Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở khu du lịch (KDL) biển Hải Tiến có khoảng 10 cửa hàng bán hải sản nằm hai bên tuyến đường 22 m, qua địa bàn các xã Hoằng Hải, Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), nhưng đa phần các cửa hàng này không có bảng niêm yết giá bán...
NÂNG GIÁ HẢI SẢN GẤP 2 - 3 LẦN
Hải Tiến (H.Hoằng Hóa) là khu du lịch biển lớn thứ hai ở Thanh Hóa, sau Sầm Sơn. Dù là "sinh sau, đẻ muộn", mới đi vào hoạt động từ năm 2012, nhưng tại đây đang tồn tại nhiều mặt trái, mà lớn nhất là chiêu trò moi tiền mỗi khi du khách mua hải sản về làm quà.
Xe điện tấp nập chở khách đến mua hàng tại một cửa hàng ở KDL biển Hải Tiến |
Trong vai một người tìm hiểu thị trường kinh doanh hải sản, PV Thanh Niên được nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hải sản ở KDL biển Hải Tiến chia sẻ về tình trạng tài xế xe điện hoành hành ở đây, khiến ngay cả các chủ cửa hàng hải sản cũng phải ngao ngán, lao đao nếu không chiều chuộng tài xế. Chủ một cửa hàng bán hải sản khô và đông lạnh ở KDL biển Hải Tiến tiết lộ "số phận" của khoảng 10 cửa hàng nơi đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xe điện. Nghĩa là cửa hàng nào "mua" được xe điện, "sống đẹp", và chịu chi thì được tài xế xe điện chở khách đến mua hàng, còn cửa hàng nào không "nuôi" xe điện thì trước sau gì cũng phá sản vì không có khách.
"Ở đây tiền phần trăm cho tài xế xe điện thành luật bất thành văn rồi. Mấy năm nay, mỗi cái nem chủ cửa hàng bán giá bao nhiêu không cần biết, nhưng phải trích cho tài xế xe điện 1.000 đồng/cái khi họ chở khách đến. Nước mắm thì mình lấy loại 60.000 đồng/lít, về bán 70.000 đồng/lít, chỉ lãi có 10.000 đồng/lít thôi, nhưng khi tài xế xe điện chở khách đến, họ tự giới thiệu và bán cho du khách, giá thấp cũng 150.000 - 200.000 đồng/lít, thậm chí cao hơn. Bán xong, mình chỉ lấy đúng 70.000 đồng/lít như giá mình đưa ra, còn lại bao nhiêu thì tài xế xe điện lấy cả. Nên 1 lít nước mắm qua tay tài xế xe điện phải đội giá lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Có những chuyến xe người ta mua mấy chục lít về làm quà, thậm chí hàng trăm lít nước mắm, những chuyến đó tài xế xe điện được cả hàng triệu đồng", chủ một cửa hàng bán hải sản ở KDL biển Hải Tiến tiết lộ.
Người này cũng thừa nhận: "Nhiều mặt hàng mình đưa giá bán cho tài xế xe điện, sau đó họ chở khách, giới thiệu với khách và ra giá cao hơn gấp 2 - 3 lần để ăn tiền chênh lệch. Nếu không để tài xế xe điện tự làm giá, họ sẽ phật lòng, không chở khách đến nữa thì coi như cửa hàng phá sản".
Trước cửa các khách sạn ở KDL biển Hải Tiến luôn có nhiều xe điện chực chờ đón, chở khách đi mua hải sản về làm quà |
Ở một cửa hàng bán hải sản khác của KDL biển Hải Tiến, thời điểm PV đang có mặt thì chứng kiến cảnh một tài xế xe điện đến gặp chủ cửa hàng để lấy tiền hoa hồng. Qua đoạn trao đổi giữa tài xế với chủ cửa hàng thì được biết mỗi lần xe điện chở khách đến mua hàng đều được chủ cửa hàng dùng sổ sách ghi lại tên, số lượng hàng bán được từ chuyến chở khách đó, để tính ra tiền hoa hồng hoặc tiền chênh lệch phải trả cho tài xế xe điện.
Trong cuộc trao đổi giữa chủ cửa hàng bán hải sản với tài xế xe điện có đoạn chủ cửa hàng nói: "Của em được 250 ngàn (250.000 đồng). Mắm tôm bán 120 (120.000 đồng) một lít thì chị lấy 40 (40.000 đồng), còn em được 80.000 một lít".
Nghĩa là trước đó, tài xế này chở khách đến mua hơn 3 lít nước mắm, mỗi lít 120.000 đồng. Trong 120.000 đồng thì chủ cửa hàng bán hải sản được 40.000 đồng/lít, còn 80.000 đồng thuộc về tài xế xe điện. Như vậy, dù phải đầu tư cửa hàng, mua hàng để bán, nhưng tổng cả gốc lẫn lãi, người chủ chỉ thu được một nửa so với số tiền phải "cúng" cho tài xế xe điện.
MỘT CỔ HAI TRÒNG
PV tiếp tục tìm đến một chủ cửa hàng bán hải sản khác ở KDL Hải Tiến và người này tỏ vẻ ngao ngán khi nhiều năm phải chịu cảnh "một cổ hai tròng". Người chủ cửa hàng hải sản này cho hay: "Mỗi cân (kg) cá thu, chúng tôi phải trích cho xe điện 50.000 đồng/kg, cua thì 100.000 đồng/kg; tôm hùm trích 120.000 đồng/kg. Vì phải trích cho xe điện nên chúng tôi buộc phải đẩy giá tăng cao và du khách phải chịu thôi. Việc này khiến các cửa hàng rất dễ mất khách. Xe điện không chỉ ăn tiền phần trăm khi khách mua hải sản mà còn ăn tiền đầu xe. Cửa hàng hải sản đầu mỗi vụ lại mua đầu xe, nếu muốn tài xế xe điện đó chở khách đến cửa hàng của mình thì phải cho từ 5 - 10 triệu đồng mỗi xe/vụ, tùy vào xe nào chở được nhiều hay ít khách".
Nhiều mặt hàng hải sản đã bị đội giá lên cao và người thiệt thòi là du khách |
Cũng theo người chủ trên, vì phải trích tiền cho xe điện nên buộc một số mặt hàng tăng giá cao, và tạo nên một thị trường không lành mạnh. Hầu hết các chủ cửa hàng bán hải sản bày tỏ bức xúc vì hàng hóa của họ kinh doanh, buôn bán nhưng giá cả lại phải "chiều lòng" tài xế xe điện. Bởi du khách khi đi mua hải sản về làm quà đều phải đi xe điện, nên việc chở đến quán nào chủ yếu do tài xế xe điện mời chào, chèo kéo.
"Năm ngoái, tôi tính tổng số tiền các tài xế xe điện thu được từ việc chở khách đến cửa hàng nhà tôi là phải hơn 1 tỉ đồng. Còn chủ cửa hàng như tôi thì chỉ lãi được khoảng 200 triệu đồng. Tình hình mà cứ như thế này thì không tốt chút nào, dễ mất khách lắm", một chủ cửa hàng bán hải sản cho biết.
Cũng theo nhiều chủ cửa hàng, ngoài phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", họ còn phải "nịnh" tài xế xe điện, như khi tài xế ốm đau thì phải thăm hỏi, nhà tài xế có hiếu, hỉ thì dù không có quan hệ anh em, họ hàng cũng phải quan tâm, giúp đỡ… "Với bố mẹ mình ở nhà, có khi mình còn lỡ nói năng xẵng giọng chứ còn đối với tài xế xe điện phải "đội lên đầu". Khi xe điện đến cửa hàng thì phải rót nước, pha chè, niềm nở chào hỏi tử tế", chủ một cửa hàng bán hải sản ngao ngán kể về việc "chiều lòng" tài xế xe điện để họ chở khách đến mua hàng.
Với bố mẹ mình ở nhà, có khi mình còn lỡ nói năng xẵng giọng chứ còn đối với tài xế xe điện phải "đội lên đầu". Khi xe điện đến cửa hàng thì phải rót nước, pha chè, niềm nở chào hỏi tử tế.
Chủ một cửa hàng bán hải sản tại KDL biển Hải Tiến
(còn tiếp)