Rộn ràng nhịp chiêng tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi đã không ít lần được nghe kể về chiêng tre (ching kram). Tuy nhiên, khi chứng kiến các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) tấu lên những nhịp điệu rộn ràng, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra âm thanh của chúng vừa mộc mạc, gần gũi nhưng không kém phần độc đáo.

Trên khoảng sân rộng rãi của nhà ông Khiêm (làng Ktu), gần 20 người đàn ông ngồi quây quần, nói chuyện vui vẻ. Họ đang chuẩn bị cho buổi tập luyện diễn tấu chiêng tre để đại diện cho huyện Đak Đoa tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ 2-2023.

Đội chiêng tre xã Glar tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ 2-2023.

Đội chiêng tre xã Glar tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ 2-2023.

Trên nền sân là những ống tre có kích thước khác nhau. Ống dài nhất khoảng 1,3 m, ống ngắn nhất chỉ khoảng 30 cm. Thoạt nhìn tưởng như chúng là những phím riêng rẽ của một chiếc đàn t'rưng cỡ lớn. Ông Anênh ngồi giữa, lần lượt cầm từng ống tre lên gõ gõ thẩm định lại âm thanh. Ống nào lạc âm, ông dùng dao vạt nhẹ một đường trên thân hoặc chỉnh lại độ nhọn ở đầu ống. Chỉ cần một đường gọt mỏng, âm thanh của chiêng tre mỗi lần gõ lại cho ra âm vực khác nhau. Ống tre to và dài sẽ cho âm trầm, vang; ống nhỏ hơn thì tiếng thanh, trong và cao hơn. Độ khô của tre cũng ảnh hưởng không nhỏ đến âm thanh của chiêng.

“Đây là cách chỉnh chiêng tre. Người chỉnh phải có đôi tai thẩm âm tốt và đôi tay thật khỏe, thật khéo để gọt sao cho chính xác, cho ra âm thanh đúng và hay nhất”-ông Anênh nói.

Ông Anênh chỉnh âm cho chiêng tre. Ảnh: Phương Linh

Ông Anênh chỉnh âm cho chiêng tre. Ảnh: Phương Linh

Không chỉ ông Anênh, tất cả những người đàn ông có mặt đều có thể chỉnh chiêng tre cũng như cùng nhau diễn tấu bộ chiêng độc đáo này. Ông Khiêm cho hay: “Ngày xưa, sau một ngày lao động trên nương rẫy, chiều về, bà con thường tổ chức thi đánh cồng chiêng. Nhưng vì chiêng đồng có hạn, nhà giàu mới có hoặc mỗi làng chỉ có một bộ nên bà con đã nghĩ ra cách làm chiêng tre để mọi người được chơi nhiều hơn. So với chiêng đồng thì chiêng tre dễ làm, âm thanh cũng khá tương đồng nếu biết cách chỉnh âm chuẩn xác”.

Cùng tham gia tập luyện với đội có Nghệ nhân Ưu tú Alip (làng Groi). Ông tâm sự: “Tôi vừa đi Hà Đông để lấy tre về làm chiêng. Dù mọi người đã có một bộ để tập luyện rồi nhưng cũng phải làm thêm một bộ nữa phòng khi có chiếc nào bị hỏng. Tre để làm chiêng phải là chọn những cây thật già, thẳng. Để làm 1 bộ chiêng gần 20 chiếc thì cần khoảng 7-8 cây tre thật to”.

Sau khi những chiếc chiêng tre được chỉnh âm, mọi người cùng nhau tập luyện. Cũng như trình diễn chiêng đồng, những người đàn ông xếp thành hàng dọc, một tay cầm ống tre thẳng đứng, quay phần vót nhọn lên trên, vừa đi vừa gõ vào ống tre, cùng tấu bài chiêng “Mừng lúa mới”. Trong nhịp trống dẫn đầu, âm thanh phát ra từ các ống tre tạo thành một điệu chiêng hài hòa, rộn ràng, vang xa không kém chiêng đồng. Đội xoang nữ song hành cũng duyên dáng, nhịp nhàng trong từng điệu múa.

Tùy vào độ dài-ngắn, to-nhỏ mà mỗi chiếc chiêng tre cho âm thanh khác nhau. Ảnh: Phương Linh

Tùy vào độ dài-ngắn, to-nhỏ mà mỗi chiếc chiêng tre cho âm thanh khác nhau. Ảnh: Phương Linh

Chị Hồ Thị Duyên-cán bộ Văn hóa xã Glar-cho hay: “Chiêng tre là một nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Bahnar ở địa phương. Trước đây, khi chiêng đồng được coi như tài sản, mọi người cất giữ trong nhà, ít sử dụng thì chiêng tre khá phổ biến, vừa dễ làm, lại gần gũi, bình dị, ai cũng có thể tiếp cận. Tuy nhiên theo thời gian, cùng với sự ra đời của các phương tiện giải trí hiện đại, chiêng tre dần bị quên lãng. Rất may trên địa bàn vẫn còn các nghệ nhân còn lưu giữ kỹ thuật chế tác cũng như cách chơi bộ chiêng này”.

Tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ 2 năm nay, huyện Đak Đoa quyết định chọn đội chiêng của xã Glar để trình diễn thay vì đội chiêng truyền thống. Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-lý giải: Chiêng tre là nét riêng khá độc đáo của người Bahnar ở xã Glar. Vì thế, đây sẽ là “đặc sản” mà huyện Đak Đoa đem đến tại ngày hội với mong muốn quảng bá, giới thiệu cũng như đem lại sức sống mới cho nét văn hóa đặc sắc này”.

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.