Ông Mai Tiến Dũng bị Thủ tướng cảnh cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị Thủ tướng cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Quyết định kỷ luật hành chính do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng ngày 9/3. Thời gian thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng tính từ 14/1/2023.

Hồi giữa tháng 1, ông Dũng bị Ban Bí thư cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong vụ "chuyến bay giải cứu".

Ban Bí thư xác định ông Dũng với cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19, để một số cán bộ Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng "đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước".

Theo quy định, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng.

Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Ông Mai Tiến Dũng, 64 tuổi, quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; trình độ tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11, 12; từng làm Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ông giữ vị trí Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, sau đó về nghỉ chế độ.

Những "chuyến bay giải cứu" đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn ông Mai Tiến Dũng làm Bộ trưởng.

Cuối tháng 1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ và đơn vị liên quan khi thực hiện "chuyến bay giải cứu" trong đợt Covid-19.

Đến nay, hơn 40 người đã bị bắt. Trong nhóm bị can bị điều tra tội Nhận hối lộ có ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của Phó thủ tướng thường trực); ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Ngoại giao), ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và nhiều đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola.

Cuối tháng 12/2022, Cơ quan An ninh bắt giam ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, về tội Nhận Hối lộ.

Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng.

Cùng ngày 9/3, Thủ tướng buộc thôi việc ông Nguyễn Văn Trịnh, nguyên trợ lý Phó thủ tướng, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Thời gian thi hành kỷ luật ông Trịnh từ 21/12/2022.

Tháng 12/2022, Ban Bí thư khai trừ Đảng ông Nguyễn Văn Trịnh. Ông Trịnh bị đánh giá "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ"; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội.

Ông Trịnh bị bắt ngày 30/11 với cáo buộc "tác động" đến Bộ Y tế để giúp Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit test Covid-19. Ông Trịnh làm trợ lý Phó thủ tướng từ tháng 12/2018, sau nhiều năm là thư ký.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.