Glar là xã vùng I, nằm cách trung tâm huyện 5,7 km về phía Nam với diện tích đất tự nhiên hơn 4.000 ha. Xã có 9 thôn với gần 2.430 hộ dân, 9.850 nhân khẩu, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 98% dân số toàn xã. Ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar cho biết: Người dân trong xã sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp với những loại cây trồng như cà phê (gần 2.000 ha), lúa (hơn 800 ha), cao su (hơn 250 ha), một số cây ăn quả; chăn nuôi chủ yếu là bò (khoảng 2.200 con), heo (hơn 3.600 con), dê (gần 300 con) và hơn 10.000 con gia cầm...
Dải phân cách rực rỡ hoa giấy ngay tại trung tâm xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Duy |
Năm 2016, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, xã có 2 thôn được UBND huyện công nhận là thôn nông thôn mới là thôn Dôr 2 và thôn Dơk Rơng. Với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả đáng kể nên xã Glar đã thực sự có sự thay đổi toàn diện.
Ông Thoại chia sẻ: “Bên cạnh việc phát triển kinh tế, diện mạo các nông thôn của xã cũng được chú trọng xây dựng và có sự thay đổi rõ rệt, nhận thức của người dân cũng được nâng lên. Hiện các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa đảm bảo không lầy lội vào mưa, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa với 13,5 km; xã đã có 52 km km đường liên thôn, đường nội thôn được bê tông hóa và có 26 km được bê tông hóa, cứng hóa đảm bảo vận chuyển nông sản trong mùa mưa”.
Là một trong những hộ dân gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất làm đường, anh Yôl (làng Dôr 1) chia sẻ: “Trước kia, đường từ làng ra rẫy cà phê vào mùa mưa rất lầy lội, khó đi lại cũng như vận chuyển nông sản. Bởi vậy, khi thôn triển khai vận động người dân di dời hàng rào, hiến đất mở rộng và cải tạo đường, tôi đã chấp hành ngay việc hiến hơn 20 m đất dọc tuyến đường. Tôi chỉ mong đóng góp chút công sức để diện mạo thôn, làng khang trang, sạch đẹp hơn”.
Ý thức trong bảo vệ môi trường của người dân đã góp phần tạo nên diện mạo khang trang, sạch sẽ của vùng nông thôn Glar. Ảnh: Hà Duy |
Với sự tích cực tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt. Hiện có trên 80% số hộ gia đình trên địa bàn xã đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào cổng ngõ. Hàng rào bằng cây được nhân dân cắt tỉa gọn gàng, không gây cản trở giao thông và phù hợp với quy hoạch lộ giới. Xã có 2.330 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 100% so với tổng số hộ trên toàn xã. Người dân trên địa bàn sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan trong vườn nhà, giếng cách nguồn gây ô nhiễm tối thiểu 10 m, có nắp đậy và có miệng đào cao 0,5 m. Có 71% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
Hàng năm, xã hợp đồng với đơn vị thu gom tiêu hủy các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vỏ các loại hóa chất độc hại theo đúng quy định. Còn tại khu vực công cộng, hàng tuần Công đoàn xã cũng tổ chức cho cán bộ, công chức xã tổ chức dọn vệ sinh ở trụ sở cơ quan Tại các trường học, học sinh dọn vệ sinh xung quanh trường 2 lần/tuần, dọc các tuyến đường nhân dân tự tổ chức phát dọn, thu gom rác thải định kỳ hàng tháng. Nhiều hộ dân đã có ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà ở, tự đào hố rác và xử lý rác thải tại nhà hoặc tập kết rác tại khu vực bãi rác xã Glar theo đúng quy định.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hỗ trợ bón các loại cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa, trong đó có xã Glar tham gia dự án liên kết sản xuất cà phê bền vững. Ảnh: Hà Duy |
Anh Huân (người dân trung tâm xã Glar) cho hay: “Chúng tôi được các cán bộ tuyên truyền rất nhiều về vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại bao bì, tôi đều gom lại một chỗ chứ không vứt bừa bãi ra môi trường”.
Nói về kinh nghiệm để đạt được những kết quả đáng phấn khởi đó, ông Thoại chia sẻ: “Trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng xây dựng nông thôn mới nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng. Phải làm cho người dân hiểu bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe, cần ý thức tự giác của chính bà con trong việc thu gom rác thải; tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; không thả rông súc vật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ; sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền và sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban ngành đoàn thể chính trị-xã hội của xã, đặc biệt là già làng, người uy tín trong cộng đồng. Quan trọng nhất là mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.