Pleiku: Phố và những con dốc dài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Được hình thành trên cao nguyên bazan thênh thang và màu mỡ, Pleiku từ xa xưa đã có những nét quyến rũ riêng. Với đặc trưng nhiều gió, nhiều sương, đặc biệt là nhiều núi đồi, triền dốc, Phố núi Pleiku đã khiến cho biết bao người-dẫu cư trú, hay chỉ thoáng qua nơi này đều mong nhớ.

Con dốc trên đường Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư
Con dốc trên đường Nguyễn Du (TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư

Phố Pleiku không bằng phẳng, không chia bàn cờ với những con đường thẳng tắp trải dài bóng cây như Buôn Ma Thuột, Kon Tum; Pleiku cũng không quá nhiều đồi dốc chênh vênh, ngất ngưởng cao như Đà Lạt. Pleiku ghi dấu trong lòng người với những con phố đủ rộng, đủ dài cùng nhiều con dốc mang dấu ấn riêng. Đó là con dốc uốn cong dịu dàng trên đường Nguyễn Viết Xuân xanh mát, là con dốc non trẻ trên phố Nguyễn Tất Thành; là dốc “Lò Bò” trập trùng, mạnh mẽ trên đường Thống Nhất hay dốc Hội Phú dài ngoằn với khúc trũng rất sâu như cánh võng. Và còn đó nhiều con dốc dài ngắn khác nhau như dốc Phan Đình Phùng tấp nập, dốc Diệp Kính với nhiều đổi thay hay dốc Trần Phú trải dài rộng rãi..

Tuổi thơ tôi gắn liền với con dốc Diệp Kính nhiều kỷ niệm. Nhà ở chân dốc, nhà đứa bạn thân thì ở đầu dốc. Ngày nào cũng năm lần bảy lượt chạy lên nhà nó đến hụt hơi, để rồi cả đoạn đường về được bù đắp với những bước chạy không phanh, mặc cho gió phả vào mặt không kịp thở, lòng khoan khoái vô bờ. Ngày bước vào tuổi học cấp hai, hai đứa cùng đến Trường Diên Hồng (nay là THCS Nguyễn Du) trên chiếc xe đạp nhỏ mà cảm giác thật... vi diệu. Đoạn đường thật dài, dốc thật cao, hì hụi đạp xe chở nhau, rồi thay phiên dắt trong những trưa nắng gắt. Xe đạp nhỏ, vòng quay nhỏ, chân đạp mỏi rã mà khi nhớ lại, vẫn lâng lâng vui với cảm giác đã vượt qua mỗi chặng dốc dài. Vui nhất là sau mỗi buổi học, hai đứa dành nhau cầm lái chiếc xe “thần thánh” để được thả dốc. Mà thật, cảm giác được thả dốc cực kỳ vui và khoan khoái. Chân tay, mặt mũi và cả những trái tim non trẻ tha hồ mà vi vu hưởng thụ.

Lớn lên chút nữa, rời con dốc cao ở Diệp Kính, cả nhà chuyển đến một căn nhà nhỏ trên đầu dốc đường Tô Vĩnh Diện bây giờ. Đi hết đoạn dốc là đến nhà, bên cạnh nhà là một cái đồi cao (nay đã bị san phẳng), nơi có rất nhiều hoa dã quỳ và những buổi trưa hè tuổi thơ ở đó. Ngày đó phố vắng người chứ không ồn ào tấp nập như bây giờ. Bởi vậy, những chiều đi học về, chỉ một mình và vài ba người bạn chậm rãi dắt xe lên dốc, thỉnh thoảng chiều muộn bên cạnh còn tiếng lục lạc leng keng của đàn bò thong dong kiếm cỏ trở về, nghe bình an và giản dị đến lạ. Con dốc về nhà ấy còn trở nên rất đẹp trong những đêm đi học thêm về, một mình lên dốc. Trong sự hiếm hoi ánh sáng của những bóng điện đường chỉ có ở những con phố lớn, dốc Tô Vĩnh Diện tràn ngập ánh sao. Cứ thế ngửa cổ lên trời mà bước đi, an nhiên và yên tâm rằng dưới chân không hề có chướng ngại, người nhẹ bẫng đi như thể đang bước đến chốn thiên đường.

Trời Pleiku rất nhiều gió, khí hậu của Pleiku cũng đỏng đảnh khó lường. Nhưng nhờ vậy mà những con dốc Pleiku lại càng mang nhiều nét đẹp riêng. Bạn hãy thử chào bình minh trên một con dốc sẽ thấy sự rượt đuổi của ánh nắng thú vị như thế nào. Nắng cứ thế tràn xuống mặt đường, không vồ vập, toàn vẹn như những con phố bằng phẳng, mà nó rải từ từ, chậm rãi theo triền dốc, kiểu như đùa cợt, kiểu như không có gì là vội vã. Ấn tượng hơn nữa là quan sát ánh đèn mỗi đêm trên mỗi đoạn dốc. Ánh sáng phát ra từ những ngôi nhà, xe máy, ô tô, từ những bảng hiệu lấp lánh, uyển chuyển như được bàn tay của người nghệ sĩ nhào nặn, uốn cong như thể đang nhảy múa.

 

Đường lên dốc Lò Bò, nay là đường Thống Nhất (TP. Pleiku). Ảnh: N.G
Đường lên dốc Lò Bò, nay là đường Thống Nhất (TP. Pleiku). Ảnh: N.G

Đẹp và ấn tượng như vậy, nhưng có lúc, không hiểu lý do gì mà những gồ ghề ấy bị san phẳng, bị hạ độ cao khiến ta ngỡ đã mất Pleiku xưa. May mắn thay, đâu đó vẫn còn chút tiếc nuối của những người yêu phố nên thỉnh thoảng có những gò đất được đắp bồi nơi công viên, nơi đường phố... như cố gắng níu kéo, như đang hồi nhớ và phục dựng.

Dẫu sao, Phố núi Pleiku cũng rất đẹp, rất đáng yêu, để người yêu phố vẫn có lúc đạp xe vượt dốc thử thách mình hay thong thả dạo chơi trên từng con dốc phố...

 Tâm An

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.