Kể chuyện già làng Tây Nguyên - Kỳ II : Trống cái giữa dàn chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi hỏi: “Thời bây giờ, vai trò của già làng còn thật sự quan trọng nữa không?”. Ông K’Điệp, một trí thức người Cơ Ho nói rằng: “Già làng nói - dân làng nghe; già làng hô - dân làng hưởng ứng; già làng làm - dân làng làm theo. Có nghĩa là vai trò của già làng vẫn rất quan trọng, nhất là trong việc hỗ trợ cấp ủy, chính quyền vận động quần chúng…”.

Già làng - nghệ nhân chỉnh chiêng người dân tộc Mạ.
Già làng - nghệ nhân chỉnh chiêng người dân tộc Mạ.
Tây Nguyên gồm năm tỉnh với 5 triệu người, 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Trong tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng thì đã có tới 2.800 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đi suốt từ triền núi Ngọc Linh phía bắc đến thung lũng sông Đồng Nai phía nam, đâu đâu cũng gặp những buôn làng sắc dân bản địa. Trong không gian đó, hình ảnh già làng vẫn luôn hiện hữu như những trụ cột, những biểu tượng văn hóa. Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.702 già làng. 
Ông Ya Loan, người dân tộc Chu Ru ở hạ nguồn Đa Nhim, nói với tôi rằng: “Những người dân trong mỗi buôn làng cũng giống như một dàn chiêng, có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng… Mỗi mặt chiêng giữ một điệu khác nhau, nhưng tất cả đều phải hòa âm theo sự cầm trịch của chiếc trống cái. Tiếng nói của già làng là âm thanh trống cái, âm thanh ấy giữ nhịp hài hòa cho cả dàn chiêng”. 

Già làng, nhân tố quan trọng trong việc trao truyền vốn văn hóa truyền thống.
Già làng, nhân tố quan trọng trong việc trao truyền vốn văn hóa truyền thống.
Chúng ta hiểu, trong suốt lịch sử lâu dài, xã hội Tây Nguyên được quản lý, điều hành hiệu quả và phát triển bền vững trải bao nhiêu thách thức lớn nhỏ bằng một cơ chế điều hành truyền thống độc đáo, xem ra là “thông minh” nhất trong điều kiện đặc trưng về nhiều mặt của vùng đất đai, núi rừng và con người miền thượng. Trong cơ chế đó, nổi bật lên vai trò của già làng. 
Già làng chính là những người có uy tín, có tri thức toàn diện nhất, uyên bác nhất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất trong đời sống giữa một thiên nhiên vừa bao dung vừa khắc nghiệt, giữa một xã hội vừa hài hòa vừa gay gắt. Già làng là những bậc hiền triết của làng. Người Pháp dịch “hội đồng già làng” là “conseli des sages” (hội đồng các bậc hiền nhân), một nghĩa khá chính xác. Nói một cách dễ hiểu, bây giờ chúng ta được tiếp cận nhiều nguồn thông tin để có thể tham khảo, nghiên cứu; còn ngày xưa, các già làng chỉ dựa vào kinh nghiệm, dựa vào lý lẽ tự nhiên được lưu truyền từ đời này qua đời khác cùng với trí tuệ vượt trội của họ mà đưa ra những quyết định phù hợp nhằm bảo vệ sự tồn sinh, phát triển của buôn làng… 
Một thiếu sót trong thời gian dài là chúng ta đã không nghiên cứu, thấu hiểu về lực lượng có ý nghĩa này. Gần đây, sau một số biến động ở Tây Nguyên, đã nhìn nhận lại và dần dần tìm cách ứng xử phù hợp. Trong xã hội cổ truyền, già làng là quyền lực toàn trị. Ngày nay, ở các buôn làng có tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng cùng tham gia lãnh đạo, vận động.
Song, như những gì chúng tôi cảm nhận, vai trò của già làng chưa hề lu mờ. Biểu tượng ấy vẫn còn đó như một sản phẩm của quan hệ đạo đức - tập quán truyền thống. Già làng ngày nay là một nhân tố quan trọng, hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả cho cơ chế Nhà nước pháp quyền. Các già làng là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền cơ sở; là hạt nhân trong các phong trào; là trung tâm gắn kết cộng đồng. Vì vậy, nếu tôn trọng lịch sử và những tập tục cổ truyền Tây Nguyên, hãy thật sự quan tâm tìm hiểu và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các già làng.
Tất nhiên, cũng phải nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc về xu hướng biến đổi chức năng, vai trò của già làng trong thời hiện đại. Khi môi trường xã hội, phương thức mưu sinh và những tập tục, văn hóa có những thay đổi căn cốt thì biểu tượng văn hóa và quyền lực thực tế của già làng cũng không như cũ nữa.
Nhà nghiên cứu Ngọc Lý Hiển, cho rằng: “Sự vận động đa chiều, năng động, phức tạp của đời sống xã hội đã tác động không nhỏ, làm biến đổi nhận thức, tư duy, phương thức hoạt động của già làng. Họ bộn bề hơn với những nhiệm vụ mới, không còn đơn thuần giải quyết các vấn đề nội bộ như xử lý các tập tục, bảo tồn bản sắc văn hóa. Các già làng đã có tầm bao quát rộng hơn như tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào…”.
Từ luận điểm này, cần hiểu sâu hơn về già làng trong thời hiện đại. Già làng truyền thống là hình ảnh của một đại thụ hiền minh, chỗ dựa tinh thần, chỉ dẫn, điều hành và xử lý các vấn đề tập tục, nghi lễ, đời sống tâm linh. Già làng hiện đại mang trọng trách lớn hơn với những chức năng bổ sung nhằm phù hợp với hoàn cảnh mới. 
Già làng bây giờ phối hợp với chính quyền thực hiện các nhiệm vụ: tổ chức phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn văn hóa truyền thống, chủ động tiếp nhận những giá trị văn hóa tiên tiến đương đại; giáo dục tư tưởng, vận động chính trị và hòa giải các mâu thuẫn. Nhiều già làng trở thành nòng cốt trong các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới…
Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy, một trong những vai trò cực kỳ quan trọng của già làng trong thời đương đại chính là việc họ làm nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Di sản văn hóa, hệ thống tri thức bản địa được gìn giữ, phát huy chính là nhờ các nghệ nhân dân gian - già làng. Già làng là người giỏi giang, thông thái, có trí nhớ tốt. 
Họ như những pho sử sống, lưu giữ những vốn quý tộc người và trao truyền thế hệ bằng phương thức truyền miệng, bằng thực hành văn hóa. Từ “túi khôn” người già, những kinh nghiệm sản xuất, mưu sinh, tín ngưỡng, luật tục, nghệ thuật diễn xướng, tiếng nói, chữ viết được bảo vệ. Đó là nguồn sữa nuôi dưỡng văn hóa tộc người, tạo ra những “kháng thể” chống lại sự “xâm lăng” của những thứ văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh. 
Về với buôn làng trong những đêm rừng, hình ảnh đẹp mãi lưu trong tâm trí chúng tôi là già làng ngồi bên bếp lửa vít cong cần rượu hát kể khan, hát điệu yallyău, tămpớt, Kơứt, Ayray cho con cháu lắng nghe như nuốt từng lời về lịch sử xa xưa, về nét đẹp tộc người. Cũng nhớ mãi hình ảnh các già làng trở thành linh hồn của những nghi lễ dân gian khi họ kính cẩn khẩn cầu lên Yàng những thông điệp mong mưa thuận gió hòa. Buôn làng Tây Nguyên vẫn vang vọng tiếng tù và hay tiếng trống da trâu của già làng gọi ngọn lửa cháy lên, gọi những bàn tay tấu nhịp cồng chiêng, gọi những bước chân xoắn xuýt vòng xoang trong mùa lễ hội… 
★★★
Xác định tầm ảnh hưởng, vai trò, sự đóng góp của các già làng, Đảng và Nhà nước đã thật sự quan tâm đến việc phát huy tính tích cực của lực lượng này. Năm 2009, đại diện tập thể già làng Tây Nguyên đã ký chung một bản Quyết tâm thư và cùng cam kết thực hiện với năm nội dung cơ bản: xây dựng, củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi.
Năm 2019, trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, trước 241 già làng Tây Nguyên tiêu biểu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa khẳng định, ghi nhận các già làng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội, cộng đồng. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các già làng.
Đồng thời, phải thường xuyên quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để họ phát huy tốt vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng lòng tin vững chắc của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ta... 
TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Các già làng luôn đề cao cảnh giác chống lại các âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch. Họ cũng đóng góp nhiều ý kiến quý báu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí của nhân dân. Các già làng vạch trần những luận điệu tuyên truyền, lôi kéo của kẻ xấu, nhờ đó, trật tự trị an vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày càng ổn định…”.
Già làng Tou Prong Dzung (người Chu Ru ở thôn Ka Đô cũ, xã Ka Đô, Đơn Dương, Lâm Đồng), Bí thư Chi bộ thôn: “Phải thấu hiểu cuộc sống của bà con buôn làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo được. Và quan trọng là già làng, cán bộ, đảng viên thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước”.
Bài và ảnh: Uông Thái Biểu (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.