(GLO)- Dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, những cánh rừng tại khu vực đèo Tô Na, đoạn giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa vẫn đang bị xà xẻo để lấy gỗ sấy thuốc lá.
Xe độ chế dùng để chở củi tại chân đèo Tô Na. Ảnh: V.N |
Ông Tống Hoài Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ayun Pa cho biết: “Chỉ là đi lấy củi nhưng các đối tượng này hành động khá… chuyên nghiệp, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì đã có người theo dõi rồi báo tin cho các đối tượng ở trên rừng giấu gỗ đi nên rất khó xử lý triệt để. Bên cạnh đó, các lò sấy hầu hết đều sử dụng củi điều chất thành từng đống bên lò để “nghi binh”. Họ để củi điều đó thôi nhưng không dùng tới. Củi tự nhiên thì họ thông đồng với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phân tán ở dưới sàn hoặc cất giấu chỗ kín, khi không có lực lượng chức năng thì tranh thủ bốc củi bỏ vào trong lò đốt nên rất khó cho anh em khi kiểm tra”. |
Đến hẹn lại lên, khi những cánh đồng thuốc lá tại vùng Đông Nam tỉnh mọc lên cũng là khi các chủ lò sấy sốt sắng tích trữ chất đốt cho vụ sấy mới. Các chất đốt thường được sử dụng trong sấy thuốc lá là than, trấu, củi điều và củi tự nhiên. Trong đó, than có giá thành đắt nên ít được sử dụng, trấu chỉ sử dụng trong giai đoạn cuối khi yêu cầu lượng nhiệt nhỏ đủ để vàng lá thuốc, củi điều là nguồn nguyên liệu có giá thành rẻ hơn than nhưng cũng hữu hạn. Bởi vậy, củi tự nhiên-nguyên liệu truyền thống vẫn là lựa chọn số một. Điều này đồng nghĩa với việc những cánh rừng trong khu vực bị đe dọa nghiêm trọng. Để có củi sấy thuốc lá, các chủ lò sẵn sàng mua lại những cây gỗ tươi lớn bé đủ loại kích cỡ của người dân bản địa.
Đặc biệt, khu vực đèo Tô Na-ranh giới tự nhiên giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa là khu vực rừng “thuận lợi” để lấy gỗ tự nhiên sử dụng vào mục đích sấy thuốc lá vì vừa còn dồi dào nguồn “nguyên liệu”, vừa gần với khu dân cư. 2 xã hai bên đèo là Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) và xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) là những địa bàn có diện tích trồng thuốc lá lớn. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Ayun Pa và Krông Pa, tại mỗi xã đều có trên 100 lò sấy thuốc lá vẫn hoạt động theo mùa vụ. Mỗi lò đều sấy trung bình khoảng trên 10 tấn thuốc lá, đồng nghĩa với số lượng củi khổng lồ bị thiêu đốt. Theo ghi nhận của P.V, hiện tình trạng lấy củi tự nhiên để sấy thuốc lá tại khu vực này đã “nóng” trở lại. Chỉ riêng tại khu vực lưng chừng đèo về phía thị xã Ayun Pa, mỗi ngày có khoảng 4-5 xe máy độ chế do đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng lân cận mang theo cưa máy tiến vào rừng theo con đường mòn đã có sẵn.
Con đường mòn này thực chất dẫn đến đoạn đường đèo cũ đã bị bỏ hoang sau khi đoạn đèo hiện tại được xây dựng mới vào năm 2012. Sau khi giấu xe máy vào bụi rậm, những người này bắt đầu mang cưa tiến sâu vào rừng. Những thân gỗ được lựa chọn cưa thường có đường kính từ 20 cm đến 30 cm, cao 4-5 mét thuộc đủ các chủng loại gỗ dầu, bằng lăng, cà chít, căm xe… Sau khi bị đốn, cây gỗ được đẩy từ trên dốc cao xuống khu vực đường đèo cũ để tập kết. Khi đã tập kết đủ số lượng, họ bắt đầu dùng cưa cắt cây gỗ ra từng khúc dài từ 1,5 mét đến 2 mét để tiện cho việc vận chuyển. Sau đó phần lớn các cây gỗ đều được bóc vỏ vì vỏ cây sẽ tạo ra nhiều khói gây hại trong quá trình sấy thuốc lá. Dọc đoạn đường đèo cũ có rất nhiều khu vực tập kết với nhiều đống vỏ tươi và ngọn cây nhỏ bị để lại. Theo những người đi lấy củi, mỗi ngày họ có thể kiếm được khoảng 2-3 chuyến xe, mỗi chuyến bán cho các chủ lò sấy khoảng 200 ngàn đồng. Các xe chở củi sau đó ngược đi Krông Pa hoặc xuôi về Ayun Pa để “phân phối” cho các lò sấy thuốc lá.
Thân gỗ bị đốn hạ để làm củi. Ảnh: V.N |
Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã thường xuyên đi kiểm tra và yêu cầu các lò sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng củi tự nhiên. Cam kết đã ký, nhưng các chủ lò sấy vẫn “đi đêm” với những người dân đi lấy củi với cách thức “tinh vi” hơn. Cơ quan chức năng vẫn làm tích cực còn người dân vẫn bằng mọi cách vào rừng đốn củi. Làm sao để ngăn chặn triệt để tình trạng lấy củi trong rừng để sấy thuốc lá rõ ràng vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp tại khu vực Đông Nam.
Lê Văn Ngọc