Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Khi chúng tôi ngồi bù khú với nhau, anh Hoàng Thu thường ngâm nga một khúc trong trường ca của mình: “Krông Ana không đổi dòng” và hát nghêu ngao bài “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng một cách đầy xúc cảm. Tôi biết, anh có nhiều kỷ niệm đẹp với Hà Nội, nơi anh từng gắn bó khi là học viên khóa I của Trường Viết văn Nguyễn Du (1979-1982).

Tôi nhớ, ngày đầu gặp anh Hoàng Thu ở Pleiku. Anh Vũ Trọng Kim bấy giờ là Bí thư Tỉnh Đoàn giới thiệu anh Hoàng Thu với tôi tại nhà riêng ông Sô Lây Tăng, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đêm ấy, chúng tôi uống hơi nhiều, ai cũng ngà ngà. Tôi với anh Hoàng Thu tranh cãi rất hăng về một vấn đề gì đó, ông Sô Lây Tăng phải đứng ra can.

Sau này, tôi và anh thường lang thang khắp vùng Bắc Tây Nguyên, lặn lội vào các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhớ một lần, chúng tôi ở làng của đồng bào Rơ Măm ở Sa Thầy (Kon Tum) đến mấy ngày. Hôm ấy, dân làng săn được con nai, mọi người vui như Tết, nhà nào cũng được chia thịt rừng, cải thiện bữa ăn. Chúng tôi là khách, được già làng chia phần như các thành viên khác của làng và ưu tiên 2 cái chân nai. Người ta nói chân nai rất bổ, nếu hầm với đỗ xanh, đỗ đen đem cho phụ nữ vừa sinh ăn để lấy sữa cho con bú thì rất tốt.

Nghe vậy, chúng tôi đem chân nai phơi khô, gói lại để dành đem về nhà. Chuyến công tác ấy, khi về đến thị xã Kon Tum thì tôi bị trận sốt rét quật ngã. Anh Hoàng Thu đến thăm và không quên đem cái chân nai còn gói trong bọc (phần của anh) tặng lại cho tôi, còn dặn người thân của tôi: “Đem hầm với đỗ xanh để chú Vinh ăn cho mau khỏe!”.

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu lúc trẻ (nguồn: Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu lúc trẻ (nguồn: Hội Nhà văn Việt Nam).

Khi tôi còn công tác ở Kon Tum thì anh Hoàng Thu ở Đắk Lắk. Anh em thường xuyên gặp nhau trong những chuyến đi cơ sở dài ngày, có lúc anh tá túc ở khu tập thể Báo Kon Tum cùng với tôi. Hiểu rõ hoàn cảnh của anh, tôi có giới thiệu một người bạn nữ ở Kon Tum. Ban đầu, anh cũng mến mộ người phụ nữ xinh xắn và có điều kiện này.

Nhưng sau đó, anh có tâm sự với tôi rằng, anh đã có người thương ở Đắk Lắk, cũng cùng nghề nghiệp, khá “môn đăng hộ đối”. Nếu anh lấy người phụ nữ ở Kon Tum thì e rằng thiên hạ sẽ chê cười, vì cô ấy có nhà cửa đàng hoàng và của ăn của để, còn anh thì thuộc hạng “lang bạt kỳ hồ”, một nhà báo nghèo thì làm sao “đôi lứa xứng đôi”.

Sau đó không lâu, tôi được tin anh đã kết hôn với cô Hoàng Thiên Nga (bấy giờ làm phóng viên Báo Tiền Phong, thường trú ở Đắk Lắk). Tôi rất mừng vì anh đã có tổ ấm gia đình. Khi tôi chuyển về Báo Gia Lai, vợ chồng anh đi công tác thường ghé lại thăm tôi.

Khi anh Hoàng Thu nghỉ hưu (năm 2008), tôi làm biên tập cho ấn phẩm Nguyệt san Gia Lai và Gia Lai Cuối tuần. Tôi thường mời anh cộng tác với Báo. Anh đã nhiệt tình tham gia với nhiều tác phẩm bút ký, ký sự có chất lượng về mảnh đất Tây Nguyên thân yêu. Anh có vốn sống rất dày và phong phú về vùng đất đa sắc tộc của cao nguyên bazan, nơi anh từng gắn bó, có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời.

Bìa 2 trong số các tác phẩm của Nhà báo-Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu. Ảnh: B.Q.V

Bìa 2 trong số các tác phẩm của Nhà báo-Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu. Ảnh: B.Q.V

Sự nghiệp văn chương của anh Nguyễn Hoàng Thu, có lẽ giới văn nghệ ở miền Nam cũng như miền Bắc (trước năm 1975) được biết đến tác phẩm đầu tiên “Người bắt ruồi” đăng trên báo Đối Diện (năm 1971). Sau đó, tác phẩm này được Báo Văn nghệ đăng lại năm 1972.

Sau ngày thống nhất đất nước, anh được Hội Nhà văn Việt Nam chú ý, tạo điều kiện đào tạo để anh tiếp tục thỏa niềm đam mê. Sau khi trình làng trường ca “Krông Ana không đổi dòng” năm 2000, anh tiếp tục xuất bản bộ ba tiểu thuyết: “Con đường đêm” (năm 2002), “Đi qua bóng tối” (năm 2005) và “Nỗi buồn đi qua” (năm 2008). Những trang văn là trang đời của anh và anh đã đứng lên bằng chính đôi chân và trái tim yêu thương của mình.

Những năm cuối đời, anh Hoàng Thu được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Tây Nguyên. Những năm gần đây, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng anh vẫn lặn lội sang Gia Lai thăm anh em.

Nghe tin anh Nguyễn Hoàng Thu đột ngột qua đời ngày 29-4-2024 tại TP. Buôn Ma Thuột, anh chị em giới báo chí và văn nghệ Tây Nguyên rất ngỡ ngàng và thương tiếc. Nếu tính tuổi khai sinh (năm 1945) thì năm nay anh hưởng thọ 80 tuổi. Anh em và bạn bè thân thuộc cầu cho hương linh anh sớm về với thế giới người hiền!

Có thể bạn quan tâm

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.