Gương mặt thơ: Nguyễn Bình Phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh khởi đầu từ thơ, từ hồi chưa vào quân đội, rồi thành công về đường văn xuôi với những tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng, là một cây bút văn xuôi với rất nhiều thành tựu, những là “Một ví dụ xoàng”, “Mình và họ”, “Người đi vắng”, “Vào cõi”, “Ngồi”, “Những đứa trẻ chết già”...

Nhưng té ra, trong sâu thẳm, chất thi sĩ của anh vẫn rất dồi dào, luôn hừng hực nhựa sống, mà tập “Buổi câu hờ hững” của anh (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội) là ví dụ. Có người nói anh là người viết đi cả hai chân, và tôi thấy thêm, có vẻ như chân nào cũng là chân trụ.

Thơ anh kiệm lời, chắc khự, nén như... bộc phá, và vì thế mà năng lượng tỏa ra đậm, những câu thơ đầy ám ảnh đến bất ngờ: “Nghe mây chần chừ qua đồng bằng/cùng hồng hoa bước ra giữa nắng/nhưng tuyệt nhiên ta không hề nghe thấy/bao tiếng kêu khoảng trống bị lấp đầy/thành ta/Nghe…”.

Nhìn ông thợ mộc, anh hình dung ra tất cả các công việc ông làm, những công việc của thợ mộc nhưng lại không phải của thợ mộc, những bào nhẵn, những mảnh ghép, những cuộc đời, cả dang dở và bằng phẳng đều đang cần tút tát lại, dẫu nó viển vông, dẫu nó hư hư thực thực, nhưng nó là đời và nó là thơ: “Ông thợ mộc đi đóng tủ nhan sắc/cho bà mẹ đơn thân/đóng chiếc bàn hội nghị ba bên/ký đình chiến ngày mai và quá khứ/cùng cây bút thực hư/ghi nhốn nháo phiếu tem thời bao cấp...”, để rồi bật ra câu hỏi: “Ông thợ mộc bước chậm qua tháng năm/bên đường ai đó hỏi tần ngần:/- Nghe nói gỗ sưa giờ bán bằng cân/ngày xưa họ sẽ bán bằng gì?”.

Thơ Nguyễn Bình Phương mới đọc tưởng thiên về lý tính, tưởng như nhát gừng, lạnh lùng, nhưng phía sau đấy là thăm thẳm yêu thương, ấm áp, và có nỗi đau, những nỗi đau tinh khiết...

Anh hiện là Đại tá, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.




GÕ CỬA NHỮNG BÔNG HOA



Gõ ba tiếng

thế là se sẽ mở

một biệt thự kiêu sa phù du



Rồi bước ra trong chiếc áo ngủ

cùng giọng nói mạ bạc:

- Em hỏi gì thế kia

mà thân thể đua nhau vang vọng?

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

- Dạ thưa, hương hoa hồng

tại sao không có bóng?



- Không có nó vì em gõ cửa!



Ở những tòa biệt thự

câu hỏi nào cũng chết bằng hoa.



MỘT ĐỊNH NGHĨA Ở MIỀN BÁN SƠN ĐỊA



Trên ban công tầng hai em ngồi lẫn với khuya

bầu trời nở ngàn bông loa kèn trắng

đừng hoài nghi em, xin đừng hỏi

em là nụ cười huyền hoặc của hư vô



Em là ký ức vầng trăng kia

xanh xao như đời ai đơn chiếc

là ý nghĩ lặng thinh tuột ra khỏi buổi chiều

về thong thả trên ngói nâu dáng cổ

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Em là đỏ của đen

là sóng sánh ngọn đèn con trong nước

mắt em phì nhiêu cô tịch

mơn man một khóm trúc đào



Xin đừng nhắc về mưa kẻo ngày mai lại ướt

đừng xòe ô trên những chân trời

anh biết nơi em lắng đọng

một ngày vắng bóng trong năm



Hãy thả bước vào màn đêm nhung lụa

hư vô không lừa dối bao giờ.



THỢ MỘC



Ông thợ mộc đi đâu thế kia

sửa cánh cửa hoàng hôn đang xệ

hay làm giá trưng bày cơn mê

bộ sưu tập những người chưa tỉnh giấc

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Ông thợ mộc đi đóng tủ nhan sắc

cho bà mẹ đơn thân

đóng chiếc bàn hội nghị ba bên

ký đình chiến ngày mai và quá khứ

cùng cây bút thực hư

ghi nhốn nháo phiếu tem thời bao cấp



Ông thợ mộc đi đóng thuê kệ sách

sách kinh điển chữ như đàn ong mật

đóng quan tài cho cầu vồng mới tắt

vì sảy chân ngã xuống một sắc tình



Ông ơi, này ông ơi

có nhận bào cá tính

nhận đóng khung kẻ nghiện bầu trời

véc ni lại những chiến trường già cỗi

làm giường như bà Âu Cơ từng nằm



Ông thợ mộc bước chậm qua tháng năm

bên đường ai đó hỏi tần ngần:

- Nghe nói gỗ sưa giờ bán bằng cân

ngày xưa họ sẽ bán bằng gì?

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.