Gia Lai: Không quản lý tốt đàn chó, nguy cơ tử vong do bệnh dại sẽ còn tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Việc quản lý đàn chó kém, chưa phủ rộng vắc xin dại cho chó, mèo dự báo nguy cơ tử vong do bệnh dại tại Gia Lai sẽ còn tăng trong thời gian đến.

Còn chủ quan trong phòng-chống bệnh dại

Ca tử vong do bệnh dại gần đây nhất ghi nhận tại thôn O Đất (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vào ngày 8-8. Ngoài ca tử vong còn ghi nhận 11 trường hợp phơi nhiễm. Trường hợp tử vong là anh D. Theo lời khai của người nhà anh D., đầu tháng 7-2024, anh D. bị chó của gia đình cắn nhưng không lên Trạm Y tế xã để xử lý vết thương hay khai báo vì thế Trạm Y tế không nắm được thông tin. Anh D. không đi tiêm huyết thanh kháng dại hoặc vắc xin phòng bệnh dại.

Bác sĩ Phan Thị Thái-Trưởng trạm y tế xã Ia Băng, huyện Đak Đoa tuyên truyền người dân thôn O Đất về việc cần thiết của tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cào cắn. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Phan Thị Thái-Trưởng trạm y tế xã Ia Băng, huyện Đak Đoa tuyên truyền người dân thôn O Đất về việc cần thiết của tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cào cắn. Ảnh: Như Nguyện

Con chó cắn anh D. không cắn thêm người khác, không được tiêm vắc xin phòng dại. Con chó sau khi cắn anh D. bị người nhà đập chết làm thịt để ăn. Đến ngày 7-8, anh D. phát bệnh và sáng 8-8 thì tử vong. Qua điều tra, xác minh có 11 người phơi nhiễm; trong đó 2 người nguy cơ rất cao do trực tiếp làm thịt chó, 9 người tiếp xúc với trường hợp tử vong do bệnh dại.

Bác sĩ Phan Thị Thái-Trưởng trạm Y tế xã Ia Băng thông tin: Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, đồng thời vận động 11 trường hợp phơi nhiễm đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.

“Qua vận động có 3 trường hợp lên tỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 8 trường hợp còn lại không đi tiêm do điều kiện khó khăn. Chúng tôi đã lên tỉnh mua vắc xin về và đến nhà của 8 đối tượng chưa tiêm vận động, tuyên truyền tiêm vắc xin. Trạm chỉ lấy tiền vắc xin mua giùm còn sẽ tiêm giúp không tính công tiêm. Qua đó, có 7 trường hợp đồng ý tiêm. Còn lại 1 trường hợp kiên quyết không tiêm vì không có tiền mặc dù đây là đối tượng nguy cơ cao vì trực tiếp làm thịt con chó. Trường hợp này là hộ nghèo nên tôi hứa hỗ trợ vắc xin miễn phí nhưng họ cũng không đồng ý tiêm”- bác sĩ Thái cho biết.

Thôn O Đất (xã Ia Băng) có khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số và 100% hộ dân đều nuôi chó với tổng số đàn chó trên 4.000 con. Hộ ít nuôi 1 con, nhiều thì vài con nhưng có khoảng 30% chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Người dân nơi đây nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không quản lý chặt chẽ dẫn đến nguy cơ bệnh dại tiềm ẩn.

Bác sĩ Phan Thị Thái-Trưởng trạm y tế xã Ia Băng, huyện Đak Đoa thăm khám sức khỏe cho 1 trường hợp bị chó nhà cắn và tư vấn phòng-chống bệnh dại cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Phan Thị Thái-Trưởng trạm y tế xã Ia Băng, huyện Đak Đoa thăm khám sức khỏe cho 1 trường hợp bị chó nhà cắn và tư vấn phòng-chống bệnh dại cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Ông Her-Thôn trưởng thôn O Đất chia sẻ: Các hộ dân chưa có thói quen tiêm vắc xin cho chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cũng chủ quan không tiêm phòng, một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, phần khác là do chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dại. “Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn thôn, người dân đã bắt đầu sợ và quan tâm đến việc phòng bệnh. Trong số 11 người bị phơi nhiễm thì có 10 người đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trường hợp còn lại, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động”- ông Her nói.

Cần phủ rộng vắc xin dại cho chó, mèo

Việc ghi nhận ca tử vong do bệnh dại, thôn O Đất (xã Ia Băng) đã xuất hiện ổ dịch dại trên đàn chó. Điều cần làm là xử lý dứt điểm ổ dịch dại này; trong đó nhanh chóng phủ rộng vắc xin cho đàn chó trong thôn. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa thấy cán bộ thú y đến tiêm phòng vắc xin phòng dại cho chó.

Ông Hoanh (thôn O Đất, xã Ia Băng) cho biết: Sau khi ghi nhận ca tử vong do bệnh dại, cán bộ thú y có xuống và phổ biến việc sẽ tiêm phòng cho đàn chó tại thôn nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy. “Trong khi đó, con chó cắn chết người đã có mầm mống bệnh dại và có thể đã lây bệnh dại cho những con chó khác trong thôn. Việc không xử lý triệt để ổ dịch dại trên đàn chó sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh dại cho người, khiến người dân hết sức lo lắng”- ông Hoanh nhấn mạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 217 ngàn con, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin trên tổng đàn chó, mèo của địa phương vẫn còn thấp, mới đạt khoảng 20%. Bên cạnh đó, những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống bệnh dại thời gian qua chưa được hiệu quả như mong muốn; thói quen nuôi chó, mèo thả rông; không chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi và không tiêm vắc xin khi bị chó, mèo cào cắn… càng khiến nguy cơ bệnh dại sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp hơn tại tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, việc phủ rộng vắc xin dại cho chó, mèo, vật nuôi là việc cần quan tâm trong công tác phòng-chống bệnh dại hiện nay.

Việc quản lý đàn chó kém, chưa phủ rộng vắc xin dại cho chó, mèo dẫn đến nguy cơ tử vong do bệnh dại tại Gia Lai dự báo sẽ còn tăng trong thời gian đến. Ảnh: Như Nguyện

Việc quản lý đàn chó kém, chưa phủ rộng vắc xin dại cho chó, mèo dẫn đến nguy cơ tử vong do bệnh dại tại Gia Lai dự báo sẽ còn tăng trong thời gian đến. Ảnh: Như Nguyện

Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhìn nhận: Không có bệnh dại trên vật nuôi sẽ không có bệnh dại trên người, do đó việc chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo, vật nuôi là việc làm cần thiết. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu nguồn bệnh dại là chó nhà chiếm hơn 90%, sau đó là mèo nhà.

“Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng-chống bệnh dại. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương, kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị…”- ông Đồng khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

1 chén dâu tây mỗi ngày giúp giảm mỡ máu lại tốt cho tim, não

Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu nhưng nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Critical Reviews in Food Science and Nutrition đã phát hiện một loại trái cây được yêu thích có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch và não bộ đồng thời kiểm soát mức cholesterol

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

Rau chân vịt (còn gọi cải bó xôi, rau bina) được xem là siêu thực phẩm vào mùa đông vì chứa đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể ngăn ngừa các bệnh theo mùa và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại rau này có lượng calo thấp nên rất phù hợp cho chế độ ăn giảm cân.