Phát hiện mới: ánh nắng có thể vô hiệu hóa virus corona trong 6-14 phút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài việc phát hiện ánh nắng mặt trời có thể vô hiệu hóa virus corona trong 6-14 phút, các nhà khoa học nhận thấy khả năng lây lan của virus giảm đáng kể ở môi trường có ánh nắng chiếu trực tiếp.

 

Người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài ở tỉnh Chon Buri, phía đông Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài ở tỉnh Chon Buri, phía đông Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS


Kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí học thuật về Các bệnh truyền nhiễm (The Journal of Infectious Diseases) cho thấy ánh nắng Mặt trời có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo tờ Newsweek của Mỹ số ra ngày 22-5, để tìm hiểu xem virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại như thế nào trong điều kiện giống như ngoài trời, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm với một thiết bị mô phỏng ánh sáng Mặt trời tự nhiên trong phòng thí nghiệm đã được điều chỉnh để có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp.

Virus được nuôi trong môi trường phòng thí nghiệm và trong một chất lỏng nhân tạo giống với nước bọt của con người. Sau đó, các mẫu virus thí nghiệm đươc phơi trên các tấm thép không gỉ.

Các tấm thép có nhiễm virus này được treo trong phòng thí nghiệm và được chiếu ánh sáng mô phỏng ánh nắng Mặt trời từ 2-18 phút. Một số tấm thép có nhiễm virus khác được để trong bóng tối trong khoảng 60 phút.

Kết quả cho thấy các tia cực tím B đã vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Trong điều kiện mô phỏng ánh sáng Mặt trời giữa trưa của ngày dài nhất trong năm ở 40 độ vĩ Bắc, 90% virus trong nước bọt đã bị vô hiệu hóa chỉ sau 6,8 phút.

Trong khi đó, ánh sáng Mặt trời mô phỏng ngày đông chí ở cùng vĩ độ cũng đã tiêu diệt virus trong nước bọt sau khoảng 14,3 phút. Ngược lại, những virus phơi trên tấm thép đặt trong bóng tối hầu như không có thay đổi gì.

Cũng theo nghiên cứu trên, virus SARS-CoV-2 bị vô hiệu hóa nhanh gấp 2 lần khi ở trong nước bọt hơn là trong môi trường nuôi cấy, tuy nhiên các nhà khoa học chưa tìm ra lý do giải thích rõ điều này.

Ngoài ra, khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể giảm đáng kể ở môi trường bên ngoài có ánh nắng Mặt Trời chiếu trực tiếp. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng ánh nắng Mặt Trời tự nhiên có tác dụng như chất khử trùng đối với những bề mặt không xốp bị nhiễm khuẩn.

Theo giáo sư Ron Eccles thuộc ĐH Cardiff của Anh, kết quả nghiên cứu trên rất thú vị và góp phần giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tác dụng của tia cực tím ngoài trời trong việc tiêu diệt virus.

Nhiều năm qua, giới khoa học vẫn biết rằng tia cực tím có thể vô hiệu hóa nhiều loại virus và vi khuẩn, vì vậy nó đã được sử dụng rộng rãi để khử trùng phòng mổ ở các bệnh viện.

Theo TTXVN/TTO

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?