Một bất ngờ xảy ra ở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Cung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo xin được nhận hình phạt tử hình.
Phạm Văn Cung (áo xanh). Ảnh: LĐO |
Sáng 14.4, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, tiếp tục xét xử bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi), từng trụ trì chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, lái xe ôm) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKSND giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố, đề nghị tòa tuyên bị cáo Phạm Văn Cung mức án chung thân, bị cáo Nguyễn Tuấn Sĩ từ 3-5 năm tù.
Nhưng điều bất ngờ là Phạm Văn Cung không những xin giảm nhẹ hình phạt, mà ngược lại là xin tăng nặng. Nặng ở đây là tử hình.
Phạm Văn Cung thừa nhận bản thân là người không tốt, mức án chung thân mà đại diện VKSND đã đề nghị chưa tương xứng nên xin nhận mức án tử hình. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị hại, người thân và cảm ơn các cơ quan tố tụng.
Đương nhiên, luật pháp không có chuyện xin - cho, hội đồng xét xử căn cứ vào hành vi vi phạm, các chứng cứ khách quan tại phiên tòa để lượng hình, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Trước tòa, bị cáo có muốn giảm nhẹ hay tăng nặng hình phạt cũng không ai có quyền "cho". Phạm Văn Cung có xin "tội chết" thì bản án cũng không thuộc về ý chí của ông ta, ý chí của cá nhân ai trong các cơ quan tố tụng, Hội đồng xét xử, mà thuộc về quyền năng của pháp luật.
Xin không bàn thêm về chuyện xin được xử tử hình của bị cáo Phạm Văn Cung, mà nói đến khía cạnh của lòng tin và sự cả tin.
Nếu Phạm Văn Cung không phải là Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, thì chắc khó có thể lừa được gần 70 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm mà chủ yếu là Phật tử.
Những nhà hảo tâm, có sự quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đã sẵn lòng hỗ trợ cho Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi mà Phạm Văn Cung làm giám đốc, điều đó là bình thường. Nhưng chỉ qua vài cuộc điện thoại, có thể tin được Phạm văn Cung bị bắt cóc, rồi chuyển ngay tiền tỉ để giải cứu, đó là cả tin.
Tin Phật nhưng không tin những người lợi dụng tu hành để làm điều bất chính. Muốn vậy thì lòng tin không mù quáng, phải có sự suy xét.
Cũng giống như, tin giáo lý Phật giáo, nhưng không chạy theo những hình thức mê tín dị đoan, bói xăm, cúng đốt vàng mã để mặc cả với người âm, đồng bóng...
Nói cả tin cho dễ nghe, nhưng bản chất đó là sự mê muội.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)