Quân khuyển biên phòng lên rừng, xuống biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 2 tháng sử dụng chó tuần tra, phục kích ngăn chặn các loại đối tượng vượt biên, buôn lậu qua biên giới, làm trong sạch khu vực vành đai, đội đã ngăn chặn 17 vụ, bắt 65 người và thu giữ nhiều loại hàng hóa.
 
HLV cụm chiến đấu 4, Trường trung cấp 24 biên phòng huấn luyện chó nghiệp vụ trên thao trường biên giới Quảng Trị ẢNH: ĐỘC LẬP
HLV cụm chiến đấu 4, Trường trung cấp 24 biên phòng huấn luyện chó nghiệp vụ trên thao trường biên giới Quảng Trị ẢNH: ĐỘC LẬP
Từ đầu những năm 80 thế kỷ 20, ngoài chiến thuật sử dụng chó, các huấn luyện viên Trường 24 còn được đào tạo về âm mưu, phương thức, thủ đoạn, kiểu chiến tranh lấn chiếm, phá hoại nhiều mặt của địch, biết cách xử trí khi bắt khám xét, sơ cung tại chỗ một vụ việc...
Tóm gọn gián điệp
Đặc biệt, từ cuối năm 1987 đến giữa 1988, các chuyên gia thuộc Bộ đội biên phòng Liên Xô (cũ) lại sang giúp Trường 24 huấn luyện nghiên cứu dấu vết và chiến thuật sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Cũng từ đây, đầu năm 1988, đội huấn luyện viên (HLV) và chó nghiệp vụ Trường 24 đã được cử lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) làm nhiệm vụ.
Ông Trần Trọng Thanh, nguyên tổ trưởng giáo viên Trường 24, kể lại: “Đầu tháng 1.1988, cả đội gồm 5 người và 3 chó nghiệp vụ lên đường. HLV được trang bị súng AK báng gấp, nhân viên thú y súng AK báng gỗ, tôi được phát K54. Lúc này, tình trạng buôn lậu ở Lạng Sơn rất nghiêm trọng. Việc sử dụng chó nghiệp vụ tuy cấp thiết nhưng khó khăn, bởi chúng tôi phải hoạt động trên địa hình hiểm trở, phạm vi sử dụng chó nghiệp vụ hẹp và nhất là phải tránh rất nhiều mìn cài lại sau chiến tranh biên giới”. Gần 2 tháng sử dụng chó tuần tra, phục kích ngăn chặn các loại đối tượng vượt biên, buôn lậu qua biên giới, làm trong sạch khu vực vành đai, đội đã ngăn chặn 17 vụ, bắt 65 người và thu giữ nhiều loại hàng hóa.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, đến giờ vẫn nhớ thời điểm cuối tháng 2.1990. Khi đó, ông là thiếu tá - Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Trị, trực tiếp chỉ huy phân đội chó nghiệp vụ của Trường 24 truy lùng bắt giữ nhóm gián điệp của Hoàng Cơ Minh, xâm nhập vào Việt Nam (khu vực H.Hướng Hóa). Phân đội do chuẩn úy Trần Anh Xuân phụ trách, 2 chuẩn úy Ma Văn Ngân và Ngô Tùng Sơn phụ trách chó E Vi và Zan Tô. Tối 17.2.1990, phân đội ém sẵn tại biên giới; rạng sáng 22.2 vận động đến khu vực tác chiến.
 
Chó nghiệp vụ biên phòng tuần tra bảo vệ đảo Trường Sa ẢNH: MAI THANH HẢI
Chó nghiệp vụ biên phòng tuần tra bảo vệ đảo Trường Sa ẢNH: MAI THANH HẢI
8 giờ sáng 22.2, khi lực lượng trinh sát tiếp cận và gọi hàng, địch chống trả chạy dọc theo bờ sông Sê Pôn vào nội biên. Ngay lập tức 2 chó nghiệp vụ truy theo nguồn hơi và chia làm 2 mũi bao vây.
Phát hiện lực lượng ta, địch bắn chặn, đạn găm cách chó E Vi chỉ vài mét. HLV Ma Văn Ngân dùng súng K54 bắn uy hiếp địch, kéo chó về cạnh để tránh đạn và cùng với đội đánh trả, gọi hàng. Siết chặt vòng vây, HLV Ma Văn Ngân phát hiện 4 tên và lệnh cho chó E Vi lao lên cắn vào tay tên cầm súng khiến 3 tên còn lại khiếp đảm đầu hàng.
“Chó nghiệp vụ uy hiếp khống chế rất tốt. HLV phát hiện và xử lý tốt khi địch tạo dấu vết giả”, thiếu tướng Trần Đình Dũng kể và cho biết: Từ 1988 - 1990, các chó nghiệp vụ của Trường 24 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, bắt 119 tên cướp có vũ trang, truy bắt 26 tên Fulro và 47 thám báo Trung Quốc xâm nhập biên giới Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Lào Cai...
Người nhái cũng… xin thua
Đầu tháng 2.2010, trung úy Vũ Khắc Biên, giáo viên Trường 24, được ban giám hiệu gọi lên giao nhiệm vụ “Đưa phân đội HLV và chó nghiệp vụ ra thực hiện nhiệm vụ tại Trường Sa”.
Vốn sinh ra lớn lên ở vùng núi Yên Bái, chưa 1 lần ra biển nên trung úy Biên rất bất ngờ. Nhưng do nhiệm vụ đặc biệt mang tính thử nghiệm cho toàn quân, nên anh chỉ xin tranh thủ về quê thăm gia đình mấy ngày, và sáng 7.3.2010 dẫn phân đội hành quân bằng ô tô từ Trường 24 vào cảng 129 - Vũng Tàu, lên tàu hải quân ra Trường Sa.
“Tôi hồi ấy mới là trung úy nhưng được giao đội trưởng. Trung tá Khuất Văn Thi, bác sĩ thú y làm đội phó. Thiếu úy - quân nhân chuyên nghiệp Dương Văn Anh, HLV giữ chó Mich Ka. Thiếu úy - quân nhân chuyên nghiệp Bùi Đại Triều, HLV chó Ma Lơ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Định, HLV giữ chó Ka Khốp. Mỗi người được trang bị 1 súng K54 và lựu đạn khói, lựu đạn rít để huấn luyện”, thiếu tá Vũ Khắc Biên rành mạch vậy và hồi tưởng: 3 ngày đêm mới ra tới đảo Trường Sa, ai cũng ngỡ ngàng trước thao trường mới. Những ngày đầu khó khăn vất vả, cả HLV và chó nghiệp vụ chưa có kinh nghiệm hoạt động ở khu vực biển, đảo. Điều kiện bãi tập, vật chất đảm bảo cho các nội dung huấn luyện thiếu... Thế nhưng vẫn phải khắc phục, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, xây dựng kế hoạch huấn luyện sát tình hình thực tế và nhất là chủ động huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phù hợp với chiến đấu tại đảo.
 
HLV Phạm Văn Biền (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội phục bắt biệt kích, 16.10.1964 ẢNH: TƯ LIỆU
HLV Phạm Văn Biền (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội phục bắt biệt kích, 16.10.1964 ẢNH: TƯ LIỆU
Trong thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa, phân đội không chỉ duy trì nghiêm công tác huấn luyện chiến thuật mà còn thực hiện sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác tuần tra có chó nghiệp vụ bảo vệ đảo, chống các đối tượng nước ngoài xâm nhập, tập kích bí mật… “Khi tham gia diễn tập chống địch đột nhập bất ngờ, chó nghiệp vụ đã phát hiện được đối tượng ngụy trang ẩn nấp dưới bãi cát, gần mép nước”, thiếu tá Biên nhớ vậy và hào hứng kể: Trong các lần tham gia huấn luyện, luyện tập chống người nhái bí mật tập kích lên đảo, chó đều báo hiệu đối phương và tấn công bắt giữ kịp thời. Quân dân trên đảo ai cũng quý chó, có gì tươi ngon đều mang đến thưởng.
Những ngày tháng bảo vệ biển đảo Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ phân đội chó nghiệp vụ của Trường 24 đã huấn luyện chó bầy đàn đang nuôi trên đảo vào nhiệm vụ canh gác cùng bộ đội. Sau thời gian ghép đàn và huấn luyện, bầy chó được ghép đều nâng cao tính cảnh giác, khả năng cảnh báo và phản xạ phát hiện mục tiêu rất tốt...
(còn tiếp)
Hội thao quân sự quốc tế - Army Games là sự kiện thể thao quân sự đa quốc gia do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Khai mạc lần đầu tiên vào tháng 8.2015, đến nay đã có hơn 30 quốc gia tham gia tranh tài với nhiều nội dung thi đấu. Năm 2020, lần đầu tiên nội dung huấn luyện chó nghiệp vụ “Người bạn trung thành” được quân đội ta tham gia. Tháng 4.2020, Trường trung cấp 24 biên phòng được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thành lập đội tuyển huấn luyện để tham gia tranh tài thi đấu tại Army Games 2020.
Quá trình triển khai luyện tập, nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ từng nội dung bài thi tại Army Games và tìm ra những điểm khác biệt so với luyện tập hằng ngày. Ví dụ như, bài huấn luyện phòng thủ yêu cầu rất cao, chó nghiệp vụ phải cắn nhiều lần, điều khiển khẩu lệnh hoàn toàn từ xa và được coi là một nội dung khá phức tạp, bởi đặc thù của nhà trường là huấn luyện phục vụ cho công tác ở các tuyến biên giới; do vậy, HLV và chó nghiệp vụ luôn đi cùng nhau; bài vượt vật cản là nội dung khó khăn nhất vì tường ván cao 1,8 m, từ trước tới nay các HLV và chó nghiệp vụ của ta chưa tập bao giờ và toàn đội tuyển đều phải tự mày mò, nghiên cứu để luyện tập đạt kết quả tốt nhất.
Ngày 9.8.2020, đội tuyển lên đường tham gia Army Games 2020. Sau hơn 1 tuần thi đấu, đội tuyển huấn luyện chó nghiệp vụ Quân đội Nhân dân Việt Nam xếp thứ 4/6 nước tham gia, là đội tuyển duy nhất lần đầu tiên tham gia đã đoạt giải thưởng gồm: cúp vàng giải 3 Đồng đội bài thi “Tay súng thiện xạ”; cúp vàng cho đội có nhiều nỗ lực cố gắng nhất trong cuộc thi; thượng tá Lê Mạnh Hưởng, Đội trưởng đội tuyển chó nghiệp vụ Quân đội Nhân dân Việt Nam, được trao tặng huy chương Đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tài; thiếu tá Vũ Khắc Biên và chó Mai Lốc đoạt huy chương bạc trong bài thi “Tay súng thiện xạ”; trung úy Nguyễn Trọng Nghĩa được trao giải vận động viên có nhiều cố gắng nhất cuộc thi.
(Theo đại tá Trần Quang Phê, Hiệu trưởng Trường trung cấp 24 biên phòng)
Theo Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.