Phát hiện mới về tiền hiền làng Phú Cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến điền dã tìm hiểu di sản tư liệu và lịch sử làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), chúng tôi phát hiện một ngôi mộ cổ có tấm bia đá khắc chữ Nho. Nội dung tấm bia cho biết, rất có thể người nằm nơi đây là phu nhân của vị tiền hiền lập làng Phú Cần.

Theo chân anh Nguyễn Trung Thành-Trưởng thôn Thắng Lợi và thành viên Ban phụng sự đền tiền hiền làng Phú Cần, chúng tôi đến nhà ông Phan Hữu Tâm-hậu duệ của một trong những người di dân đầu tiên đến Phú Cần khai hoang lập làng. Khi được hỏi về tung tích các ngôi mộ cổ, ông Tâm dẫn chúng tôi ra sau nhà, băng qua nhiều ngôi mộ đã sụp đổ đến trước một ngôi mộ đẹp và còn khá nguyên vẹn nằm cuối vườn.

Ngôi mộ nằm khuất trong tán cây. Hình dáng, cấu trúc ngôi mộ rất giống với mộ của vị tiền hiền họ Phan mà nhiều người đã biết, hiện tọa lạc tại buôn Thim (xã Phú Cần) cách đó 500 m. Tuy nhiên, quy mô của ngôi mộ này có nhỏ hơn một chút, như tấm bia đá chúng tôi đo được: 78 cm (cao) x 40 cm (rộng) x 9 cm (dày); bên mộ tiền hiền là 90 x 50 x 9,5 cm.

Ngôi mộ bà Nhụ nhân Võ thị. Ảnh: L.H.S

Ngôi mộ bà Nhụ nhân Võ thị. Ảnh: L.H.S

Ông Tâm cho biết, theo gia đình truyền lại, đây là mộ bà cố ngoại của ông. Tuy nhiên, do gia đình không ai đọc được chữ Nho nên không biết rõ tên họ của bà là gì. Ngôi mộ này được xây cùng thời với mộ ông tiền hiền, từ năm 1942, cách đây hơn 80 năm, tình trạng còn tương đối nguyên vẹn. Riêng tấm bia được làm bằng đá nguyên khối, chữ khắc chìm, các nét ngay ngắn và vẫn còn rất rõ. Toàn văn tấm bia gồm 44 chữ chia làm 1 hàng ngang và 3 hàng dọc. Hàng ngang nằm trên cùng, ghi thời gian xây mộ lập bia: “Tháng 4 năm 1942”. Hàng dọc ở giữa ghi: “Cáo phong Chánh chủ mộ Cửu phẩm Đội trưởng Phan phủ Nhụ nhân Võ thị chi mộ” (nghĩa là: Mộ của bà họ Võ, được triều đình ban Cáo phong, là phu nhân nhà ông Chánh chủ mộ hàm Cửu phẩm chức Đội trưởng họ Phan). Hàng dọc bên phải ghi năm sinh của bà: “Mậu Tuất (không rõ ngày tháng)”. Hàng dọc bên trái ghi thông tin ngày mất của bà: “ngày 17 tháng 4 năm Kỷ Mão”.

Chữ “Nhụ nhân” trong các từ điển vừa chỉ vợ, lại cũng vừa chỉ mẹ. Để xác định rõ hơn, chúng tôi phải tra cứu thêm. Căn cứ thông tin về tuổi của bà, trên mộ ghi “sinh ư Mậu Tuất niên”, “tử ư Kỷ Mão niên”; lấy tuổi của ông tiền hiền đã được xác định (1890-1940) làm chuẩn, thì năm Mậu Tuất trước và sau năm 1890 là năm 1838 và năm 1898; còn năm Kỷ Mão trước và sau năm 1940 là năm 1879 và năm 1939. Như vậy, nếu tuổi bà Võ thị là 1838-1879 (thọ 41 tuổi) với tư cách là mẹ ông tiền hiền, thì bất hợp lý, bởi bà khó có thể sinh ông tiền hiền khi mới 11 tuổi. Còn nếu tuổi bà Võ thị là 1898-1939 (thọ 41 tuổi) với tư cách là vợ ông tiền hiền, thì sẽ hợp lý hơn, bởi bà nhỏ hơn ông 8 tuổi và mất trước ông 1 năm.

Từ căn cứ kể trên, có thể đi đến kết luận rằng bà “Nhụ nhân Võ thị” được nói đến trên tấm bia đá cổ sau vườn nhà ông Phan Hữu Tâm khả năng cao là vợ/phu nhân của ông tiền hiền họ Phan-người được lập mộ tại buôn Thim và được thờ phụng tại đền tiền hiền làng Phú Cần xưa. Hai chữ “Cáo phong” kể trên là từ ngữ chỉ một loại văn bản do triều đình phong cho mẹ hoặc vợ của một vị quan lại để vinh danh, người phụ nữ có cáo phong như vậy thường được gọi là “Cáo mệnh phu nhân”.

Phát hiện mới này giúp chúng ta có thêm những thông tin thú vị liên quan trực tiếp đến tiểu sử ông tiền hiền họ Phan và góp phần bổ sung một tư liệu quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử di cư, khai hoang, lập làng của người Kinh buổi đầu tại Krông Pa. Đồng thời, phát hiện này cũng giúp chúng ta đính chính những truyền ngôn chưa chính xác đã lưu truyền nhiều năm cho rằng ông tiền hiền họ Phan lên Phú Cần khi mới hơn 20 tuổi và không vợ con, không thân thích.

Bia mộ là loại tư liệu đặc biệt, nếu biết cách khai thác, chúng sẽ cung cấp cho ta nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa địa phương. Hiện nay, việc nghiên cứu văn bia (văn tự trên bia) tại Gia Lai gần như chưa được chú ý nhiều, bởi vậy, đây vẫn là một khoảng trống rộng lớn đang cần được bổ khuyết. Theo khảo sát của chúng tôi, riêng về bia mộ chữ Nho, Gia Lai có khá nhiều, tập trung tại những vùng có người Kinh sinh sống lâu đời, niên đại tạo bia kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến thời gian gần đây. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng hơn 10 tấm bia ra đời vào thời kỳ khai hoang lập làng của các cộng đồng người Kinh, như chúng tôi thấy tại An Khê, Krông Pa. Niên đại các bia này kéo dài từ cuối thế kỷ XIX-thời Vua Thành Thái đến đầu thế kỷ XX-thời Vua Bảo Đại.

Những ngôi mộ cổ giúp chúng ta xác định được những cư dân đầu tiên có mặt tại địa phương. Vì thế, tư liệu này có ý nghĩa và vai trò quan trọng, nhất là đối với những vùng không còn tồn tại các di sản tư liệu khác như sắc phong, văn tế, văn khắc, giấy tờ đất trong các đình chùa, miếu mạo và tư gia. Trải qua thời gian dài lâu, nhiều ngôi mộ cổ đã sụp đổ, văn bia bị hủy hoại, số ít ỏi còn lại cũng đang ở tình trạng nguy cấp. Thiết nghĩ, chúng ta cần có kế hoạch gìn giữ, khai thác loại hình di sản tư liệu này càng sớm càng tốt.

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.