Cồng chiêng cuối tuần khi nào thì… dừng lại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nghe tôi thông tin về chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm”, một người bạn đam mê văn hóa dân gian đã cất công từ TP. Hồ Chí Minh lên Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đêm 11-2, sau khi tận mắt thấy tất cả, anh lặng lẽ hỏi tôi: Khi nào thì sinh hoạt này dừng hẳn?

Là người nêu ý tưởng tổ chức chương trình này và cùng đồng nghiệp cố gắng duy trì nó từ hồi tháng 4-2022 đến nay, tôi trả lời anh: “Cũng nhanh thôi hoặc không bao giờ, anh ạ”. Rồi tôi lý giải thêm: “Nhanh” là vì chỉ cần không có tiền trả cho nghệ nhân cuối mỗi tuần, chúng tôi dù muốn đến mấy cũng đành chịu; còn “không bao giờ” nghĩa là chúng tôi có kinh phí để mời bà con mang cồng chiêng về phố thì chương trình vẫn cứ sẽ tiếp tục.

Bỏ qua mục đích ý nghĩa của chương trình, kiểu như là một điểm thu hút khách du lịch về đêm, là một cách để bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, tôi kể anh nghe hành trình đi đến việc này. Ban đầu là thuyết phục các đồng chí lãnh đạo để có được một khoảng không gian ở Quảng trường Đại Đoàn Kết vào ban đêm. Nơi đây có cây xanh, có điện chiếu sáng vừa phải, trước nay vừa khoáng đạt, vừa bình yên-hiểu là ít người tập trung, không vui chơi gì-nay “các anh” làm sự kiện, nhỡ có sự cố như đánh nhau, mất xe cộ, không bảo đảm an ninh trật tự thì sao? Chúng tôi cam đoan sẽ không để xảy ra chuyện này và có ngay giải pháp: có cán bộ bảo vệ. Việc điện chưa sáng lắm thì dễ nhờ can thiệp nhưng đến đoạn nhảy múa liệu cỏ có chết không thì cũng phải trưng ra giải pháp: Nghệ nhân đi chân đất, không bao giờ đốt lửa. Việc quá tải nhà vệ sinh (nếu có), việc lượm rác ngay và luôn xung quanh khu vực diễn ra sự kiện (do khách ăn uống xả ra) cũng được thảo luận và đi đến thống nhất: Có khoản hỗ trợ cho một số nhân viên làm việc này trong những đêm diễn ra sự kiện.

Một tiết mục trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm” đêm 11-2-2023. Ảnh: Nguyễn Đức Huy

Một tiết mục trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm” đêm 11-2-2023. Ảnh: Nguyễn Đức Huy

Theo kế hoạch, thứ bảy mỗi cuối tuần có 1 đội cồng chiêng biểu diễn từ 19 đến 21 giờ. Số tiền chi trả cho khoảng 40 nghệ nhân là 10 triệu đồng (250 ngàn đồng/người), cộng với các khoản không thể không chi đã nêu ở phần trên, chúng tôi phải xoay xở khoảng 13-14 triệu đồng, trong khi ngân sách không cấp đồng nào.

Các đội cồng chiêng ở cấp huyện có đăng ký lên Pleiku biểu diễn để “khoe” văn hóa truyền thống của địa phương mình không? Có, nhưng từ năm 2022 đến nay cũng chỉ có vài đơn vị. Khó khăn của các đội cồng chiêng này là kinh phí ăn ở, đi lại. Khó khăn là thế mà rồi cũng dắt díu nhau đi được nhiều đêm liền suốt từ năm ngoái đến nay. Nói năm cho dài, kỳ thực những tháng mùa mưa, chương trình đành tạm dừng.

Vậy, tiền đâu để làm? Lỡ rồi, đành liều “xin” lãnh đạo cấp trên cho mượn thêm một khoảnh đất nhỏ dọc Quảng trường, mời bạn bè kinh doanh ẩm thực vào bán những đêm diễn ra cồng chiêng để có kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân. Một số anh em buôn bán ham vui không nề hà gì nên cùng “nhào vô”. Nhưng kinh doanh thì cần lãi, mà chỗ này lãi không nhiều lắm (thường được nghe phàn nàn là không lời hoặc lỗ) nên bạn bè cũng dần kém mặn mà. Có đợt mời cả shop bán áo quần vào để chia sẻ “gánh nặng” kinh phí đóng góp thì bị cộng đồng mạng dè bỉu, lãnh đạo nhắc nhở. Giá như những người chê trách ấy biết được “nỗi niềm” của chúng tôi sau mỗi đêm cồng chiêng ấy, sự thể đã không xảy ra.

Tối 11-2, chúng tôi ngồi bên nhau khá lâu, khi đêm cồng chiêng cuối tuần đầu tiên của năm mới 2023 đã kết thúc. Câu chuyện vẫn loanh quanh việc tìm đâu ra nguồn kinh phí để duy trì một hoạt động ít nhiều có tác động đến văn hóa, du lịch của địa phương. Anh bạn tôi nói sẽ cố gắng tìm kiếm nguồn hỗ trợ, nhưng cùng lắm cũng chỉ được vài đêm thôi. Tôi bảo, một đêm cũng đã là quý lắm, vì như khuya nay, nghệ nhân đã về rồi mà cả nhóm vẫn chưa biết lấy gì để chi trả. Rồi tuần sau, tuần sau nữa, chương trình có còn đủ sức để “chạy” nữa không? Khó quá, nhưng chúng tôi vẫn muốn thử sức thêm, như là một cách góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Có thể bạn quan tâm

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

(GLO)- Ông Rơ Châm Khir (SN 1954, làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) không chỉ có đôi tay tài hoa vẽ những bức tranh sơn dầu, tượng gỗ dân gian đặc sắc, mà còn là già làng uy tín được cộng đồng tin tưởng.

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

null