Khu vực phía Đông Gia Lai được xem là một trong những vùng có nền nông nghiệp lớn của tỉnh. Hiện nay, hơn 70% người dân sống dựa vào nông nghiệp, nhưng những năm gần đây, khu vực này phải hứng chịu thiệt hại lớn do hạn hán gây ra. Ngoài sự thay đổi thất thường của thời tiết thì sự thiếu hụt và xuống cấp của các công trình thủy lợi cũng là nguyên nhân khiến nông dân phải hứng chịu những thiệt hại trong sản xuất…
Hiện nay, toàn khu vực phía Đông tỉnh có 223 công trình thủy lợi đáp ứng nguồn nước tưới cho gần 1.500 ha cây trồng. Trong đó, huyện Kbang có 31 công trình (cung cấp nước cho 594 ha), thị xã An Khê 170 (cung cấp nước cho 358 ha), Đak Pơ 12 (218,2 ha) và Kông Chro 10 công trình thủy lợi (cung cấp nước cho 195,5 ha). Hệ thống các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng được nguồn nước tưới từ 50% đến 60% diện tích cây trồng. Số diện tích còn lại nông dân phải tự đào ao tích nước hoặc dùng máy bơm để lấy nước từ nơi khác về tưới.
Cống dẫn nước tại xã Cửu An (thị xã An Khê) bị hỏng. Ảnh: Lê Anh |
Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi không đảm bảo lượng nước tưới như năng lực thiết kế ban đầu, nên vào mùa khô, lượng nước các công trình này chỉ đáp ứng tưới được hơn 40% diện tích cây trồng. Kèm theo đó, do điều kiện thổ nhưỡng, địa hình của các huyện phía Đông tỉnh không thuận lợi, muốn đưa nước đến tận đồng ruộng còn gặp rất nhiều nan giải.
Hàng năm, khi bước vào mùa khô, nông dân phải loay hoay tự tìm nguồn nước tưới. Vì vậy, chỉ trong hai đợt hạn vào năm 2007 và 2008, nông dân đã chịu thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì diện tích cây trồng chết lên đến hàng ngàn ha. Ông Nguyễn Hữu Tính ở xã Yang Trung, huyện Kông Chro cho biết: “Vào mùa khô, nông dân chúng tôi không thể tìm ra nguồn nước tưới. Hệ thống ao hồ cũng khô cạn, các công trình thủy lợi cũng chung số phận. Chỉ trong 2 năm qua, gia đình tôi đã thiệt hại hàng chục triệu đồng do các loại cây trồng bị chết…”.
Hiện nay, đa số công trình thủy lợi tại các huyện, thị xã cũng đã bắt đầu xuống cấp, trong đó có hơn 30% các công trình thủy lợi tại khu vực phía Đông tỉnh bị tàn phá do mưa lũ và thiếu ý thức trong việc bảo vệ của nông dân nên đang bị hư hỏng nặng chưa có kinh phí sửa chữa, có nguy cơ khô hạn vào cuối vụ. Các công trình thủy lợi lớn được xây dựng từ sau ngày giải phóng với phương pháp thủ công nên cũng đã không còn đảm bảo được về chất lượng phục vụ tưới tiêu. Việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi được giao cho UBND các xã hoặc các hợp tác xã trực tiếp quản lý và duy tu bảo dưỡng khi xảy ra hư hỏng, nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp, lại thiếu cán bộ chuyên trách có năng lực quản lý nên hầu hết các công trình thủy lợi khi xảy ra sự cố đều không thể sửa chữa kịp thời.
Ông Tạ Đức Hưng- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: “Hiện nay, các công trình thủy lợi của huyện chỉ đáp ứng tưới tiêu cho gần 60% diện tích cây trồng, phần còn lại nông dân dùng máy bơm hoặc tận dụng nguồn nước suối. Những công trình thủy lợi lớn của huyện do xây dựng đã lâu hoặc bị ảnh hưởng do các đợt mưa lũ nên đã xuống cấp. Do huyện chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, tích nước nên nguy cơ thiếu nước vào mùa khô là rất lớn. Hiện nay, chúng tôi cũng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào ao tích nước chống hạn và khuyến cáo người dân điều tiết nước tưới phù hợp, chống lãng phí…”.
Việc các công trình thủy lợi ở khu vực phía Đông tỉnh bị xuống cấp không phải đến bây giờ các cơ quan chức năng mới biết. Tuy nhiên do những khó khăn về nguồn kinh phí nên đành phải tận dụng tất cả những gì có thể nhằm đảm bảo được đến mức tối đa nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng. Với đà này, năm sau các công trình thủy lợi hư hỏng nặng hơn năm trước thì e rằng nếu không kịp thời có những biện pháp khắc phục thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nông dân.
Lê Anh