(GLO)- Thành phố Pleiku triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của thành phố là tạo môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Những năm qua, việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển rõ rệt, đáp ứng cơ bản yêu cầu thông tin, liên lạc cũng như phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Qua đó, tạo ra môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, góp phần đáng kể trong thực hiện cải cách hành chính, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường cũng đã sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử công vụ, chữ ký số, trang bị máy tính phục vụ lĩnh vực văn bản mật. Hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng hoạt động của cơ quan nhà nước với tỷ lệ 1 máy tính/cán bộ, công chức. Hệ thống một cửa điện tử của thành phố và các xã, phường hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thời gian xử lý công việc theo quy định. Thành phố cũng đã tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
|
Kỹ thuật viên xử lý thông tin hình ảnh qua camera tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Ảnh: Đ.T |
Đặc biệt, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku ngày càng hoạt động hiệu quả. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng một số phân hệ như: phản ánh hiện trường, các lĩnh vực hành chính công, giáo dục, y tế. Theo đó, thông qua app Pleiku Smart, người dân thuận tiện hơn trong việc giám sát, phản ánh, kiến nghị những bất cập trong quản lý đô thị cũng như nắm thông tin học tập của con em. Ở lĩnh vực hành chính công, người dân có thể đăng nhập vào hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến và theo dõi tiến độ xử lý công việc của mình. Bên cạnh đó, thành phố đã lắp đặt hệ thống wifi công cộng tại một số điểm như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, công viên Diên Hồng, khu thắng cảnh Biển Hồ, Cảng Hàng không Pleiku, Bến xe Đức Long Gia Lai; triển khai thí điểm hệ thống giám sát, quản lý giao thông thông minh. Ngoài ra, thành phố cũng đang từng bước nâng cấp, mở rộng mạng diện rộng (WAN); chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu, xây dựng các quy hoạch.
Theo Thượng tá Trần Văn Thuân-Giám đốc Viettel Gia Lai, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và tính minh bạch cho cả chính quyền và người dân. Để có sự đánh giá tổng quan về thực trạng chuyển đổi số của TP. Pleiku thì cần tiến hành khảo sát toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Dự kiến trong tháng 4 này, đoàn chuyên gia của Tập đoàn Viettel sẽ tiến hành khảo sát miễn phí giúp thành phố. “Hiện nay, phần lớn người dân thành phố vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán; các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chưa áp dụng công nghệ số trong quản lý điều hành dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí, rủi ro. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực CNTT của thành phố còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây cũng là trở ngại không nhỏ trong công tác đẩy mạnh chuyển đổi số”-Giám đốc Viettel Gia Lai đánh giá.
|
Đến năm 2025, TP. Pleiku phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Ảnh: Quang Tấn |
Theo kế hoạch, đến năm 2030, TP. Pleiku sẽ chuyển đổi số đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiết kiệm, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống người dân. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và 70% công việc tại các xã, phường được xử lý trên môi trường mạng; ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP của thành phố, góp phần nâng cao năng suất lao động hàng năm 5-10%; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ sóng trên 80% hộ gia đình, 100 xã, phường; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hà cho hay: Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chuyển đổi số. Thành phố cũng đã giao cho Viettel Gia Lai chịu trách nhiệm khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng hạ tầng cũng như việc thực hiện chuyển đổi số trên từng lĩnh vực. Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạo mọi điều kiện về thông tin, số liệu để đoàn khảo sát của Viettel nắm bắt chính xác thực trạng chuyển đổi số hiện nay. Trên cơ sở đó, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ dễ đến khó cũng như đề xuất nguồn kinh phí thực hiện theo từng giai đoạn. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Viettel Gia Lai nghiên cứu hỗ trợ triển khai thí điểm chuyển đổi số miễn phí cho xã Trà Đa và một lĩnh vực đơn giản, sau đó tiến hành đánh giá và nhân rộng ra toàn địa bàn.
QUANG TẤN