( GLO)- Bộ Tài nguyên và Môi trường ( TN-MT) vừa phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2022. Chiến dịch với chủ đề “ Cùng hành động để thay đổi thế giới” diễn ra từ ngày 19-25/9.
Khởi xướng năm 1993 từ Chính phủ nước Úc, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do đã được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc phát động trên toàn cầu, tập trung vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm và đã thu hút sự tham gia của hơn 180 nước trên thế giới ( Việt Nam hưởng ứng từ năm 1994) .
Theo Ngân hàng thế giới, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng nhanh, từ 3,5 triệu tấn mỗi ngày năm 2010 có thể lên 6 triệu tấn/ ngày vào năm 2025. Và không hành động khẩn cấp thì đến 2050, các đại dương sẽ bị ô nhiễm nặng nề.
Bên cạnh hoàn thiện chính sách, pháp luật, thanh-kiểm tra, xử lý vi phạm, Việt Nam đã tiến hành đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả nhất định. Giai đoạn 2016-2021, Bộ TN-MT đã thanh- kiểm tra 2.364 cơ sở và khu công nghiệp, xử phạt 878 cơ sở vi phạm. Đây là việc làm cần thiết góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân, buộc doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho môi trường, bước đầu tạo dư luận tốt trong xã hội. Tỷ lệ các khu cong nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là 91%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý 96%. Tỷ lệ nước thải sinh họt đô thị được xử lý trên 15%. Có 71 nhà máy, trạm xử lý nước thải đô thị tập trung vận hành với tổng công suất thiết kế trên 1,383 triệu m3 / ngày đêm…Cả nước xây dựng và vận hành 1.298 trạm quan trắc về môi trường; thực hiện truyền số liệu từ doanh nghiệp về cơ sở tài nguyên, môi trường tại các địa phương và từ các cơ sở này về Bộ TN-MT. Năm 2021, chỉ số phát triển bền vững của nước ta xếp 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016.
Tuy nhiên hiện tại Việt Nam trung bình thải ra môi trường hơn 61 ngàn tấn chất thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 70% xử lý bằng chôn lấp, gây lãng phí và chưa giải quyết căn cơ vấn nạn ô nhiễm. Phần lớn rác thải sinh họat chưa phân loại tại nguồn, gây áp lực cho việc xử lý.
Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt cơ chế chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển KT-XH. Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tổ chức hàng năm với các hoạt động: đồng loạt ra quân làm sạch môi trường các địa bàn dân cư, kiểm soát khu vực tập trung nhiều nguồn rác thải, điểm nóng ô nhiễm…, cùng với đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức tốt nội dung chiến dịch, các phong trào từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Bộ TN-MT đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức CT-XH, các tỉnh thành tổ chức tuyên truyền hướng dẫn đưa Luật bảo vệ môi trường vào cuộc sống. Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh họat tại nguồn; tái chế, tái sử dụng chát thải; lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp; thực hiện các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững…Vận động các tổ chức, cá nhân hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhụa dùng một lần. Biểu dương, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến, hoạt động vì môi trường.
TS ( từ TTXVN, Cổng TTĐT Bộ TN-MT, Tiền phong online)