Đi chợ biên giới mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thau cá rô ruộng tươi rói nhảy tanh tách, mớ lươn đồng bò trườn. Sản vật mùa nước nổi miền Tây như cá linh, cá lóc, trê, chạch, chốt, ếch, tép đồng cùng hẹ nước, bông điên điển, rau muống tía… tụ về phiên chợ biên giới.

Hàng lươn béo múp mùa nước nổi - Ảnh: T.N.
Hàng lươn béo múp mùa nước nổi - Ảnh: T.N.
Tiếng mặc cả, cảnh chọn hàng chộn rộn cả buổi bình minh. Dù sản vật mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ không còn được nhiều như xưa nhưng chúng vẫn đang có sức hấp dẫn kỳ lạ...
“Mùa nước hiếm có sở mần thì người ta mới đi đặt cá đồng xa kiếm miếng ăn. Mấy năm nay mùa nước nổi cứ thấp dần, hổng biết mai mốt còn mấy con cá, con tép mà bắt.
 Nguyễn Văn Khoa
Thương con cá rô trên đồng!
Trời còn tối mịt, hàng trăm ghe xuồng đã đậu kín bến sông Vàm Cỏ gần chợ Bình Châu (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An). Hàng trăm ngọn đèn pin đội đầu cùng nhau phát sáng bến sông. Họ đi thật sớm để kịp phiên chợ sáng.
Từ dưới bến sông, anh Nguyễn Văn Khoa (35 tuổi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) khệ nệ xách hai thùng cá đồng lên chợ. Trong thùng là đủ loại cá đồng mùa nước nổi miền Tây như cá rô, cá chốt, cá sặc..., đó là thành quả đánh bắt từ hàng chục lợp, dớn anh đặt trên ruộng nước. Bà Nguyễn Thu Thủy - mối thu gom cá của anh Khoa - tất tả mang cá vào phân loại, cân đếm. "3kg cá rô, 2kg cá chốt và 2kg cá tạp. 330.000 đồng"- bà Thủy tính nhẩm rồi đưa tiền cho anh Khoa.
Hằng năm hễ mùa nước đổ về miền Tây là sản vật đồng lại đầy chợ, giá thu mua cũng rẻ hơn bình thường do sản lượng tăng. Gần cuối tháng 10, cá rô đồng khoảng 60.000 đồng/kg, cá chốt 45.000 đồng/kg, cá lóc 65.000 đồng/kg, cá chạch 100.000 đồng/kg, lươn từ 120.000 - 200.000 đồng/kg tùy lớn nhỏ.
Thương lái tranh giành để có mớ cá ngon, người đánh bắt kỳ kèo để thêm mấy đồng cho con cái ăn học. Anh Khoa kể hằng năm đến mùa nước nổi lại xuôi dòng về đặt dớn, lợp trên các cánh đồng biên giới xã Thái Bình Trung, Tuyên Bình thuộc huyện Vĩnh Hưng. "Bên chỗ Đồng Tháp chỉ có cánh Hồng Ngự, Tân Hồng mới có cá mắm nhiều, mà lên trển cũng khó kiếm ăn lắm. Mùa này qua Long An dễ đặt cá hơn, hằng ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nước rút thì mình nhổ dớn trở lại quê, mần nghề khác kiếm sống" - anh Khoa tâm sự.
Mùa nước nổi thiếu sở mần nên người từ nhiều địa phương khác về các xã biên giới Long An để giăng lưới, bủa câu. Ruộng ngập nước trắng xóa, mọi người chia nhau đặt dớn, thả lưới. "Chủ đồng miền Tây dễ chịu, chỉ cần xin một tiếng là có thể đặt lợp, dớn thoải mái. Thỉnh thoảng dính con cá lóc trọng trọng, con lươn đồng bằng ngón giò cái thì biếu cho chủ nhà. Họ nghĩa tình cho mình chỗ đặt cá thì mình cũng hào sảng lại cho đúng" - anh Khoa tâm tình.
"Hổm rày tao nghe đồng trên dính lươn dữ lắm, ngày gần cả chục ký, sao mày không lên đó đặt Khoa?" - ông Nguyễn Văn Nô (49 tuổi, xã Tuyên Bình), đồng nghiệp, cười hề hề hỏi. Ông Nô có thâm niên hơn 20 năm đặt cá mùa nước. Năm nay nước về trễ và thấp nên những người làm nghề "bà cậu" như ông cũng kém vui. "Hổm rày nước lên cao nhưng cá, tôm vẫn vậy. Mần nghề này chỉ đợi con nước sớm, nước mang theo chén cơm cho tụi tui. Nhớ mấy mùa nước trước mà rầu quá cậu ơi" - ông Nô tặc lưỡi nói, giọng buồn buồn.
Dưới bến sông, thương lái cá đồng Sáu Thưa đang gom cho đủ chuyến ghe đặng chở lên chợ đầu mối Bình Điền
(TP.HCM). Ông cho biết đã mần việc này được chục năm, đều đặn hằng ngày mùa nước đều đến chợ cá Bình Châu gom lại của bạn hàng rồi đúng 5h sáng là xuất phát lên TP.HCM. "10h lên đến đó, bỏ lại cho chủ vựa kiếm mỗi ký ít tiền lời. Ngày bỏ 200, 300kg cũng đủ trang trải sinh hoạt gia đình" - lái Sáu Thưa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhung bán cá đồng tại chợ Bàu Sậy
Chị Nguyễn Thị Nhung bán cá đồng tại chợ Bàu Sậy
Món ngon ruộng đồng mùa nước
Rời chợ Bình Châu, tôi đến chợ Bàu Sậy - ngôi chợ trung tâm huyện biên giới Vĩnh Hưng - với người mua bán đông hơn hẳn. Trước cổng chợ, anh Vũ Đức Nghị (55 tuổi, thị trấn Vĩnh Hưng), tiểu thương cá đồng, cho biết mỗi sáng bỏ hàng cho mối bên Campuchia. "Trước đây, họ qua đây buôn bán trực tiếp. Giờ dịch giã, mình vận chuyển hàng qua cửa khẩu biên giới, họ sẽ cho người qua nhận. Hàng đi chậm hơn trước, buôn bán ế ẩm hơn" - anh Nghị kể.
Cạnh đó, anh Lê Văn Bình (42 tuổi) đang sơ chế mớ chuột đồng béo ngậy cho khách. "Tụi tui hằng ngày bỏ mối đến vài trăm ký "gà đồng". Nước thấp nên chúng mùa này ăn lúa chét, con nào con nấy béo ú" - anh Bình chia sẻ.
Trong mỗi lồng chuột, người bán đều bỏ vào một cục nước đá để chuột không bị "đứt nước" mà chết. Chuột đồng có hai loại là chuột cơm (nhỏ) và chuột cống nhum (lớn từ 0,8kg đến hơn 1kg). Giá bán chuột cơm khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi chuột cống nhum khoảng 60.000 đồng. Chị Gắng, người bán chuột nhỏ lẻ, cho biết chuột bán không hết phải đem về rộng, tắm và bật quạt cho khô. "Chuột đái lên nhau sẽ rất hôi, thịt khi mần ra khai không ăn được đâu. Phải chịu khó như vậy mới bán được, thấy chuột như ông hoàng không?" - chị Gắng cười cho biết.
Cũng theo chị Gắng, năm nay nước thấp nên chuột rất nhiều, phải gấp đôi năm ngoái. "Nước thấp nên chúng sống khỏe. Mùa này một người chịu khó đi bắt kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày khỏe re" - chị Gắng kể.
Đi sâu vào chợ Bàu Sậy, trước mắt tôi là hàng dài người ngồi bán đồ đồng đa dạng từ cá, ếch, lươn đến bông điên điển, rau muống đồng, hẹ nước... "Mua rau đồng đi cậu ơi, không phân thuốc gì hết trơn. Điên điển 40.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/lọn" - chị Hồ Thị Ánh Hồng (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) mời chào đon đả. Hằng ngày chị Hồng men theo đồng nước hái mớ điên điển, rau muống bán lại cho người đi chợ. "Nhiều khi mấy chị cạnh nhà gửi mớ rau nhờ bán chung, ngày cũng kiếm được mấy chục ngàn mua gạo" - chị Hồng bộc bạch.
Được người dân giới thiệu, tôi đến gian hàng của "hotgirl chợ cá" Nguyễn Thị Nhung. Quê xã Vĩnh Trị, chị Nhung đã có hơn chục năm bán cá đồng tại chợ Bàu Sậy. Hằng ngày, chị lấy lại của bà con trong đồng rồi đem ra chợ bán lẻ. Mớ cá rô, cá chốt giấy, cá bống tượng bày trên mâm khiến người đi chợ thèm thuồng. "Bán sáng chiều luôn được khoảng 30, 40kg. Nước về nên cá rẻ, rô lóc bán lẻ cũng chỉ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg thôi anh. Mua không, em bán rẻ cho" - Nhung nhoẻn miệng cười, mời mọc tôi.
Ghé hàng lươn của chị Võ Thị Bích Liễu, nhìn mấy con lươn béo ú khiến khách phương xa không thể rời đi. "Năm nay nước nhỏ nên lươn ít hơn năm rồi nhưng bù lại được cái mập. Cá linh mùa này xương bắt đầu cứng, giá cũng giảm còn chừng 150.000 đồng/kg. Đầu mùa đắt lắm à nghen" - chị Liễu chia sẻ.
Trời về chiều tối, chợ ngớt khách dần. Trên cánh đồng nước nổi, các chủ ghe giăng câu, bủa lưới đang miệt mài tìm kiếm sản vật cho phiên chợ sớm...

Cảnh bán buôn cá đồng lúc 3h sáng tại chợ Bình Châu - Ảnh: THÀNH NHƠN
Cảnh bán buôn cá đồng lúc 3h sáng tại chợ Bình Châu - Ảnh: THÀNH NHƠN
Mang cả hương vị miền Tây
Rảo quanh các mâm cá đồng, anh Nguyễn Thái Bảo (36 tuổi, thị trấn Vĩnh Hưng) mua ký cá linh cùng 2 con cá lóc đồng và mớ rau mọc hoang trên ruộng nước . "Cá linh tui đem chiên bột, nấu canh chua. Cá lóc thì kho tộ. Từ nhỏ đã quen với đồng nước nổi, sản vật quê rồi. Đồ đồng mang cả hương vị miền Tây, không tin cậu thử xem" - anh Bảo hào hứng chia sẻ.
THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.