Gương mặt thơ: Phạm Nguyễn Toan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đang có một thế hệ các nhà báo trẻ, năng động, là tổng biên tập các tờ báo của một số hội đoàn, hiệp hội tự chủ kinh phí, làm báo giỏi mà lại cũng thơ hay.

Bây giờ, làm báo nuôi đủ quân mà vẫn thảnh thơi làm thơ là rất khó, thế mà họ làm được. Thi sĩ Phạm Nguyễn Toan là người như thế. Anh là Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản, tờ tạp chí rất khô nhưng có nhiều mục rất mềm và bản thân anh thì làm thơ rất mượt. Làm thơ từ thời sinh viên nhưng anh mới in tập thơ đầu tiên vào năm 2018.

Thơ anh cứ bình dị thế này: “Con mèo vàng chiều nay cũng như con/Ngồi thờ thẫn góc cầu ao nhớ mẹ/Đám mùi già xin đừng thơm quá thể/Tất niên này ai nấu nước nữa đâu...”. Bình dị là thế nhưng lại cứa vào ta những nỗi niềm, những bộn bề thương nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ và những góc ký ức. Thơ anh lành, thường man mác ký ức, thao thức đồng quê, bịn rịn những chuyến đi, háo hức nơi sắp tới và ẩn sâu trong ấy là tình yêu, cái tình yêu bình dị, tình yêu da diết đằm sâu của hồn Việt, của những dư lắng ngàn năm đọng lại: “Như chúng bạn bao tháng ba ngày tám/Con lớn lên trong tiếng mẹ thở dài/Hoa gạo rụng xuống làng như cời lửa/Đỏ làm gì cho áo mẹ thêm phai”, rồi tự vấn: “Rồi con cũng lại giống như bè bạn/Bỏ làng đi quên thương khó một thời/Để chiều nay rượu buồn nơi phố thị/Bỗng thèm mùi khói bếp quá mẹ ơi!”.

Thơ anh dung dị và lành như một cách để cân bằng với cái sắc sảo nghề báo. Và, phải yêu thơ đến như thế nào mới làm được điều ấy.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



HÁT RU CON GÁI



À ơi… con gái của cha

Ngủ đi hỡi đóa tiên nga giáng trần

Cha đi đón những thiên thần

Về ru con giấc mơ xuân ngọt ngào.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Rồi cha đón bạn ca dao

Về ru con giấc chiêm bao đêm hè

Đón cả cái ngủ cái nghê

Chú Cuội cô Tấm cùng về Trung thu

Nhớ rồi, cha cũng đã lo

Mời ông cổ tích khi mùa đông sang…



À ơi… cái bống cái bang

Ngủ đi cái bạc cái vàng của cha

Mỗi lần nhìn hạt mưa sa

Lòng cha quặn nhớ lời bà năm xưa

“Cái cò đi đón cơn mưa…”

Cha đi đón những sớm trưa đồng lần

Mong con sau lấy chồng gần

Chẳng vì canh cải canh cần gì đâu

Chỉ thương nhỡ chẳng có cầu

Con cha phận gái sông sâu đò đầy…



À ơi… gió trở ngoài cây

Ngủ đi, kiếp trước kiếp này của cha…



XUYẾN CHI



Lòng hoang hoải anh tìm về nơi ấy

Ngoại thành xưa gọi nhớ một mối tình

Vẫn nguyên vẹn cả triền đê ký ức

Và bồi hồi kỷ niệm chẳng thanh minh…

Minh họa: H. T

Minh họa: H. T

Em còn nhớ nơi chúng mình hò hẹn

Hoa xuyến chi mê mải trắng nao lòng

Tiếng tàu chạy dập dồn trống ngực

Vô duyên là chú cá quẫy trên sông.



Sao thuở ấy chúng mình trong sáng thế

Chỉ cầm tay là run rẩy suốt tuần

Chỉ một cái hôn hờ lên mái tóc

Là tâm hồn vỗ cánh tận không trung.



Chiều nay anh một mình bên bến cũ

Nắng hanh hao bỏng rát nỗi xuân thì

Trong day dứt kẻ vô tình thi sĩ

Anh kể cho mình truyền thuyết xuyến chi.



BÊN CẦU AO NHỚ MẸ



Con trở về ném những vệt thia lia

Xuống cầu ao nơi mẹ ngồi giặt áo

Nơi ngày thơ con thường vừa vo gạo

Vừa nghêu ngao bài hát ăn mày...

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Vắng mẹ rồi mới hiểu nỗi đắng cay

Hiểu lối người xưa ca dao tục ngữ

Mồ côi mẹ ra đường liếm lá...

Con ngồi đây kệ tôm tép ngó nhìn.



Con nhận ra mình bạc tóc chẳng khôn

Nên chưa biết một ngày thương mẹ

Như cây bưởi góc vườn mẹ chăm như thế

Tết đến nơi mà quả chửa ngả màu.



Đời mẹ nghèo tiết kiệm cả ốm đau

Đi cũng vội không một lời từ biệt

Để chiều nay con ngồi đây mà tiếc

Những buổi trốn trưa mẹ chẳng đánh đòn.



Con mèo vàng chiều nay cũng như con

Ngồi thờ thẫn góc cầu ao nhớ mẹ

Đám mùi già xin đừng thơm quá thể

Tất niên này ai nấu nước nữa đâu...

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.