Quốc hội bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 44 chức danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả sẽ được công bố ngay tại kỳ họp theo quy định tại Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. (Ảnh: DUY LINH)

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 25/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục quy trình lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu do Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải làm trưởng ban.

Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Các mức độ đánh giá bao gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh: DUY LINH)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh: DUY LINH)

Đầu giờ chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. (Ảnh: DUY LINH)

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. (Ảnh: DUY LINH)

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội, quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước

Theo quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Vì vậy, tại kỳ họp lần này, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự mới được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Việc lấy phiếu tín nhiệm, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là công việc rất hệ trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Từ đó, giúp những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.

Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đồng thời đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo quy định tại Nghị quyết số 96, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức. Nếu không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ tiến hành miễn nhiệm.

Đây là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; các lần trước đó vào các năm 2013, 2014 và 2018.

Danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

4. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

7. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

8. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

9. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

10. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà

11. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm

12. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

13. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

14. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

15. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

16. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

17. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

18. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

20. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

21. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

22. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

23. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

24. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

25. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang

26. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

27. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

28. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

29. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

30. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

31. Bộ trưởng Công an Tô Lâm

32. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

33. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

34. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

35. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

36. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

37. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

38. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

39. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

40. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

41. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

42. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

43. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

44. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Gia Lai Nay Hứ tận tâm với công tác Hội, gắn kết đồng đội

(GLO)- Gần 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, ông Nay Hứ luôn gương mẫu, tận tụy và nhiệt tình trong công việc. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, nghĩa tình trong các phong trào, hoạt động công tác Hội.

Xây dựng Gia Lai ngày càng văn minh, giàu bản sắc

Xây dựng Gia Lai ngày càng văn minh, giàu bản sắc

(GLO)- L.T.S: 50 năm không phải là thời gian dài trong lịch sử dân tộc nhưng là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quá khứ luôn được trân trọng

Quá khứ luôn được trân trọng

(GLO)- Đó là cảm xúc của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó (làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) khi gặp lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong những ngày tháng 3 lịch sử tại Thủ đô Hà Nội và TP. Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp (phải) chúc mừng linh mục Nguyễn Quang Vinh trong chuyến thăm Lễ Giáng sinh năm 2024 tại Giáo xứ Đức An, TP.Pleiku. Ảnh Thanh Nhật

Gia Lai: Tôn giáo luôn đồng hành cùng sự phát triển tỉnh nhà

(GLO)- Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn được duy trì; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân luôn được tôn trọng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chính sách và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ayun Pa: Hành trình 18 năm xây dựng và phát triển

Ayun Pa: Hành trình 18 năm xây dựng và phát triển

(GLO)- Sau 18 năm xây dựng và phát triển, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh cũng như phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc để vươn mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn (giữa) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tập thể Ban Biên tập Báo Gia Lai mới. Ảnh: Đ.T

Công bố quyết định hợp nhất Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thành Báo Gia Lai

(GLO)- Sáng 29-4, tại Trụ sở Báo Gia Lai (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức và cán bộ. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.