O Chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 12 năm nay, o Chi không có danh phận trong gia đình ấy. O còn bị đối xử lạnh nhạt, thậm chí có phần khắc nghiệt do định kiến 'mẹ ghẻ - con chồng' từ mấy đứa con của người o thương. Nhưng bây giờ, sự tình hoàn toàn khác hẳn!

Lời hứa trước quan tài người vợ

Đầu năm 2010, vợ của ông Trần Văn Diệm (hiện 60 tuổi, trưởng thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, H.Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) qua đời vì tai nạn giao thông. Tại lễ nhập quan, con gái đầu của vợ chồng ông Diệm tên là Dung nhất quyết đòi ba mình phải hứa "Không được sớm lấy vợ mới!". Nếu ông Diệm phớt lờ, Dung sẽ không cho ai đóng nắp quan tài. Ông Diệm vừa khóc vừa khấn vợ: "Mạ mi yên lòng, giờ ba ráng nuôi con, không đi bước nữa mô".

Bà Chi cùng gia đình ông Diệm trong dịp nhận bằng tốt nghiệp của em Trần Thị Phương Thảo (con gái ông Diệm) năm 2022. Đứng giữa ông bà là em Trần Văn Anh Thư (Tốp)

Bà Chi cùng gia đình ông Diệm trong dịp nhận bằng tốt nghiệp của em Trần Thị Phương Thảo (con gái ông Diệm) năm 2022. Đứng giữa ông bà là em Trần Văn Anh Thư (Tốp)

Sau đám tang, ông Diệm căng thẳng đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền cho bốn đứa con ăn học. Thời điểm đó, Dung là sinh viên năm thứ hai, học tại Đà Nẵng. Lần lượt các em Dung học lớp 12, lớp 6 và đứa út mới năm tuổi rưỡi (tên ở nhà là Tốp) học mẫu giáo.

Hằng ngày cứ 5 giờ sáng, ông Diệm phải rời nhà đi buôn heo. Không biết gửi Tốp cho ai, ông đành chở con tới trường mẫu giáo. Trong 2 tiếng đồng hồ, Tốp chơi "lung tung lang tang" một mình trong trường với trái bóng mang theo, chờ cô giáo tới dạy lúc 7 giờ. Ông Diệm xót xa cho hay Tốp suýt chết mấy lần do tai nạn, may có người cứu kịp.

Nhớ lại chuỗi ngày nặng nề trên, chị Dung thổ lộ: "Đợt đó ba tôi như bị stress. Cứ 4 giờ sáng, ông ngồi trước bàn thờ mẹ tôi, hút thuốc liên tục. Tôi lo quá, nói với ba: Mẹ như rứa rồi, ba mà như rứa nữa thì bọn con biết làm răng".

Theo chị Dung, từ ngày mày mò lên Facebook cho đỡ buồn, ông Diệm kết nối được bạn học thời cấp ba. Mọi người bất ngờ, rủ nhau họp lớp bởi ai cũng tưởng ông Diệm đã chết trong thời gian ông là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia chống bọn diệt chủng Pol Pot. "Từ những buổi họp lớp như vậy, ba tôi và o Chi mới bầu bạn với nhau", chị Dung nhìn nhận.

Bà Chi và ông Diệm trong dịp nhận bằng tốt nghiệp của em Trần Thị Phương Thảo (con gái ông Diệm)

Bà Chi và ông Diệm trong dịp nhận bằng tốt nghiệp của em Trần Thị Phương Thảo (con gái ông Diệm)

Sợ em mình bị hành hạ...

- Bé Dung ơi, đưa cho dì cái rổ!

- Ủa, sao gọi là dì? Dì là chị em bên mẹ cháu, còn bạn của ba thì phải kêu là o chứ!

12 năm qua, chị Dung vẫn nhớ như in câu nói ngoa ngoắt của mình đối với o Chi. Chị cũng chưa quên quang cảnh buổi chiều hôm ấy, o Chi hái rau trong vườn nhà Dung, cạnh cái giếng. Gương mặt o thoáng chút bần thần rồi trở lại vẻ trầm lặng cố hữu, sau khi nghe Dung bắt bẻ.

Từ lúc Dung khởi đầu cách xưng hô như vậy, ba đứa em của chị cũng luôn gọi người phụ nữ đồng hành với ba mình là "o Chi".

Nhưng đó chưa phải là lần cuối Dung làm khó o Chi. Dung tiết lộ có một đợt chị còn "gài" o Chi bằng cách mời o và cả hai bác của chị lên nhà mình. Trước mặt mọi người, Dung quyết liệt: "Có hai bác làm chứng đây, chừ o nói với cháu một lời đi, nếu ba với o đến với nhau thì cố gắng để 5 - 7 năm nữa. Chứ giờ em cháu còn nhỏ vậy, mẹ cháu mới mất, tội lắm. O cũng phải hiểu, thông cảm cho bọn cháu". O Chi đáp lại: "Cháu yên tâm đi, ba với o không có gì cả, chỉ là bạn bè thôi. Mà nếu có gì thì cũng lo cho bọn con học hành, không phải thả vơ thả vất đâu".

Giải thích về thái độ khắt khe với o Chi, Dung tâm sự: "Hồi đầu tôi chưa biết gì về o, lại sẵn định kiến mẹ ghẻ - con chồng, nên cứ sợ ở nhà o đánh hai em nhỏ của mình. Đặc biệt, tôi nơm nớp lo thằng Tốp có bị hành hạ không, ba đi theo o thì có lo cho hắn ăn không". Nhưng khi chị gọi điện hỏi thăm, Tốp khoe: "O hay mua sữa và kem cho em, o còn nấu cơm cho nữa. Trời lạnh, o mua áo ấm cho tụi em...".

O Chi và ông Diệm trong ngày hội khóa (1979 - 1982) năm 2022

O Chi và ông Diệm trong ngày hội khóa (1979 - 1982) năm 2022

O Chi là ai?

Đó là bác sĩ (BS) chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, hiện 59 tuổi. Trước đây, bà công tác tại một bệnh viện ở TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nay bà nghỉ hưu, phụ làm cho một phòng khám.

BS Chi cho biết ông Diệm là bạn học của bà thời cấp ba. Kể từ khi ra trường (năm 1982), gần 30 năm hai người không liên lạc nhau. Năm 2011, họ gặp lại trong cảnh ngộ: ông Diệm mất vợ, bà Chi làm mẹ đơn thân.

"Khi quyết định làm mẹ đơn thân, mình ít nghĩ đến chuyện có người khác. Tới kỳ hội khóa của trường, gặp lại ông Diệm, mình tự hỏi răng ông trời ác với ông ấy vậy, để cho ông mất vợ, một mình nuôi 4 đứa con", BS Chi chia sẻ và bày tỏ: "Rồi mình thấy ông ni hay hay, có vẻ quyết đoán và giỏi, đàng hoàng. Mình nghĩ quanh quẩn thôi chừ ông không vợ, mình không chồng, đến với nhau chắc cũng chẳng ai chê cười, để sau này nương tựa nhau lúc tuổi già".

Nhắc đến cu Tốp - đứa con bé bỏng côi cút của ông Diệm ngày ấy, giọng bà Chi đầy trìu mến. Bà nhớ những lần ông Diệm đi làm chưa về, bà lên thăm thấy Tốp cứ ngồi nhìn ra cửa chờ ba về. Bà bảo Tốp: "Để o Chi nấu cơm soạn ra ăn". Tốp trả lời: "Dạ thôi, để Tốp chờ ba về rồi cùng ba và o Chi ăn cơm luôn". BS Chi bộc bạch: "Nghe Tốp nói vậy, tự nhiên thấy thương nó dễ sợ luôn!".

"Chừ o tính răng?"

Qua thăm dò từ các em, cộng với những lần về thăm nhà tận mắt chứng kiến, Dung dần dần hiểu hơn về o Chi. Dung cho biết nhà o Chi ở TP.Đông Hà, o hay chạy xe về nhà ba Dung để tranh thủ quét dọn, tưới cây, có khi bắc nồi cơm rồi trở ra nhà o (đi - về gần 10 km). Thỉnh thoảng o còn đi chặt củi hoặc chở heo giúp ba chị, có lần bị heo vùng té bầm người. Dung áy náy kể: "Dù không giỏi nội trợ nhưng o vẫn nhiệt tình giúp chúng tôi làm mâm cơm giỗ mẹ. Ai xong rồi thì về, còn o ở lại dọn dẹp đến chiều, lau nhà lau cửa sạch bong... Tính o hay lắm!".

Dẫu vậy, nhiều năm liền, Dung chưa thực sự mở lòng với o Chi, bởi hình bóng người mẹ quá lớn, không ai thay thế được.

Đến khi lấy chồng ở xa, chị mới thấy thương ba mình. Chị chợt nhận ra bấy lâu mình đã giữ ba một cách ích kỷ. Vì vậy, Dung đã chủ động xin lỗi o Chi. O Chi nhẹ nhàng: "O hiểu mà, không sao đâu".

Bây giờ, Dung rất sốt ruột bởi chưa nghe ba mình và o Chi bàn chuyện cưới hỏi. Chị thường giục: "Chừ o tính răng? Muốn tụi con làm đám cưới cho ba với o hay là răng" (cười).

Hiện ba đứa con của ông Diệm và một đứa con của bà Chi đều đã tốt nghiệp đại học, có cuộc sống ổn định. Riêng cậu bé Tốp năm tuổi rưỡi ngày nào, nay là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Có lẽ, bà Chi và ông Diệm cùng lo cho Tốp học xong, mới về chung một nhà...

Gần như là người mẹ thứ hai

Tốp (tên thật là Trần Văn Anh Thư) tâm tình: "Con thấy may mắn khi o Chi đến với ba. Không phải hoàn toàn nhưng phần nào o như là người mẹ thứ hai của con, bù đắp nỗi mất mát của con. Con được o giúp về tinh thần lẫn vật chất, lúc nào o cũng thương tụi con". Chàng trai này mong ước: "Từ khi con đi học xa, con càng muốn ba với o Chi lên sống với nhau cho tụi con an tâm. Vì giờ o Chi ở một mình, ba cũng ở một mình, trong tuần hai người cứ phải chạy lên chạy xuống rất cực. Với lại, khi đau ốm không có ai ở bên".

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.