Rước rể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi cô gái Êđê muốn lấy người con trai ưng ý làm chồng, bên nhà gái phải nhờ ông mai là em trai mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ am hiểu luật tục chuẩn bị sính lễ mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Sau thời gian 'gửi dâu' từ 2 đến 3 năm, nhà trai chấp thuận sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành rước rể.
Đoàn rước rể di chuyển về nhà gái

Đoàn rước rể di chuyển về nhà gái

Chinh phục chồng tương lai

Khi dã quỳ vàng rực trên những triền đồi, bên vệ đường, Tây Nguyên chớm mùa khô. Dưới cái nắng hanh quyện vào cái xiên xiết lạnh, người dân, du khách háo hức xem nghi thức đặc biệt trong lễ cưới của người Êđê: Rước rể.

Ngôi nhà sàn truyền thống ẩn mình giữa những hàng cây xanh ngắt trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk trở nên rộn ràng và náo nhiệt. Chị Nguyễn Thanh Huyền, du khách TP Đà Nẵng háo hức nói rằng, lần đầu cùng bạn lên du lịch Tây Nguyên theo kiểu “trái mùa” (không trùng mùa lễ hội), nhưng thật là cái duyên. Dịp này, lại được chứng kiến, được hòa mình vào nét văn hóa đặc sắc và độc đáo thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong hôn nhân của dân tộc Êđê ở mảnh đất đầy thương nhớ này.

Chất giọng trầm ấm của già Y Thăm Kbuôr (69 tuổi, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) như người dẫn chuyện. Cô gái Êđê khi bước vào tuổi cập kê, chủ động lựa chọn người chồng của mình. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.

Khi muốn lấy chàng trai mình thích, cô gái Ê đê phải nhờ đến ông mai là em trai của mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát. Sau đó chuẩn bị một ché rượu cần và một chiếc vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Đại diện hai bên gia đình gặp mặt, nói chuyện, chàng trai nhận lời ngỏ của nhà gái sẽ nhận chiếc vòng đồng làm vật đính hôn.

Nhà gái đến nhà trai thỏa thuận về tục gửi dâu ở nhà trai. Trong khoảng thời gian từ 2-3 năm, tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai bên để thử thách lòng chung thủy, nết na, chịu thương, chịu khó của người con gái.

Tại lễ gửi dâu, nhà trai có quyền yêu cầu các lễ vật bắt buộc nhà gái phải đáp ứng đủ để tỏ lòng biết ơn đối với công sức nuôi dưỡng chăm sóc của ba mẹ chàng trai đối với người chồng tương lai của cô gái.

Sau thời gian gửi dâu, nếu người con trai đổi ý, không muốn lấy cô gái thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối. Nhà trai chấp thuận cô gái, sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể.

Gia đình, họ hàng trao quà cho đôi vợ chồng trẻ

Gia đình, họ hàng trao quà cho đôi vợ chồng trẻ

Độc đáo nghi thức

Nơi vùng đất thấm đượm hơi thở của núi rừng, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những lễ hội đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã khiến trái tim du khách thổn thức. Nghi thức rước rể hòa vào cái nắng vàng hanh của mùa khô. Ngày nay, mặc dù thực hiện nếp sống văn minh, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn nhưng các nghi thức cưới hỏi vẫn được giữ gìn. Lễ cưới của người Êđê qua 4 bước, lễ hỏi chồng (Nao hul), lễ thỏa thuận (Knăm), lễ rước rể (Tuhan) và lễ lại mặt (Siê Knăm). Nghi thức rước rể hôm nay được bà con buôn Tơng Jú, xã Ea Kao thực hiện.

Nhà trai chuẩn bị một ché rượu, một con heo để tiễn con trai về nhà vợ. Nhà gái mang đầy đủ các lễ vật mà gia đình nhà trai yêu cầu trong lễ gửi dâu, gồm vòng đồng, một ché rượu cần, gói xôi, con gà trống để rước chàng rể về nhà.

Trên đường, đoàn rước rể bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại. Để vượt qua những chướng ngại cản trở đó, chú rể trao cho họ một chiếc vòng đồng. Chiếc vòng đồng được xem như là lời cam kết thủy chung của chàng trai đối với cô gái.

Già Y Thăm cho biết, người Êđê quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc hơn, làm ăn giàu sang hơn, sinh đẻ được nhiều con cái.

Đôi vợ chồng trẻ trong ngày vui

Đôi vợ chồng trẻ trong ngày vui

Khi đoàn rước rể về đến nhà gái, già làng thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu, bố, mẹ, các chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. Lúc này, ông cậu thay mặt nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa đủ, món nào còn thiếu thì nhà gái sẽ trả đáp ứng tiếp.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột chia sẻ, thông qua hoạt động trình diễn, Ban Tổ chức mong muốn thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp cận phong tục, tập quán truyền thống để khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo tồn các nghi thức cưới hỏi. Đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa mẫu hệ của người Êđê đến du khách.

Sau khi lắng nghe những lời căn dặn của già làng và đại diện hai họ, chú rể Y Quốc Niê, cô dâu H Rin Bkrông rạng ngời hạnh phúc trong trang phục truyền thống. Đôi bạn trẻ trao vòng đồng cho nhau và từ đây chính thức gọi nhau là vợ chồng. Theo quan niệm của người Êđê, nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ.

Giữa thanh âm rộn rã của cồng chiêng, cô dâu, chú rể cầm cần rượu cho nhau, cùng nhau ăn chung một miếng cơm, một miếng gan heo để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Gia đình họ hàng, bạn bè trao các món quà cưới cho cô dâu và chú rể. Cha mẹ chồng tặng quà cho con trai về nhà vợ một cái mền, 1 cái xà gạc, chén bát và tặng cho chị gái cô dâu 1 cái gùi, 1 bộ váy áo thổ cẩm.

Nghi lễ kết thúc trong sự chung vui bên những ché rượu cần của hai bên và bữa cơm đầu tiên cùng gia đình nhà gái của đôi vợ chồng mới cưới. Điều đặc biệt là đêm đầu tiên sau khi cưới, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau thức suốt đêm. “Người Êđê quan niệm, nếu đôi vợ chồng trẻ cùng nhau thức đến 4-5 giờ hôm sau thì cuộc hôn nhân của họ sẽ kéo dài đến già. Còn nếu đi ngủ trước 12 giờ đêm thì cuộc sống hôn nhân sẽ ngắn hơn so với mong đợi”, bà H’Yam Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) cho biết.

Nghi thức rước rể đã góp phần ca ngợi vẻ đẹp trong hôn nhân truyền thống của người Êđê. Qua đó, gây ấn tượng cho du khách đến với TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung biết đến nét văn hóa mẫu hệ của người Êđê.

Nghi thức này nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với TP Buôn Ma Thuột tổ chức.

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).