Bà Đ.T.T là công dân đầu tiên bị phạt 200 ngàn đồng vì lỗi “không đeo khẩu trang” khi đến khu vực công cộng và có nhiều người xung quanh.
Nữ nhân viên Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng nhiễm COVID-19 khi kéo khẩu trang xuống trong quá trình tư vấn cho 2 du khách Anh. |
Cần phải nói lời khen ngợi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của phường Hàng Trống (Hà Nội), lực lượng công an cũng như chính quyền Hàng Trống cả ở mức phạt tiền mang tính biểu tượng, cả ở việc mở ra một tiền lệ trong việc thực thi pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, việc không đeo khẩu trang là một hành vi vi phạm hành chính.
Thủ tướng Chính phủ chính thức yêu cầu từ ngày 16.3.2020, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... như một biện pháp đảm bảo ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Dịch COVID-19 giờ đây không còn chỉ là từ nguồn nước ngoài nữa. Thực tế cho thấy đã có nguồn lây từ cộng đồng: Từ một buổi tiệc tại quán bar Buddha quận 2; và từ một đám tang ở huyện Bình Chánh (đều ở TPHCM)...
Chúng ta hẳn cũng chưa quên hình ảnh ghi lại từ camera khi “bệnh nhân người Anh” tiếp xúc với nữ nhân viên siêu thị ở Đà Nẵng. Và cô gái đã bỏ khẩu trang khi đối thoại.
Chiếc khẩu trang không phải là yếu tố duy nhất chống lại lây nhiễm. Nhưng rõ ràng, nó là biện pháp đơn giản nhất, rẻ nhất, dễ thực hiện nhất mà chúng ta có thể sử dụng để bảo vệ minh, bảo vệ gia đình và cộng đồng.
Đeo khẩu trang, vì thế, còn là một thứ nghĩa vụ mà mỗi công dân có trách nhiệm phải thực hiện.
Cũng phải khen ngợi Hàng Trống, vì đã chọn mức phạt 200 ngàn, trong khung xử lý vi phạm từ 100-300 ngàn. Mức phạt ấy không quá ảnh hưởng tới kinh tế của người xử phạt, trong khi vừa có tác dụng giáo dục, vừa là một biểu tượng của sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
Chúng ta có nhiều hình thức xử lý nhưng ít, thậm chí gần như không mấy khi áp dụng trong thực tế: Xử phạt người hút thuốc nơi công cộng, xử phạt người đổ rác không đúng nơi quy định, xử phạt người tiểu bậy, xử phạt người dắt chó không rọ mõm... Và chính việc “bỏ qua” của những người, những đơn vị thực thi pháp luật khiến này sinh một tâm lý, một thực tế nhờn luật.
Nhưng dịch bệnh là một câu chuyện rất khác, không thể là chuyện đùa khi chỉ một bệnh nhân dương tính với COVID-19, có khi cả phố, cả xã phải cách ly với rất nhiều tốn kém.
Đeo khẩu trang, vì thế, không chỉ là để tránh 200 ngàn tiền phạt mà còn không tự biến mình thành người vô tâm trước an nguy của cộng đồng.
Theo Anh Đào (LĐO)