Rừng trắc quý từ ngàn xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng ngàn cây gỗ trắc được các cộng đồng bản địa ở Gia Lai gìn giữ bao năm nay trở thành báu vật của làng. Nguồn gien quý mang theo bao mong ước về những cánh rừng trắc ngày thêm tỏa bóng, trải dài trên vùng đất bazan nắng gió.

Gỗ trắc (nhóm I) luôn được dân sành chơi gỗ tìm kiếm nên tình trạng lâm tặc xâm nhập những cánh rừng có gỗ trắc để khai thác trái phép vẫn thường xảy ra nhiều năm trước. Đến cả cành, nhánh, rễ trắc cũng bị khai thác vô tội vạ, được bán theo cân. Do vậy, chúng đang được cơ quan chức năng xếp vào loài bị đe dọa. Vào rừng thời điểm này, tìm được một cây trắc quả thật khó. Vậy nhưng các cộng đồng làng ở Gia Lai vẫn có những quần thể trắc được bảo vệ kỹ càng. Đấy là giá trị tột quý trong việc lưu giữ nguồn gien.

Hồi sinh những rừng trắc

Nhắc đến quần thể cây trắc ở làng A Lao, xã Lơ Pang, H.Mang Yang (Gia Lai), nhiều người đều chỉ về nóc nhà của thôn trưởng Yoh. Mới 43 tuổi, anh đã làm được việc mà không phải ai cũng dám, cũng can đảm, bền gan để làm. Đó là gầy dựng vườn cây trắc từ khu đất của gia đình.

Anh Yoh nói: "Ông bà mình kể lại rằng rừng ở đây ngày xưa nhiều cây trắc lắm. Có rất nhiều cây lớn vài người ôm không xuể. Rồi vì nhiều nguyên nhân, rừng trắc cổ thụ cứ hao hụt dần. Cách đây hơn 15 năm, khi chỉ còn vài cây trắc lớn đến mùa cho quả rồi bật mầm trong rừng, nhiều người già đã mang cây non về trồng trong rẫy, trong vườn nhà. Rồi con cháu cũng làm theo. Giờ thì đã có hàng ngàn cây trắc đang phát triển xanh tốt, được bảo vệ kỹ càng. Ai cũng bảo giữ lại cho con cháu muôn đời".

Vườn trắc trồng gần 10 năm của gia đình anh Mưm ở xã Lơ Pang đã phủ bóng. Ảnh: Trần Hiếu

Vườn trắc trồng gần 10 năm của gia đình anh Mưm ở xã Lơ Pang đã phủ bóng. Ảnh: Trần Hiếu

Thứ gỗ trắc quý, chỉ cần một cây có lõi tốt được trồng tầm 15 năm là có thể đổi được một chiếc xe máy xịn hay giải quyết được nhiều việc trong nhà rồi. Do vậy, cơn sốt gỗ trắc chưa bao giờ hạ nhiệt. Anh Yoh chỉ tay sang quả đồi Tchre xanh tốt khoe: "Mình có 700 cây trắc ở đấy. Xa hơn chút nữa mình cũng có một khu trồng trắc nữa. Tổng cộng được hơn 3 ha. Hơn 3.000 cây trắc được trồng từ 7 - 8 năm nay đang phát triển tốt".

Thời bĩ cực của cây trắc bởi nạn phá rừng, bởi mưu sinh của người dân nay đã chấm dứt. Hàng ngàn cây trắc đang tỏa rễ hút nguồn dinh dưỡng từ vùng đất cao nguyên, vươn lên mạnh mẽ, bình yên giữa các cộng đồng làng. Chỉ riêng làng A Lao đã có 30 ha cây trắc, trở thành vùng có quần thể trắc lớn nhất Gia Lai.

Ngồi trên xe máy do Yoh chở chạy xuyên rừng, chúng tôi tận thấy cơ man nào là trắc, trải dài trên những triền đồi rộng lớn. Nhiều người trồng trắc, nhiều nhà trồng trắc trong ý thức bảo vệ, bảo tồn giống cây quý. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều cả héc ta. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Tất Đắc, Hạt phó phụ trách Hạt kiểm lâm H.Mang Yang, cho biết: "Trắc chủ yếu được trồng trên đất lâm nghiệp, trong vườn nhà dân. Việc trồng cây gỗ quý này giúp thuận lợi hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn nguồn gien quý".

Rừng cây, đời người !

Đốn một cây cổ thụ chỉ cần vài mươi phút nhưng trồng lên thành cây, thành rừng thì phải mất hàng chục năm, cả trăm năm. Câu chuyện trồng trắc cũng ngẫu nhiên đến với gia đình anh Mưm (44 tuổi, ở xã Lơ Pang, H.Mang Yang). Hơn chục năm trước, anh thấy người làng trồng trắc thì cũng trồng theo. Giờ thì vườn trắc của anh đã có 2.000 cây.

Cây trắc con mọc lên từ rễ của cây mẹ, có thể đem đi trồng mới. Ảnh: Trần Hiếu

Cây trắc con mọc lên từ rễ của cây mẹ, có thể đem đi trồng mới. Ảnh: Trần Hiếu

Nói về rừng trắc của nhà mình, anh Mưm tự hào: "Cây nhỏ thì cũng cao hơn 3 m, lớn nữa thì 6 - 7 m, to hơn bắp chân người lớn rồi. Có lẽ đất này hợp nên trắc lên nhanh lắm. Nhiều cây trong vườn mình nó mọc tự nhiên đó, không cần phải trồng. Cây trắc con mọc từ rễ và quả. Trắc mọc từ rễ thì nhanh lớn hơn. Rễ mọc dài đến đâu, cây con cứ nứt vỏ mọc lên theo đó. Cây con cứ mọc lên theo rễ, lan dần từ vườn này sang vườn khác, từ rẫy nhà này sang nhà khác. Theo thời gian, rừng trắc khép tán, phủ xanh cả một vùng rộng lớn".

Không hề ngoa ngôn khi nói những rừng trắc ở làng A Lao, xã Lơ Pang, H.Mang Yang hay làng Mor của xã Đăk Tơ Ve, H.Chư Pah (Gia Lai) là báu vật của cộng đồng. Ở đấy, hàng ngàn cây trắc lớn nhỏ đã được gìn giữ, nhân giống để có được các quần thể rừng trắc lớn ở Gia Lai. Và kể từ khi giống cây quý thuộc họ đậu được nhà thực vật học người Pháp Jean Baptiste Louis Pierre mô tả trong nghiên cứu của ông vào năm 1898 đến nay, nó đã trải qua hành trình dài bị khai thác vô tội vạ, trở thành thứ thương phẩm mang giá trị cực phẩm bởi chất gỗ cứng, vân đẹp và bền… Nay, cây quý đang được giữ gìn, hồi sinh.

Anh Thym, một người dân ở xã Đăk Tơ Ve, nói: "Thường thì cứ đến mùa mưa, chúng tôi rạch vài đường trên thân, rễ cây trắc. Đến mùa mưa năm sau cây lên mầm, chỉ cần ra khoét mầm đó mang về trồng. Hay đi nhặt hạt trắc rụng về rải trên đất khi mưa xuống để cây tự bật mầm. Đơn giản vậy nhưng cũng cần nhiều năm mới có các vườn trắc xanh tốt".

Cứ vậy, hàng chục ngàn cây trắc lớn dần, cho quả, cho cây con dần phủ bóng lên những vùng đất trống, đồi trọc.

Nhiều vườn trắc của người dân đã thành rừng trắc. Ảnh: Trần Hiếu

Nhiều vườn trắc của người dân đã thành rừng trắc. Ảnh: Trần Hiếu

Giữ gìn nguồn gien quý

Cùng với quần thể giáng hương cổ thụ còn sót lại ở vùng đông Gia Lai, quần thể gỗ trắc ở hai xã Lơ Pang và Đăk Tơ Ve là nơi còn giữ được nguồn gien quý giá. Có nghe những cư dân Ba Na ở đây chia sẻ mới thấu hiểu đam mê của họ đối với trắc, loài cây rừng lớn dần theo tháng năm như dõi theo bao đổi thay của thôn làng, phận người.

Anh A Mưng, một người dân xã Đăk Tơ Ve, kể: "Nhà mình cũng trồng trắc. Vườn trắc xa khu dân cư nên phải hay tạt qua xem, sợ kẻ xấu cắt trộm cây. Mình trồng không chỉ cho mình mà cho con cháu biết giống gỗ quý này. Ngày trước mình đã từng thấy cây trắc mấy người ôm không hết. Giờ không còn thì nhiều năm sau sẽ có".

Một số người dân đã tỉa bớt cây trắc trồng trên rẫy khi mật độ cây dày quá, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng. Từ vườn trắc trồng hơn 15 năm của mình, năm trước ông Biên ở xã Lơ Pang đã tỉa bán bớt một ít cây trắc khi có người tới hỏi mua về tạo cảnh quan sân vườn. Số tiền 70 triệu đồng từ tiền bán cây giúp gia đình ông mua thêm dụng cụ lao động, giải trí và sửa sang chút ít căn nhà của mình.

Ông Trần Minh Hoàng, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lơ Pang, cho biết: "Đối với làng A Lao, Hạt kiểm lâm H.Mang Yang cùng các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục bảo vệ những cánh rừng trắc và trồng mới. Chúng tôi cũng vận động người dân không bán cây trắc để di thực về nơi khác trồng. Dân làng này cũng đã thống nhất với nhau là sẽ không bán trắc và ký vào bản cam kết rồi".

Ngành chức năng của Gia Lai đã đến khảo sát và xây dựng những chương trình cụ thể nhằm bảo tồn nguồn gien quý này cũng như giữ gìn sinh cảnh để có hướng phát triển du lịch sinh thái. Hàng chục ngàn cây trắc như thế ở xã Đăk Tơ Ve, Lơ Pang đang xanh tốt, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các cộng đồng làng đang là xác tín thay cho đất trống, đồi trọc.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Pah, cho biết: "Việc trồng cây trắc và giữ gìn, bảo vệ loài cây này dần trở thành phong trào ở cộng đồng Ba Na của xã Đăk Tơ Ve. Mừng là diện tích, số lượng cây trắc tăng nhanh trong thời gian qua. Đó là cơ hội để phủ xanh thêm nhiều diện tích đất lâm nghiệp và giúp phát triển các loại hình du lịch để cải thiện cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân nơi đây".

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.