Quảng bá thông tin xúc tiến đầu tư trên nền tảng webGIS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, trực quan về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, hệ thống thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư đặc thù trên nền tảng webGIS (bản đồ số) được xây dựng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh Gia Lai.

Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh-cho biết: Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư như tổ chức và tham gia khá nhiều các hội nghị, hội thảo, các buổi gặp gỡ, tọa đàm với các nhà đầu tư trong và ngoài nước... Qua đó, các tiềm năng, thế mạnh cũng như những chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh được giới thiệu, quảng bá thông qua các hình thức như phát các clip trực tiếp và tặng các usb, sổ tay xúc tiến đầu tư ngay tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm...

Những hình thức quảng bá này đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng không linh hoạt, không tức thời và thiếu sinh động.

Hệ thống thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, trực quan bằng phương pháp thể hiện các lớp dữ liệu và thuộc tính bản đồ tương tác, biểu đồ theo thời gian. Ảnh: H.D

Hệ thống thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, trực quan bằng phương pháp thể hiện các lớp dữ liệu và thuộc tính bản đồ tương tác, biểu đồ theo thời gian. Ảnh: H.D

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, website của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đăng tải tất cả thông tin cần thiết liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư, danh mục kêu gọi đầu tư qua các giai đoạn, chính sách ưu đãi đầu tư, thông tin những hoạt động liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, giao diện chưa phong phú, bắt mắt với người muốn truy cập, tìm kiếm thông tin; chủ yếu dừng ở mức liệt kê, thông báo, thiếu hình ảnh minh họa và cũng chưa thể hiện được những thông tin liên quan đến thu hút đầu tư một cách cụ thể, chi tiết.

Từ thực tế đó, tỉnh đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác xúc tiến đầu tư đặc thù và khai thác hiệu quả cho các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Gia Lai” với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu (webGIS), còn gọi là hệ thống tích hợp thông tin đáp ứng nhu cầu tra cứu, truy xuất tất cả thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện tự nhiên, xu thế, định hướng quy hoạch nhằm phát triển công tác xúc tiến đầu tư tại tỉnh. Đề tài do Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) chủ trì, Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân làm chủ nhiệm.

Tại buổi nghiệm thu đề tài, Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân cho biết: “WebGIS là xu hướng phổ biến thông tin mạnh mẽ trên internet không chỉ dưới góc độ thông tin thuộc tính thuần túy mà còn kết hợp được với thông tin không gian hữu ích cho người sử dụng. Tiếp cận công nghệ webGIS phù hợp là yếu tố quan trọng để xây dựng một webGIS hoàn chỉnh và có khả năng đáp ứng sự phát triển trong tương lai”.

Theo đó, hệ thống webGIS phục vụ công tác xúc tiến đầu tư có 4 chức năng: phân quyền truy cập; hiển thị dữ liệu; tương tác và phân tích truy vấn dữ liệu. Trong đó, chức năng phân quyền truy cập sẽ quản lý người dùng, phân quyền người dùng và phân quyền người quản trị. Ở chức năng hiển thị dữ liệu, trang chủ sẽ hiển thị giới thiệu chung, tin tức, danh sách các bản đồ (gồm bản đồ thổ nhưỡng, địa hình, sông ngòi; địa chất, khoáng sản; bản đồ xói mòn; trạm quan trắc, chất lượng nước; các dự án đầu tư; bản đồ hành chính-vị trí UBND; mạng lưới giao thông; thủy điện; rừng và khu bảo tồn; dân số; nhiệt độ; lượng mưa; đất đai).

Đặc biệt, với chức năng tương tác, người truy cập có thể liên hệ, khai thác, hỏi đáp, hiển thị các lớp bản đồ và thông tin thuộc tính theo tùy chọn người dùng, thay đổi tỷ lệ bản đồ bằng chức năng zoom về đối tượng trên bản đồ. Chức năng phân tích truy vấn dữ liệu sẽ giúp thực hiện việc tìm kiếm các dữ liệu theo yêu cầu.

“Tại webGIS này, nhà quản lý có nhiệm vụ cập nhật dữ liệu trên hệ thống, duy trì những phản hồi và quản lý tin tức. Mỗi phản hồi của người sử dụng sẽ được kiểm duyệt lại bởi nhà quản lý. Người này sẽ kiểm tra thông tin, sự phù hợp và liên lạc với tác giả của phản hồi nếu cần thiết. Phản hồi sẽ được chấp nhận và giữ lại nếu hữu ích, trái lại nó sẽ bị loại bỏ để giữ cho dữ liệu sạch, tránh tình trạng dữ liệu bị rối loạn”-Tiến sĩ Vân thông tin thêm.

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-nhận định: “Hệ thống này đã đáp ứng các yêu cầu là xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, trực quan về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, cảnh quan và thổ nhưỡng tại tỉnh Gia Lai. Hệ thống đã được nghiệm thu và sẽ đưa vào sử dụng vào khoảng đầu tháng 8-2023. Trong quá trình sử dụng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, biên tập, chuẩn hóa dữ liệu để hệ thống được vận hành đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư”.

Có thể bạn quan tâm