Hệ thống hồ chứa thủy lợi: Nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm nay sẽ kéo dài và tập trung vào những tháng cuối năm. Dù đang trong giai đoạn tích nước nhưng hiện nay, một số hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng chưa được đầu tư duy tu, sửa chữa dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập Hội đồng tư vấn an toàn đập, hồ chứa để kiểm tra, đánh giá hiện trạng một số công trình. Năm nay, Hội đồng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 53 công trình hồ, đập do các doanh nghiệp và địa phương quản lý, khai thác.

Hiện tượng sạt lở phần đất tại công trình hồ chứa nước Tân Sơn (huyện Chư Păh) ngày càng phức tạp dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Ảnh: N.D

Hiện tượng sạt lở phần đất tại công trình hồ chứa nước Tân Sơn (huyện Chư Păh) ngày càng phức tạp dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Ảnh: N.D

Qua kiểm tra thực tế, Hội đồng tư vấn an toàn đập, hồ chứa ghi nhận một số hạng mục tại hồ chứa nước Tân Sơn (huyện Chư Păh) và hồ chứa nước Ia Hdreh (huyện Krông Pa) bị hư hỏng. Tại công trình hồ chứa nước Tân Sơn, hiện tượng sạt lở phần đất mái thượng lưu đập đoạn tiếp giáp tràn xả lũ và phần gia cố mái đập bằng bê tông ngày càng phức tạp. Hiện tượng dòng chảy trước tràn xả lũ một bên bồi, một bên lở ngày càng ăn sâu vào mái đập thượng lưu gây sạt trượt mái đập với vết sạt lở thẳng đứng có chiều cao khoảng 13 m, chiều dài khoảng 60 m. Việc sạt lở vẫn còn tiếp diễn có nguy cơ gây mất an toàn công trình. Bên cạnh đó, mái hạ lưu bị biến dạng, xuất hiện một số tổ mối.

Còn tại hồ chứa nước Ia Hdreh, khu vực cuối dốc nước tràn xả lũ đoạn nối tiếp bể tiêu năng của tràn với chiều dài 11,2 m, rộng 22 m xuất hiện nứt vỡ, sụt lún. Phần móng dưới lớp bê tông khu vực này bị xói, sập (sâu khoảng 0,5 m, rộng 22 m) nguy cơ mất an toàn công trình. Khu vực tường bên bể tiêu năng xuất hiện tình trạng xâm thực ảnh hưởng đến kết cấu gây mất an toàn, cần khắc phục sửa chữa kịp thời.

Theo ông Phan Phước Thiện-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Công ty hiện đang quản lý, khai thác 49 công trình (gồm 17 hồ chứa, 28 đập dâng và 4 trạm bơm điện) nằm rải rác tại nhiều địa phương. Hầu hết các hồ chứa lớn được Công ty đăng ký an toàn đập, hồ chứa, quy trình vận hành, bảo trì sửa chữa, lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, thiết bị đo mưa…

Bên cạnh đó, hàng năm, Công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình trước mùa mưa lũ; xây dựng phương án phòng-chống thiên tai cho từng công trình theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư nhằm đảm bảo các công trình vượt lũ an toàn.

Sạt lở tại hồ chứa Tân Sơn ngày càng nặng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Sạt lở tại hồ chứa Tân Sơn ngày càng nặng. Ảnh: Nguyễn Diệp

“Công tác kiểm tra quan trắc, bảo dưỡng, sửa chữa đã được Công ty thực hiện thường xuyên và đột xuất theo quy định. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện nâng cấp, duy tu, sửa chữa hiện nay rất hạn hẹp, không đảm bảo để triển khai. Phần lớn các công trình đơn vị quản lý đã đưa vào sử dụng lâu năm, cần đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, hiện nay, 2 hồ chứa nước Tân Sơn và Ia Hdreh đã xuất hiện nhiều hư hỏng cần có giải pháp và nguồn vốn sửa chữa sớm, không để gia tăng hư hỏng làm mất an toàn công trình”-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thông tin.

Trong khi đó, các công trình do địa phương và doanh nghiệp cà phê, chè quản lý, khai thác vẫn còn nhiều tồn tại như tình trạng cây bụi mọc trên thân đập, mái đập khu vực cửa vào-ra tràn xả lũ; sạt lở mái thượng lưu, bồi lắng cửa vào. Một số hồ chứa xuất hiện mối trên thân đập, mái đập…

Đặc biệt, tại hồ chứa Chư Gu (huyện Krông Pa) được xây dựng từ năm 1997, quá trình khai thác xuất hiện nhiều hư hỏng, nhất là tình trạng thấm qua thân đập và mạng cống dẫn đến không thể tích nước phục vụ sản xuất từ nhiều năm nay. Một số công trình hồ, đập thủy lợi do các doanh nghiệp quản lý, khai thác thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Binh đoàn 15… vẫn còn tình trạng trồng cây lâu năm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, sạt lở mái thượng lưu.

Nhiều khó khăn, bất cập

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, tại các công trình hồ chứa lớn do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác, chủ đập có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu theo quy định. Các hồ chứa do UBND xã quản lý, vận hành đều chưa thành lập tổ khai thác, vận hành; người quản lý không có chuyên môn về thủy lợi, chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý, vận hành. Còn các hồ chứa do doanh nghiệp quản lý chủ yếu giao các đội sản xuất của đơn vị kiêm nhiệm dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập.

Hồ chứa nước Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hồ chứa nước Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Huyện Ia Grai hiện có 23 công trình hồ, đập, kênh dẫn nước được UBND huyện giao cho Đội Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi của huyện trực tiếp khai thác, quản lý, vận hành phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 32 hồ, đập thủy lợi của các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý, vận hành, khai thác.

Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-thông tin: Các công trình thủy lợi do Đội Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi của huyện trực tiếp quản lý, khai thác phục vụ nước tưới cho các loại cây trồng được kiểm tra, theo dõi thường xuyên nên đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Hàng năm, trước, trong và sau mùa mưa, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Đội theo dõi, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện những hư hỏng để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phần lớn các công trình có thời gian khai thác lâu năm, một số hạng mục đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, cần được nâng cấp, sửa chữa.

Bên cạnh đó, huyện thiếu cán bộ chuyên ngành thủy lợi trong công tác quản lý, vận hành, bảo vệ công trình theo Luật Thủy lợi. Đặc biệt, kinh phí bố trí đầu tư sửa chữa các hạng mục công trình còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn an toàn đập, hồ chứa thì hiện nay vẫn còn tình trạng chủ quan, nhất là tại các công trình do địa phương quản lý. Công tác duy tu, sửa chữa hư hỏng các hạng mục đầu mối để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ thực hiện chưa nhiều. Hầu hết các công trình do địa phương và doanh nghiệp quản lý đều thất lạc hồ sơ gây nhiều khó khăn trong xây dựng phương án quản lý an toàn hồ, đập đúng quy định.

Đội ngũ công chức, người lao động có chuyên môn để tổ chức quản lý, vận hành hồ, đập an toàn, hiệu quả còn thiếu. Đặc biệt, một số quy định về quản lý an toàn hồ, đập như cắm mốc giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa; điều chỉnh quy trình vận hành, kiểm định an toàn hồ, đập; phương án ứng phó khẩn cấp, lắp đặt thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn chuyên dùng… đòi hỏi kinh phí lớn nên các địa phương và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Qua kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ cho thấy, ngoài Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh có năng lực đáp ứng yêu cầu, các đơn vị quản lý, khai thác còn lại vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục sớm.

Trong đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương khắc phục những hư hỏng, phát dọn bụi cây mọc trên thân đập, khu vực vào, ra cửa tràn… Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khẩn trương khắc phục những hư hỏng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí khắc phục hư hỏng tại 2 công trình hồ chứa Tân Sơn và Ia Hdreh để đảm bảo an toàn.

Trường hợp không thể sửa chữa thì Công ty chủ động theo dõi điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai cho công trình phù hợp với diễn biến thời tiết.

“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí hàng năm cho các địa phương triển khai quản lý an toàn hồ, đập; bố trí kinh phí cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và huyện Krông Pa sửa chữa, khắc phục những hạng mục hư hỏng tại hồ chứa Tân Sơn, Ia Hdreh, Chư Gu nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm nay và những năm tới”Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.

Ông Rah Lan Đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.N

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng

(GLO)- Mô hình thí điểm “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ama Giai (xã Đất Bằng) do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) triển khai bước đầu phát huy hiệu quả.