Quảng bá nông sản qua đường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi mặt hàng nông sản đều mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, thổ nhưỡng đến không gian sản xuất. Đó cũng là câu chuyện khiến du khách muốn mua sản vật về làm quà khi đến hàng thông trăm tuổi (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).

quang-ba-nong-san-qua-duong-du-lich-bg.jpg
Điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh ở hàng thông trăm tuổi (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Minh Châu

Chị Đoàn Thị Thúy-Chủ quán cà phê “Hàng thông trăm tuổi”-chia sẻ: Hai năm trước, khi mở quán cà phê này, chị được Sở Công thương hỗ trợ mở điểm bán hàng và trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Gốc gác nông dân, chị rất hào hứng với hành trình giới thiệu nông sản địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh sản phẩm từ mật ong, phấn hoa, cà phê thương hiệu Phước Hỷ của gia đình, điểm bán hàng còn làm cầu nối giới thiệu nhiều sản vật địa phương như: sâm khỏe, sâm cau, nấm linh chi, chuối cô đơn, khổ qua rừng, trà hoa vàng Gia Lai, hạt mắc ca, điều, hồ tiêu…

Trong đó, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ngoài ra, tại đây còn có thêm sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên như: vang sim rừng Kon Tum hay đặc sản Ama Kông của Đắk Lắk.

Gian hàng được bài trí bắt mắt, có khu vực riêng để khách trải nghiệm, cảm nhận thực tế sản phẩm. Chị Thúy cho hay: “Mục tiêu là giới thiệu sản phẩm chứ không đặt nặng việc bán hàng. Hơn nữa, khách hàng chủ yếu là khách du lịch từ khắp mọi nơi nên tôi tạo ra không gian thoải mái, chan hòa giữa thiên nhiên để khách được trải nghiệm, cảm nhận phong vị của sản vật địa phương ngay tại vùng đất này. Nhiều du khách mua sản phẩm vì cảm xúc cộng hưởng đó”.

Mỗi sản vật địa phương đều có một câu chuyện thú vị. Nhưng làm sao để chuyển tải cho du khách nếu chỉ thông qua những sản phẩm trưng bày trên kệ hàng, không chỉ là thông tin về quy trình sản xuất, không gian hình thành, lược sử văn hóa của vùng đất?

Mới đây, khi tiếp đoàn khách Pháp, chị Thúy hướng dẫn họ nếm thử mật ong, phấn hoa cà phê, đồng thời giới thiệu vườn cà phê đang nở hoa trắng muốt, thơm ngào ngạt gần đó, giúp khách hiểu sản phẩm mình đang thưởng thức được hình thành từ nghề truyền thống lâu đời, gắn với loại cây có lịch sử hàng trăm năm trên cao nguyên Gia Lai. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng dấu ấn địa phương trong sản phẩm chính là câu chuyện hấp dẫn khách quốc tế.

Theo chị Thúy, sản phẩm mật ong Phước Hỷ cũng mang bao câu chuyện được gia đình chị duy trì trên 2 thập kỷ. Chị cho hay: “Mùa nào mật nấy vì phải di chuyển đàn ong đi khắp nơi. Ví dụ mùa này đang là mùa mật hoa cà phê. Hết tháng 3, chúng tôi di chuyển đàn ong về vùng đất Hải Dương, Hưng Yên lấy mật hoa nhãn, hoa vải.

Sau đó, tiếp tục di chuyển đàn ong đến Thái Bình lấy mật cây sú vẹt; về miền Trung lấy mật keo, tràm; đi Ninh Thuận lấy mật thanh long, rồi lại trở về Gia Lai lấy mật cao su... Đàn ong được di chuyển khắp đất nước suốt 4 mùa hoa nên đây còn là món quà quý của thiên nhiên. Khách được giới thiệu sẽ hiểu hơn “hàn thử biểu” của đất nước mình thông qua mật ong”.

3diem-gioi-thieu.jpg
Du khách quốc tế dùng thử phấn hoa cà phê. Ảnh: Minh Châu

Còn với sản phẩm trà hoa vàng-loại trà được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài trà” được trồng duy nhất ở vùng đất làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng) thì được giới thiệu như sau: “Tận sâu trong cánh rừng ở núi Chư Đang Ya, trà hoa vàng Gia Lai tỏa sáng rực rỡ giữa đại ngàn.

Trà được tái sinh từ đất mẹ cao nguyên, lớn lên nhờ linh khí của trời và được chăm bẵm bởi đồng bào Xê Đăng với tâm hồn bình dị và chân chất.

Từ đó, bằng tất cả tấm lòng yêu trà và bàn tay chế biến tài hoa của người nghệ nhân, trà KINKA được gói lại bằng bình yên và được mở ra để tìm thấy hạnh phúc”.

Đó cũng là câu chuyện thú vị gắn với loại trà vốn được xem là sản vật của vùng núi phía Bắc, nhưng được trồng thành công tại vùng trà danh tiếng của Gia Lai.

Chị Thúy cũng định vị chất lượng các sản phẩm giới thiệu đến du khách theo 2 tiêu chí “ngon và lành”. Nếu “ngon” là hương vị riêng của sản vật, chỉ ở vùng đất đó, khí hậu, thổ thưỡng đó mới làm nên thì “lành” là sự khẳng định giá trị mang lại cho sức khỏe con người.

Luôn đề cao 2 tiêu chí này, chị Thúy mong muốn trở thành cầu nối để giới thiệu thêm nhiều sản vật của vùng đất đến với khách hàng qua con đường du lịch.

“Tôi xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp nên rất trân quý giá trị của lao động và nông sản. Gia Lai có nhiều sản vật đặc trưng, có sự độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành nhưng chưa được định vị đúng giá trị. Qua con đường du lịch có thể gia tăng giá trị cho nông sản Gia Lai.

Nhiều khách hàng dùng thử sản phẩm, mua và sau đó đã quay lại. Điều đó cho tôi niềm tin vững vàng tiếp tục kết nối, đưa sản phẩm địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế tại hàng thông trăm tuổi. Tôi cũng hy vọng nhiều người, nhiều doanh nghiệp đồng hành để đưa sản phẩm đi xa hơn”-chị Thúy bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.