Rưng rưng ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã quá nửa đêm, lòng vẫn vấn vương những câu thơ ngọt ngào của một người bạn viết trên trang Facebook cá nhân. Bài thơ sâu lắng, được viết nên từ những yêu thương, ngọt ngào mà vụng dại của ngày xưa cũ. Phải có một tình yêu đủ lớn nên khi xa nhau nó khiến con người ta tiếc nuối đậm sâu sau nhiều năm nghĩ ngợi. 
Đêm. Không gian như lắng lại, diết da bởi những giọt mưa đầu mùa. Dường như mưa khiến cho những người đang yêu, đã yêu, đã có tình yêu nhuốm thêm một nỗi xúc cảm mới. Từng hạt nước quệt xéo vào vách tường như những vệt sao chổi tí hon của đầu mùa giờ vo tròn lại bước đều đều trên mái tôn có thêm tiếng gió cất lên từng hồi. Kéo thêm chăn đắp kín bờ vai mỏng, tôi khẽ cựa mình khép mi nhưng tiếng mưa cứ tí tách tí tách như thấm ướt vào ký ức. Bao nhiêu cảm xúc với những mùa mưa ùa về. Mưa khiến con người ta suy nghĩ nhiều hơn về mọi thứ. Người đầy đủ thấy mình may mắn vì có căn nhà ấm, đóng kín cửa thì tiếng mưa như nhỏ hơn. Người khó hơn thì trông mưa mau ngớt để kiếm thêm ngày công, mưa hắt vào chiếc áo mưa mỏng, chiếc áo sờn bên trong không đủ che tấm thân mòn. Mưa dội vào kẽ ván của những ngôi nhà sàn, hắt vào tận chỗ gian bếp nấu để vê tròn những hạt bụi tro. 
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Mưa Tây Nguyên đem đến cho mỗi người một cảm giác khác nhau, một suy tưởng khác nhau; đôi khi là nỗi ưu tư, lo toan đong đầy nơi khóe mắt. Với những ai lần đầu đến, mưa lê thê khiến nỗi nhớ cố hương như cắt cứa vào tâm can. Nhưng với những cư dân ở đây thì dần quen, chung sống và yêu nó một cách đặc biệt theo cách của mình. Tôi đã sống ở nơi này hai mươi mùa mưa, cũng có năm đủ đầy, năm thiếu thốn, có khi tràn ngập tình yêu đến độ phơi phới lạ lùng của tuổi trẻ bồng bột, đội chung áo mưa từ cổng trường rồi sau đó hai đứa cười mặt lấm lem nước. Cũng có hôm mưa giận hờn nhau, bữa đợi một tin nhắn yêu thương ngốc xít cả một ngày dài để rồi lặng lẽ nhủ mình có lẽ đã lạc thầm vào cõi tim của ai đó. Mùa mưa năm đó, sau một cơn đau tim, ba tôi đã vĩnh viễn ra đi vào ngày bão lớn. Với người đàn bà trải qua nửa đời người, có lẽ không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất đi người đàn ông lớn nhất của cuộc đời mình. Một khoảng trống không bao giờ được lấp đầy lần nữa khiến mùa mưa năm ấy cứ mãi day dứt, giá buốt vì những điều hiếu nghĩa chưa được vẹn toàn. 
Cơn mưa nào rồi cũng dứt, mùa mưa nào rồi cũng qua. Đời người, tình yêu cũng có lúc trầm lúc thăng như quy luật ngàn năm của vạn vật. Đã từng có lúc, tình yêu đó với mình là tất cả, ấy vậy mà mưa nhiều, nó dường như pha loãng đi, thời gian xóa nhòa, để ngày đó của những năm sau ta lớn dần lên, khi gặp lại nhau, ánh mắt ấy vẫn thoáng chút bồi hồi tiếc nuối. Ngồi xoay xoay cốc cà phê nóng ấm trong tay, nhìn qua ô kính cửa sổ trên tầng cao lại thấy thương hơn những cánh hoa muồng vàng bị bết cánh rớt xuống đường. Ngồi nghe mưa, lại thấy tim rưng rưng nỗi niềm ngày cũ… 
 TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...