sành sứ tới mua mấy cái đôn làm bằng đất nung, tô bát cũ. Cuối cùng là những người tới mua kệ sách và những thứ quà lưu niệm, tem, sách báo cũ từ trước 1975 gia chủ còn giữ tới giờ. Cô Kim nói: “Tôi bán rẻ lắm, nhưng quả thật không có cái gì bỏ đi, người ta mua chẳng sót thứ gì, kể cả những giấy tờ, tranh ảnh từ những năm 1960 khi tôi còn là đứa bé”.
Chợ “lạc xoong” quận 3 |
Trong những người tới mua đồ cũ của cô Kim, tôi nhận ra một người quen biết. Anh này tên Hiệp, sống ở tận Hóc Môn nhưng được bạn bè báo “tin mật” rằng có người Sài Gòn gốc bán đồ “lạc xoong” (đồ cũ) nên vội phi xe máy lên mua. Anh này chỉ thu gom các loại thư từ, tem, sách báo cũ.
Hiệp nói với tôi: “Trước em làm nhiều việc linh tinh cho các công ty, nhưng mấy năm nay chỉ chuyên săn giấy tờ cũ để bán cho các nhà sưu tập. Ví dụ như giấy tờ chuyển nhượng đất đai nhà cửa từ thời trước 1945 đến năm 1975, các giấy tờ giờ là của hiếm được sưu tập như giấy xin mua lương thực, giấy chứng nhận đã học tập cải tạo, giấy khen thời bao cấp, bằng cấp hết hạn sử dụng…”.
Tôi hỏi về thu nhập, Hiệp kể: “Hên xui anh ạ. Có những đống giấy tờ vàng úa, mục mủn, mua chỉ vài chục ngàn mà về phân loại bán mỗi trang cũng được vài trăm ngàn, có khi cả triệu bạc. Nhưng, cũng có lúc rao mãi trên các mạng xã hội đủ loại giấy tờ cũ mà chẳng ai mua. Kinh tế giờ khó khăn mà người bán đồ cũ ngày càng nhiều”.
Nghề “truyền thống”
Chiếc xe máy của người mê đồ cũ. Ảnh: T.N.A |
Buôn bán đồ cũ là một nghề có thể gọi là truyền thống ở Sài Gòn, nó thịnh hành từ thời Mỹ chiếm đóng.
Anh Lễ, một người buôn bán đồ lạc xoong ở quận 3 kể: “Trước năm 1975 gia đình chúng tôi chuyên mua đồ từ các kho quân nhu của Mỹ, mua đồ của lính Mỹ rồi bán ra ngoài. Chúng tôi cũng đón những lô hàng bán từ sân bay, nhiều đồ đạc không được đem lên máy bay, người làm trong cảng thu gom bán cho chúng tôi”.
Thời hoàng kim, gia đình anh Lễ có cửa hàng bán đồ Mỹ ngay tại trung tâm quận Nhất, thu nhập tính hàng cây vàng mỗi ngày: “Người ta kêu bán đồ cũ, nhưng có khi đồ còn mới như chưa sử dụng. Nào đồng hồ, kính, nhẫn của lính Mỹ vẫn còn mới keng, mà tôi cũng không rõ chủ của nó còn sống hay nằm lại chiến trường đỏ lửa?”.
Anh Lễ làm nghề bán đồ cũ cho đến tận ngày nay. Anh thuê một góc nhỏ xíu chỉ chừng 3m2, mỗi tháng 3 triệu đồng, để bán những thứ đồ cũ linh tinh như kính, đồng hồ, máy nghe nhạc CD. Thỉnh thoảng anh lại hồi tưởng: “Lúc còn trẻ, tôi từng đến quán của Khánh Ly nghe cô hát, có khi trộm cả cục tiền của bà già, bỏ nhà đi chơi cả tuần, tiêu hết tiền mới về đi bán đồ cũ”.
Chị Tư, một người bán nhẫn Mỹ kể với tôi: “Mẹ tôi trước 1975 làm nghề bán đồ cũ, tôi cũng học được đôi chút mánh mung, kiếm cơm qua ngày. Những kỷ vật chiến tranh như bi đông, vỏ đạn, thậm chí thư của bộ đội, nhật ký chiến trường, bằng khen và tài liệu của các đơn vị quân khu thời Mậu Thân 1968… trước giá rẻ mà nay muốn mua phải tiền triệu!”.
Hóa ra nghề bán đồ cũ cha truyền con nối, tính ra đã mấy đời. Chị Tư có một chuỗi vòng mẹ mua được tặng cho, dặn là quý hiếm, người ta trả gần chục triệu đồng mà chị quyết không bán. Chị nói: “Chuỗi vòng này của người dân tộc thiểu số, mẹ tôi vào tận buôn mua mang về tặng cho tôi, nay mẹ tôi đã khuất núi, chỉ còn lại một chuỗi vòng này thôi”.
Quyết giữ không rời
Hoàng - một chàng bán đồ lạc xoong gốc Bắc nói với tôi: “Làm nghề này có đủ hạng người. Em gặp một đồng nghiệp xăm trổ đầy mình, dằn mặt: Tao đi tù 30 năm mới ra được mấy tháng, giờ theo nghề này kiếm cơm. Mày liệu thần hồn đừng cướp khách của tao. Em nghe thế bảo: Làm gì cũng được ông anh ạ, miễn là đừng có vào tù 30 năm nữa”.
Hoàng chuyên bán đồ trầm như vòng trầm hương, tượng trầm, đồ càng cũ anh thét giá càng cao: “Trầm hương mấy chục năm vẫn còn thơm thì đó mới đích thực là trầm các bác ạ”. Khách hàng của anh đa phần người lớn tuổi. Hoàng kể: “Mới rồi em đi đám ma ông khách quen. Ông mua rất nhiều trầm xưa. Vợ ông bảo: Lúc ông hấp hối còn bảo tôi lục sợi dây trầm chú bán cho, rồi ông cầm chặt lấy nó một lúc mới tắt thở”. Hoàng lại bảo: “Em nói với vợ bác ấy sợi dây trầm cũ đâu rồi? bà cụ nói: tôi đang đặt trên ban thờ, đợi ba năm nữa hết tang, tôi sẽ gọi bán lại cho chú, để chú bán cho người nào có duyên”.
Người ta có đồ cũ trong nhà vì nhiều lý do: hoặc là nghèo quá nên chẳng có tiền mua đồ mới, hoặc nhiều đồ mới quá mà quên mất đồ cũ, nhưng phần nhiều là vì quý vì tiếc, vì thương mà giữ lại lâu ngày thành đồ cũ. Một giáo sư văn học nổi tiếng với kho sách ngoại văn quý, sưu tầm hơn nửa thế kỷ, lái sách nhiều lần hỏi mua, giáo sư không bán. Giáo sư chia sẻ: “Khi nào tôi gần đất xa trời, sẽ báo tin cho anh em đồng nghiệp học trò, mỗi người tới chọn lấy vài ba cuốn đem về sử dụng. Tôi còn sống quyết không bán sách”.
Một người bán sách cũ kể: “Sinh thời, hầu như không ai có thể tới gần giá sách của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Tới khi cụ mất đi, con cháu không ai theo nghề, trên thị trường sách bắt đầu xuất hiện những cuốn sách cũ kỹ có chữ ký có ghi chú của Vương Hồng Sển”.
Hơn cả đam mê
Chị Vân, một người sống ở khu vực kênh Nhiêu Lộc kể: “Xưa khúc kênh này tệ nạn dữ lắm, trộm cướp, gái bán dâm, hút chích tối đến là lảng vảng thoắt ẩn thoắt hiện, công an tới truy bắt. Rồi cuộc sống dần đổi thay, chỗ này giờ thành chợ lạc xoong, ai có đồ cũ đem ra bán. Nào dép guốc, nồi niêu, đèn dầu, bếp than, nào xạc pin điện thoại, máy tính hư, đồng hồ không chạy nữa… Những anh thất nghiệp không có việc làm, người già cả mất sức lao động, rủ nhau thu gom đồ cũ trong ngõ thải ra, cũng là một nghề nuôi sống nhiều gia đình xóm tôi”.
Khu kênh đen ấy nay đã sạch mùi hôi thối. Bên cạnh những cửa hàng đồ cổ mỗi món hàng giá vài triệu đồng thì những hàng bán đồ cũ bày bán dưới gốc cây mỗi sợi dây chuyền giá bán chỉ bằng ly cà phê đen không đường và người ta mua cả đống kính cũ, giày cũ, đồng hồ điện tử, mũ… tổng cộng chỉ bằng một tô hủ tiếu.
Có người trang trí xe máy bằng đủ loại đồ không dùng được nữa như màn hình điện thoại hỏng, các loại sạc, các đĩa CD… nom như cửa hàng lạc xoong di động. Những tấm giấy dán tường cũ được thu gom bán cho quán cà phê trang trí độc lạ.
Dương, một tay chơi đồ cũ nói: “Em vừa mua được ở chợ lạc xoong cái vòng tay cũ, về vệ sinh lại thì hóa ra là vòng ngà voi ma mút hóa thạch, có người trả 1.500 USD em chưa bán. Lại kiếm được cái huy hiệu thời chiến, đem về vệ sinh hóa ra nó bằng vàng nguyên khối, cực kỳ giá trị”.
Khương, một người chuyên bán nhẫn nói: “Cũ người mới ta. Cả năm nay em không có hàng mới vì giá cao quá, không đủ tiền mua gom. Vốn liếng tụi em chỉ đủ kiếm cơm qua ngày”. Khương có một cái rương gỗ, treo đủ loại nhẫn, vòng, lục lạc… nhưng hết thảy chỗ ấy cũng chỉ bán được hơn vài triệu bạc...