Cao nguyên mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi về quê trong một ngày những cơn mưa của mùa mới vừa chạm đất cao nguyên. Gió xuyên qua những tàng cao su hai bên đường nghe ầm ào. Mưa tưới mát vùng đất đỏ sau những ngày nắng khô khốc, mưa dịu tâm hồn tôi, dẫn lối ký ức ngược về vùng trời kỷ niệm.
Ngày tôi còn nhỏ, con đường dẫn vào nhà mùa mưa đi lại còn khó khăn, những nơi mặt đường trũng xuống chứa dòng nước sóng sánh màu đất đỏ. Một chiếc xe chạy ngang, sình lầy văng tung tóe. Bây giờ, đường nhựa đã vào tận nhà, phẳng lỳ, thẳng tắp. Mùa mưa xuống, cây cối như được hồi sinh sau mùa nắng gay gắt xứ núi đồi. Những đám cỏ héo khô, vàng rạp xuống mặt đất mùa nắng được thay bằng sắc xanh đầy sức sống khi mưa về. Những vườn cà phê, vườn điều như bừng tỉnh, lá xanh hơn, mướt mắt. Bên khoảng sân trước nhà rông, lũ trẻ vui vẻ chơi đùa, đôi mắt tròn trong veo. Tôi rẽ vào con đường mòn nhỏ dẫn vào nhà. Mưa không thôi rả rích. Dòng suối cạnh nhà được dịp đỏ lừ. Đám mì nhà hàng xóm xanh um, từng thân cây vươn mình đón dòng nước mát. 
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Căn nhà gỗ bình yên đón bước chân tôi về với vòng tay thương mến của ba mẹ. Vùng đất đỏ đêm mưa rỉ rả, mẹ nhóm bếp lửa thơm hương củi điều, ba châm ấm trà, tôi đem ra ít bánh kẹo mua từ phố rồi cả nhà cùng ngồi bên nhau. Nơi bếp lửa tí tách đêm đại ngàn, tôi nghe ba rủ rỉ kể chuyện nhà. Lại thấy thương hơn những khuya sớm khi ba mẹ bên vườn cao su cặm cụi cạo mủ. Lại thấy thương hơn những ngày nắng hạn, mẹ loay hoay kéo ống cho ba tưới cà phê trên những triền đồi. Mẹ xoa đầu con gái bảo tôi phải thường xuyên về thăm nhà hơn nữa. Tôi nghe trong làn tóc đã lấm tấm màu mây trời hương nắng cao nguyên nồng nàn, oi ả. Nhìn những nốt chai sần trên tay ba dày lên theo năm tháng, lòng chợt dâng nỗi nghẹn ngào.
Sáng sớm, tôi ra vườn, hít vào thật sâu lồng ngực không khí trong lành và thoáng đãng. Bầu trời như cao hơn và xanh trong hơn. Gió cũng mang trong mình hơi mát không còn oi ả như mùa hạn. Tiếng lũ chim sâu chuyền cành trên mấy nhánh cà phê. Một con sóc nhanh chân phóng lên ngọn cây khi nghe bước chân tôi vừa đi đến. Tôi bước chân ra vườn cao su sau nhà. Trận mưa đêm qua để lại hàng ngàn giọt nước li ti vươn trên những cành lá. Đất dưới chân tôi mát lành, tôi đang đi tìm một thức quà quý mà mùa mưa mang đến. Tôi lật giở nhẹ những lớp lá rụng, từ tốn và cẩn thận. Rồi tôi à lên tiếng, chúng kia rồi! Những cây nấm mối nhỏ xinh, vừa búp. Chúng mọc thành cụm, san sát nhau. Tôi tỉ mẩn nhổ từng cây, mân mê thức quà ngon đã thành ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Mẹ nhẹ nhàng rửa sạch rồi xào nhanh với lửa lớn. Những cây nấm non mềm, hương thơm hấp dẫn, vị ngọt tự nhiên đến nao lòng.
Cơm sáng xong, tôi cùng ba mẹ lên rẫy. Con đường đất đỏ lên đồi có đoạn đất dẻo quánh, dính chặt vào đôi dép. Xa xa dưới kia, tôi nghe tiếng chảy mạnh mẽ của dòng suối. Mùa này, suối nước nhiều hơn, dòng chảy cũng mạnh hơn len lỏi qua chân đồi. Ba mẹ đợi có mưa xuống cho đất mềm ra mới trỉa bắp. Ba đào lỗ, mẹ và tôi bỏ hạt vào. Ba không cần căng thước mà từng nhát cuốc cứ thẳng đều tăm tắp. Lâu  lâu, một ngọn gió cao nguyên phóng khoáng lại lùa qua mát rượi. Ở phía lưng đồi, cây kơ nia tỏa bóng mát rượi.
Chiều về cùng cơn mưa. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, hân hoan chuyện trò. Vậy là một mùa mưa nữa đã về, để thương, để nhớ trong tôi...
 PHONG DƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.