Nhìn lại các đợt đưa quân của Israel sang Li Băng 50 năm qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Biên giới Israel - Li Băng là một trong những điểm nóng của xung đột tại Trung Đông và từng chứng kiến nhiều đợt giao tranh từ khi nhà nước Israel thành lập.

Ngày 1.10, quân đội Israel tiến hành chiến dịch trên bộ hạn chế tại miền nam Li Băng chống Hezbollah với mục tiêu phá hủy năng lực tấn công của tổ chức này, giúp người dân vùng biên giới trở về nhà an toàn.

Cách đây gần nửa thế kỷ, cụ thể là năm 1978, quân đội Israel cũng đưa quân sang miền nam Li Băng và thiết lập một vùng chiếm đóng hẹp chống lại lực lượng du kích Palestine sau một cuộc tấn công gần Tel Aviv, theo Reuters.

Xe tăng Israel tập trung tại miền bắc nước này hôm 27.9
Xe tăng Israel tập trung tại miền bắc nước này hôm 27.9

Thời điểm đó, Li Băng đang trong cuộc nội chiến giữa các phe phái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức chính trị-bán quân sự của người Palestine, đặt trụ sở tại Beirut. Ở miền nam Li Băng, Israel ủng hộ lực lượng dân quân người Cơ Đốc địa phương gọi là Quân miền nam Li Băng (SLA).

Năm 1982, Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn vào Li Băng sau những vụ đọ súng ở biên giới. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Israel tiến đến tận Beirut và đóng quân ở đó trong 10 tuần. Tây Beirut, nơi đặt trụ sở của PLO bị oanh tạc nặng nề và cuối cùng lực lượng này buộc phải ra đi sau 11 năm, chuyển sang Tunisia.

Trong thời gian chiến dịch diễn ra, Tổng thống đắc cử Li Băng Bashir Gemayel, người đứng đầu đảng Phalange hay còn gọi là Kataeb theo Công giáo Maron, bị ám sát trong một vụ đánh bom xe. Sau đó, hàng trăm dân thường trong các trại tị nạn Palestine tại Sabra và Shatila ở phía nam Beirut bị các tay súng Cơ Đốc thảm sát.

Tổ chức Hezbollah của người Hồi giáo Shi'ite khai sinh trong thời gian này nhằm chống lại chiến dịch của Israel.

Cột khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại làng Ibl al-Saqi ở miền nam Li Băng ngày 30.9
Cột khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại làng Ibl al-Saqi ở miền nam Li Băng ngày 30.9

Năm 1983, Israel rút quân khỏi miền trung Li Băng nhưng vẫn giữ một lực lượng tại miền nam. Năm 1985, Tel Aviv thành lập vùng chiếm đóng chính thức sâu 15 km tại miền nam Li Băng và kiểm soát cùng SLA. Hezbollah khởi động cuộc chiến tranh du kích chống lực lượng Israel.

Tháng 7.1993, Israel mở Chiến dịch Thanh toán kéo dài một tuần nhắm vào Hezbollah tại Li Băng, ngăn chặn tổ chức này sử dụng khu vực miền nam để làm cứ điểm tấn công Israel. Chiến dịch cũng nhằm gây sức ép lên chính phủ Li Băng can thiệp chống Hezbollah.

Năm 1996, với việc Hezbollah thường xuyên tấn công lực lượng Israel ở miền nam Li Băng và lãnh thổ miền bắc Israel, Tel Aviv mở Chiến dịch Chùm nho uất hận. Chiến dịch kéo dài 17 ngày, làm hơn 200 người tại Li Băng thiệt mạng, trong đó có 102 người chết trong một vụ tấn công căn cứ Liên Hiệp Quốc tại làng Qana.

Israel tấn công 'giới hạn, cục bộ' qua biên giới, quân Li Băng tự rút lui

Năm 2000, do bị tấn công liên tục, Israel rút quân khỏi miền nam Li Băng sau 22 năm chiếm đóng.

Năm 2006, quân Hezbollah xông qua biên giới bắt cóc 2 binh sĩ Israel và giết chết một số người khác, mở màn cho cuộc chiến tranh kéo dài 5 tuần.

Lực lượng Israel oanh tạc thành trì Hezbollah và cơ sở hạ tầng của Li Băng, đưa quân vào miền nam nước này. Chiến dịch kết thúc với việc Hezbollah tuyên bố chiến thắng. Ít nhất 1.200 người tại Li Băng, chủ yếu là dân thường, và 1.588 người Israel, chủ yếu là binh sĩ, thiệt mạng.

Chiến dịch hiện tại của Israel có tên Những mũi tên phương Bắc, bắt đầu vào ngày 23.9 sau gần một năm tấn công qua lại giữa hai bên.

Theo Vi Trân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Kênh đào Panama nhìn từ trên cao. Ảnh: AP

Panama đáp trả lời đe dọa giành quyền quản lý kênh đào của ông Donald Trump

(GLO)- Tổng thống Panama Jose Raul Mulino tuyên bố kênh đào Panama thuộc về nước này. Đây là động thái nhằm đáp trả lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng Mỹ có thể giành lại quyền kiểm soát kênh đào nếu Panama không tôn trọng các điều khoản của hiệp ước năm 1977.