Phong tục uống rượu ghè của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với rượu ghè mời khách, người Bahnar còn sử dụng rượu ghè trong các dịp cúng tế, lễ hội. Dù sử dụng trong việc gì, thời gian, không gian nào, phong tục uống rượu ghè của người Bahnar vẫn là nét văn hóa đặc trưng.

Mỗi khi con cái lập gia đình, tách hộ ở riêng hoặc làm nhà mới, trước khi vào sinh sống, người Bahnar đều tiến hành lễ mừng nhà mới (et tok hnam) để cầu chúc cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn tấn tới, cuộc sống hòa thuận. Ngày mừng nhà mới, anh em, họ hàng cùng góp rượu ghè, vừa để chung vui, vừa để tạo nên tình cảm gắn bó, thân tình. Và, rượu này bắt buộc phải mời chủ nhà mới uống trước, sau đó tới lượt chú bác, họ hàng...

Nếu chưa mời chủ nhà uống trước mà đã gọi người khác uống thì chủ nhà nghĩ người đó xem thường gia đình và có thể thẳng thừng từ chối uống. Khi mời rượu, người góp rượu thường bày tỏ niềm vui, lời chúc mừng nhà mới.

Uống xong rượu mời, chủ nhà rót nước đáp lại và bày tỏ lòng cảm kích, ghi nhận sự đóng góp, ngồi tâm sự và đợi người góp rượu uống hết cang. Sau đó, chủ nhà xin phép mời tiếp những người khác. Lúc này, người góp rượu cũng tùy ý mời anh em, họ hàng tới uống ghè rượu do mình mang tới.

Ảnh minh họa: Đinh Mới

Ảnh minh họa: Đinh Mới

Sau khi thu hoạch xong, đồng bào Bahnar thường làm lễ để tạ ơn thần lúa, đồng thời cầu xin các thần linh phù hộ, ban cho nhiều sức khỏe, mùa màng tươi tốt, đói nghèo đằng sau, giàu sang phía trước... Tùy vào vụ thu hoạch, được mùa thì làm thịt heo, mất mùa thì cúng con gà và mời một số anh em, họ hàng thân thuộc cùng chung vui.

Khác với uống rượu ghè mời khách là uống “đoán” tính cách của vị khách đến nhà, rượu ghè uống mừng lúa mới là uống để đoán “tài vận” gia đình, anh em, họ hàng. Nước rót vào ghè rượu thường đựng trong chiếc bầu nhỏ.

Bà Yao (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Rượu mừng lúa mới gia đình thì thường rót nước bằng bầu nước nhỏ, khi uống thì mình phải tự căn lượng nước đã uống. Nếu mệnh xấu thì khi rót nước sẽ hụt, không đầy miệng ghè và người đó dễ bị ốm đau, làm ăn thất bát. Nếu mệnh tốt thì khi rót, nước sẽ tràn 3 dòng qua miệng ghè, thì có sức khỏe tốt, cuộc sống ổn định, mùa màng bội thu. Còn nếu rót thừa, nước tràn lênh láng qua miệng ghè thì người đó lười lao động, bỏ bê nương rẫy đầy cỏ dại”.

Tục uống rượu ghè trong lễ bỏ mả cũng có nét riêng biệt. Đây vốn là một lễ hội lớn của gia đình, nhưng lại mang tính chất của cộng đồng. Khi làm bỏ mả, cả làng đều chung tay giúp chủ lễ chặt cây, tạc tượng, sửa sang mồ mả, hái rau rừng… Chủ lễ thì chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng tế, trâu bò, heo gà, rượu ghè. Bên cạnh đó, anh em, họ hàng cũng đóng góp heo gà và rượu ghè. Vì số lượng rượu ghè lớn, khách đông và ngày lễ thường kéo dài trong 3 ngày nên trước khi uống, chủ nhà làm lễ thường chọn 2 người phục vụ, rót nước mời rượu khách, gọi là “bơngai vei đak”.

Việc chọn người “vei đak” cũng rất kỹ càng, phải là người lịch thiệp, vui vẻ, khéo ăn nói, uống khỏe và quan trọng hơn là không gây gổ, quậy phá khi say nhằm tạo không khí vui tươi, mến khách và giữ danh dự cho gia đình làm lễ.

Riêng các lễ cúng diễn ra tại nhà rông, bất kể là đâm trâu, dựng mới hay sửa chữa nhà rông đều được tổ chức rất trang nghiêm. Lúc này, rượu cần giữ vai trò là “lễ vật” để dâng lên các đấng thần linh. Và, người được quyền uống rượu đầu tiên trong các dịp lễ tổ chức tại nhà rông phải là già làng cai quản việc cúng tế. Điều này cũng thể hiện rõ vai trò, quyền uy của vị già làng trong cộng đồng buôn làng.

Trước khi già làng uống, nước phải đổ đầy miệng ghè, thịt phải đặt sẵn bên cạnh ghè rượu, tuyệt đối không được lấy bộ lòng hoặc thịt tai, đuôi, đầu... cho già làng. Bản thân già làng khi uống cũng uống cần riêng, người khác không được uống cần này. Uống xong, già làng rút cần mang theo bên mình, nếu chưa uống xong thì kéo nhấc cần lên hơi cao để mọi người nhận biết.

Vì sao lại có việc cấm dùng chung cần rượu với già làng, theo ông Anglăch (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) là “để tránh những người ăn mật, ăn lòng, ăn thịt chó, thịt rắn… sợ làm ô uế đến thần linh, ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe bản thân, gây bệnh ốm đau… Thông thường già làng có 4 người, tất cả đều có cần riêng, những cần này không ai tự tiện lấy uống”.

Theo quan niệm của người Bahnar, khi uống không nên dùng ngón tay cái bịt đầu ống cần rượu vì nó thể hiện sự không tin tưởng, nghi ngại nhau. Và khi bắt gặp người uống rượu bịt đầu ống cần rượu mình mời thì người mời rượu thường tỏ rõ thái độ khó chịu, rất dễ gây gổ, xích mích, mất đoàn kết. Nếu tránh được việc này, những cuộc uống rượu ghè sẽ thêm chan hòa, vui tươi.

Có thể bạn quan tâm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

(GLO)- Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.