Phận người như lá...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chừng hai mươi giây. Là khoảng thời gian tàu cá QNa-90129TS lật nghiêng, rồi chìm hẳn, theo tường trình của thuyền trưởng Lương Văn Viên từ Trường Sa, nơi các lực lượng đang dồn sức tìm kiếm, cứu nạn những ngư dân còn mất tích. Người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm nhất sau hàng chục năm đối diện sóng gió Trường Sa, Hoàng Sa cũng chẳng có cách nào cứu lấy con tàu cùng những bạn biển của mình, sau cơn lốc xoáy...
Tàu QNa-90129 sau khi bị tàu hàng đâm va vào năm 2020. Ảnh: T.C

Tàu QNa-90129 sau khi bị tàu hàng đâm va vào năm 2020. Ảnh: T.C

Im lặng nơi làng biển

Bà Bùi Thị Ngọc Thúy (ở thôn Xuân Trung, xã Tam Quang, Núi Thành) chưa kịp nói gì, hai hàng nước mắt đã chảy dài trên gò má. Đàn bà biển, khắc khổ in hằn trên gương mặt, bà Thúy chẳng buồn lau nước mắt.

Đã hai đêm trắng, kể từ khi nhận tin con tàu câu mực QNa-90129 của Tam Giang (Núi Thành) gặp nạn ngoài Trường Sa. Người thân của bà Thúy phải dìu bà đi ra từ căn phòng nhỏ.

Ngày 18/10, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đã tiếp cận, chăm sóc y tế cho các ngư dân được cứu sống. Sau khi được hỗ trợ y tế, 81 ngư dân, bao gồm ngư dân trong 2 vụ chìm tàu và một số ngư dân bị đau ốm khi đánh bắt trên biển đã lên tàu KN467 của lực lượng kiểm ngư để trở về bờ. Thi thể 2 nạn nhân trong vụ chìm tàu cũng được đưa về cảng An Hòa (Núi Thành) trong đợt này để bàn giao gia đình lo hậu sự.

“Tôi đang bán mỳ dưới nhà mẹ thì nghe Hòa (chị em bạn dâu với bà Thúy - NV) điện, kêu chị ơi hình như tàu của anh Quang bị chìm rồi. Nghe tới đó, tôi rụng rời. Lâu nay chồng tôi khăn gói là đi, biền biệt tới ngày về.

Ổng kỹ lắm, ít khi điện đóm, sợ vợ con ở nhà lo lắng. Bão Chanchu, rồi hai lần tàu ổng gặp nạn, ổng cũng không nói chi, cho tới khi về, mạnh khỏe. Nhưng lần này...” - bà Thúy lặng yên. Ai cũng biết, những hy vọng đang nhỏ dần, khi 12 ngư dân mất tích từ đêm 16/10 trên biển lạnh...

Bà con, hàng xóm đứng ngồi chật ních trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Đào, cách không xa nhà bà Thúy. Chồng bà Đào là ngư dân Nguyễn Văn Diễn, một trong số 12 người trên tàu của ông Lương Văn Viên còn mất tích. Sáng 17/10, bà Đào đang đi vá lưới thuê bên Tam Tiến thì nghe hung tin. Bà lật đật chạy về, nhờ người thân chở qua Tam Giang để nghe ngóng tình hình.

“Dò tới dò lui danh sách những người bị nạn, tim nhảy lên nhảy xuống từng hồi. Đọc tới Nguyễn Văn là tôi đã rụng rời, nhưng thấy tên Hiển, tôi như nhẹ bớt. Nhưng rà tới dòng tiếp theo, thấy năm sinh 1973, tự dưng lòng lo trở lại.

Tôi hỏi đi hỏi lại, họ cũng nói danh sách không có ai tên Diễn. Về nhà mà vẫn chưa yên tâm, tôi nhờ trưởng thôn đi hỏi kỹ. Tới chiều 18/10 mới biết đó là chồng mình. Danh sách ghi nhầm tên chồng tôi từ Diễn thành Hiển” - bà Đào không thể kìm lòng được nữa, khóc bật ra thành tiếng...

Bà Nguyễn Thị Đào khóc nghẹn khi biết chồng mình vẫn đang mất tích. Ảnh: T.C

Bà Nguyễn Thị Đào khóc nghẹn khi biết chồng mình vẫn đang mất tích. Ảnh: T.C

Ai đó đã mang bàn ghế sắp sẵn trong nhà của bà Đào và bà Thúy. Im lặng phủ trùm lên xóm nhỏ khuất sâu sau con dốc làng Xuân Trung.

Ông Nguyễn Thanh Viên - Trưởng thôn Xuân Trung suốt hai ngày nay ngược xuôi giữa nhà của gia đình hai nạn nhân Đặng Thanh Quang và Nguyễn Văn Diễn, rồi lại ngược sang đồn Biên phòng Kỳ Hà để hỏi thông tin.

Các bà, các mẹ túc trực bên hai người phụ nữ, động viên. Họ cũng chẳng biết nói gì, chỉ biết lặng yên. Cầu nguyện và chờ đợi. Chưa có tia sáng nào lóe lên, từ những tin tức mà trưởng thôn báo về...

Chúng tôi theo chân Thượng tá Trần Văn Hóa - Chính trị viên Đồn biên phòng Kỳ Hà đến nhà ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp ở làng Trung Toàn (Tam Quang). Bà Phạm Thị Liên (39 tuổi), vợ của ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp tựa hẳn vào ghế, mắt đã sưng húp.

“Ảnh nói đi ráng chuyến này rồi về đưa em đi vượt cạn. Trên tàu có chồng em, cha em, nghe tin thì cứ lo cho cha, mà ngờ đâu cha bơi được còn chồng mình mất tích. Chỉ còn hai tháng nữa là em sinh, nhưng mà chồng thì đang ở mô ngoài biển, em không thể ngủ được” - lại thêm một khoảng lặng đến nghẹn.

Từ đêm 17/10, bà Huỳnh Thị Lộc, mẹ bà Liên, cũng là vợ của ngư dân Phạm Văn Nga trên tàu QNa-90129 đã từ Quảng Ngãi ra túc trực với con mình. Hai mẹ con, cùng một nỗi niềm đau đáu về người thân đang trong cơn hiểm nạn...

Không có “phép màu”

Ngày 30/4/2019, cũng chính thuyền trưởng Lương Văn Viên cầm lái tàu QNa-90129 hoạt động cùng 51 thuyền viên trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì tàu bị hỏng máy chính, trôi dạt vô định trên biển. Sau nhiều giờ cố gắng sửa chữa nhưng không khắc phục được sự cố, tàu được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tìm kiếm, lai dắt trở về.

Ngày 28/8/2020, tàu câu mực này lại một lần nữa bị tàu hàng đâm hỏng dàn, vỡ mũi, thuyền viên Phạm Bá Tường (Tam Giang) bị thương, rơi xuống biển, rất may được cứu vớt kịp thời. Hai lần trở về, ít nhiều thương tích, nhưng rồi con tàu lại trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến đêm 16/10, tàu gặp cơn lốc xoáy...

Cảnh sát biển tiếp cận, chăm sóc y tế cho các ngư dân gặp nạn được các tàu câu mực hoạt động gần khu vực ứng cứu sau sự cố chìm tàu. Ảnh: T.C

Cảnh sát biển tiếp cận, chăm sóc y tế cho các ngư dân gặp nạn được các tàu câu mực hoạt động gần khu vực ứng cứu sau sự cố chìm tàu. Ảnh: T.C

Từ nơi gặp nạn, thuyền trưởng Lương Văn Viên nói, nhiều khả năng 12 thuyền viên bị mất tích đã chìm theo tàu. “Tàu chìm rất nhanh, ngư dân có thể đã không thoát ra kịp nên bị mắc kẹt trong khoang rồi chìm theo tàu. Khu vực tàu chìm sâu vài ngàn mét, rất khó có khả năng trục vớt” - thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương đóng tại Đồn biên phòng Kỳ Hà dẫn lại. Đến sáng 19/10, ba tàu quốc phòng và 7 tàu cá của ngư dân vẫn đang quần thảo, mở rộng khu vực tìm kiếm, cố níu lấy những hy vọng mong manh, cuối cùng.

Tôi trò chuyện với một cán bộ biên phòng, anh nói nếu trong trường hợp tàu phá nước bình thường, ngư dân vẫn có thể sinh tồn ít nhất vài giờ đồng hồ trong điều kiện không có phương tiện cứu sinh. Nhưng trong trường hợp này, mọi tiên lượng đều khó nói.

Như một chiếc lá bị cuốn vào vòng xoáy nước, con tàu có thể đã bị nhấn chìm thẳng xuống lòng biển. Những dòng hải lưu lạnh lẽo ở độ sâu thăm thẳm vài ngàn mét phía khơi xa kia có thể đã hung hãn cuốn trôi con tàu, chỉ biết chờ đợi những phép màu...

Chiều 17/10, khi trực tiếp vào Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp sau khi nghe báo cáo phương án tiếp cận của các lực lượng, đã hỏi, rất dè dặt “liệu có điều thần kỳ xảy ra không?”. Im lặng.

Những chỉ đạo rất nhanh sau đó đã được đưa ra, nhưng những khuôn mặt trĩu nặng của những người có trách nhiệm phảng phất dự đoán xấu, đúng như những gì đang diễn ra sau đó: 20 giờ của “thời gian vàng” cứu nạn đã hết, và nhiều giờ sau đó, vẫn chưa có thêm ai được tìm thấy...

* * *

Tháng 12/2019, trên tàu HQ561, chúng tôi đã phải dạt vào đảo Tốc Tan (quần đảo Trường Sa) tránh bão. Nhìn xuống những con tàu ngư dân mỏng manh, như lá, lòng trĩu lên những xúc cảm khó nói thành lời.

Ngư dân đi biển, đã phải nhồi dập với bao phen sóng gió, đã đối mặt với biết bao cơn sóng lừng quăng quật suốt hàng chục năm dạn dày, thuyền là nhà, biển như là cánh đồng lớn mà họ đã cắm mặt mưu sinh suốt đời. Nhưng giữa thăm thẳm xanh sâu kia, lặng yên cũng mang đầy bất trắc. Họ thức dậy với bình minh và hoàng hôn là biển.

Mỗi con tàu, không đủ lớn để là một dấu chấm trên hải đồ, nhưng chắc chắn đã góp thêm một mỏ neo cho cương thổ, cho chủ quyền giữa bao la sóng gió. Họ sẽ chẳng thể làm gì, khi không biển. Nhưng cũng chính biển, chính con tàu - mái nhà của họ - biết đâu rằng lần này đã giữ họ lại giữa thẳm sâu, không thể trở về...

Bốn mươi ngư dân được tàu của những người đồng hương vớt lên từ lòng biển đã đòi ở lại để tiếp tục tìm kiếm bạn mình. Trong khoảnh khắc nguy khó và khốn cùng nhất cuộc đời, họ, dù chưa hẳn đã bình phục sau khoảnh khắc sinh tử, vẫn muốn níu lấy một chút hy vọng mỏng manh cho những bạn biển. Phía biển lẫn phía bờ, những đau xót khôn cùng dậy lên khi giữa ba đào, thêm một con tàu, nằm lại...

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.