Pleiku: Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP. Pleiku. Đây là dấu mốc kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku (3/12/1929-3/12/2019) và là năm bản lề để thành phố đánh giá lại toàn bộ quá trình đầu tư phát triển đô thị hòa chung với quá trình phát triển của đất nước từ sau ngày giải phóng đến nay. “Với những thành quả kinh tế-xã hội đạt được trong những năm qua, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, tôi tin rằng, Pleiku đã sẵn sàng trở thành đô thị loại I”-ông Trần Xuân Quang khẳng định.

 

Xây dựng đô thị thông minh

Thích thú vì điện thoại nhanh chóng kết nối được sóng wifi miễn phí tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Phương Thảo-một du khách đến từ Quảng Trị-không khỏi bất ngờ bởi sự hiện đại của Phố núi Pleiku. “Quả là một điều thú vị. Pleiku thật khác với những gì tôi tưởng tượng. Khó có từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này trước sự phát triển vượt bậc của một thành phố trên cao nguyên. Quảng trường đẹp, hoành tráng, phố xá sầm uất, nhộn nhịp và rất nhiều tiện ích…”-chị Thảo nhận xét. Chỉ sau vài phút, những hình ảnh của chị Thảo “check-in” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết đã được đăng trên mạng xã hội Facebook. Thậm chí, chị còn mở chức năng gọi điện video qua mạng xã hội Zalo để người thân ở nhà cùng ngắm Quảng trường...

Việc phủ sóng wifi miễn phí tại Quảng trường Đại Đoàn Kết khiến nơi đây trở thành điểm đến được nhiều bạn trẻ Phố núi lựa chọn vào các dịp sinh nhật, hội hè… “Tụi em thường xuyên tới đây để tổ chức sinh nhật, dã ngoại cuối tuần. Quảng trường không chỉ có không gian rộng thoáng, gần gũi thiên nhiên mà còn có nhiều cảnh đẹp để chụp ảnh “sống ảo”, lại có sóng wifi miễn phí để “post” hình nóng sốt”-em Lê Thu Loan (TP. Pleiku) chia sẻ.

Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội-Chi nhánh Viettel Gia Lai đã xây dựng, lắp đặt hệ thống băng thông rộng wifi miễn phí tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với đường truyền ổn định, tốc độ cao. Trong bán kính 300 m quanh khu vực Quảng trường, người dân, du khách có thể truy cập vào mạng internet dễ dàng. Không chỉ vậy, tại các cửa ngõ ra vào TP. Pleiku và các điểm quan trọng, đông dân cư, các “điểm đen” về tai nạn giao thông, những nơi phức tạp về an ninh trật tự đã được TP. Pleiku đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát…

 Một góc TP. Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN



Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Gia Lai đang triển khai xây dựng Pleiku theo hướng đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hiệu quả quản trị, vận hành các lĩnh vực và tính cạnh tranh của thành phố. Từ đó, tạo cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với xây dựng chính quyền điện tử… Hiện nay, tỉnh có 1.492 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến (100%); trong đó cung cấp trực tuyến ở mức 1 và 2 là 1.042 thủ tục, mức 3 là 329 thủ tục, mức 4 là 127 thủ tục. Pleiku là địa phương đứng đầu tỉnh về cải cách thủ tục hành chính với rất nhiều cơ quan, ban, ngành triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Hiện đại và giàu bản sắc

Hình ảnh Phố núi Pleiku vào những năm 1970 chỉ “đi dăm phút đã về chốn cũ” như miêu tả của nhà thơ Vũ Hữu Định trong bài thơ “Còn chút gì để nhớ” giờ đây đã trở thành ký ức. Pleiku bây giờ phố xá đã hiện đại, sầm uất với những tòa nhà cao tầng; dọc các tuyến phố là nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, quán xá… nhộn nhịp. Và để khám phá hết thành phố,  từ các điểm đến lịch sử như Nhà lao Pleiku tới thắng cảnh Biển Hồ, Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng…, du khách phải mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng của thành phố đã có sự phát triển vượt bậc với Cảng Hàng không phục vụ trên 723.000 lượt khách mỗi năm; vận tải hàng hóa và hành khách tăng trung bình từ 12% đến 14% trong 5 năm gần đây cùng lượng phương tiện vận tải hùng hậu (khoảng 1.200 xe) của gần 500 đơn vị, hộ kinh doanh… Tất cả những điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa của Pleiku, từng bước đưa thành phố vươn lên trở thành đô thị loại I.

Cùng vài người bạn đến tham quan Biển Hồ, bà Juliet (người Pháp, đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh) rất thích thú với phong cảnh, khí hậu mát mẻ trong lành của Pleiku. “Thành phố của các bạn ẩn chứa một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng. Những hàng thông khiến tôi có cảm giác gần gũi như đang ở quê mình. Tôi yêu Pleiku và chắc chắn sẽ trở lại một dịp gần nhất”-bà Juliet cho biết.

Không chỉ du khách mà ngay cả rất nhiều người dân Pleiku cũng cảm nhận được sự đổi thay của thành phố những năm qua. Từ một đô thị nhỏ, Pleiku đã vươn mình phát triển trở thành một thành phố trẻ, năng động. Theo ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, để có được kết quả trên là cả một quá trình nỗ lực xây dựng và phát triển. Đặc biệt, với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cộng với vốn ngân sách thành phố và sự huy động các nguồn lực trong xã hội, TP. Pleiku đã đầu tư có hiệu quả nhiều chương trình dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng phúc lợi xã hội góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị. Hiện nay, 100% đường chính có tên trong thành phố đã được nhựa hóa, bê tông hóa và hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng… Song song việc đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các cao ốc, các khu đô thị mới như Hoa Lư-Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, Diên Phú…, thành phố còn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội như trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đậu đỗ xe ô tô tạm thời trên lòng đường, hè phố, quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị,...

Với mục tiêu phát triển Pleiku theo hướng vừa hợp lý, hài hòa, đồng bộ vừa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên cũng được đầu tư bài bản, tạo điểm nhấn phát triển du lịch, dịch vụ. Bình quân mỗi năm, Pleiku thu hút khoảng trên 274.000 người là lao động thường xuyên, khách du lịch và người đến khám-chữa bệnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của thành phố đạt 15%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt bình quân trên 1.600 tỷ đồng/năm… Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm xây dựng; công tác chăm lo bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc được chú trọng.

“Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, phải bắt tay xây dựng lại từ đầu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Pleiku hôm nay đã trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng kinh tế-xã hội. Trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, Pleiku đã tập trung khai thác lợi thế của mình, ra sức phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị văn minh, hiện đại. Kinh tế của thành phố có tốc độ tăng trưởng ngày càng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm hàng năm luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Tin tưởng rằng trong tương lai không xa, Pleiku sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, xanh-sạch-sáng-đẹp với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”-ông Trần Xuân Quang nhấn mạnh.

 LÊ LAN

Có thể bạn quan tâm